MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút vàng trong dân: Cần biện pháp nào ?

19-06-2015 - 12:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Hình thành một thị trường chung cho vàng được kỳ vọng sẽ tạo ra một kênh đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư đồng thời thu hút được sự tham gia của các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng có uy tín.

Câu chuyện huy động vàng trong dân lại được nêu lên khi Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, huy động thế nào, quản lý rủi ro ra sao, … vẫn đang là những câu hỏi bỏ ngỏ.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn mà có tới khoảng 300 - 500 tấn vàng nằm “chết dí” trong tủ của người dân thì quả là lãng phí. Bởi vậy, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất vào đầu năm 2014), Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện giải pháp này. Như vậy cũng đủ thấy tính bức thiết của đề án trên.

Tại sao người Việt Nam thích nắm giữ vàng?

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Trước đây, vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.

Trong suốt quá trình lịch sử, vàng luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với người Việt Nam, được sử dụng rộng rãi cho mục đích đầu tư và là phương thức thanh toán thay thế tiền mặt trong những giao dịch lớn. Những năm gần đây, vàng còn được sử dụng như một biện pháp chống lại lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới.

Nguyên nhân khiến nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức cao trước hết là từ yếu tố văn hóa. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn.

Thứ hai, lạm phát quá nhanh trong những năm trước đã khiến người Việt tăng giữ vàng. Tỷ lệ lạm phát 18,13% vào năm 2011, và Việt Nam đã phải mất gần một năm để đưa tỷ lệ này xuống 6,81% năm 2012 và dưới 7% trong những năm gần đây. Nắm giữ vàng như hầm trú ẩn an toàn trước những rủi ro lạm phát và tác động do sức mua sụt giảm được coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản.

Một nguyên nhân khác được cho là do thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, nhiều người trở nên ưa chuộng vàng và USD. Kể từ cuối năm 2008 đến nay, tiền đồng đã bị mất giá trên 20% do áp lực lạm phát và nền kinh tế có vị thế yếu trên trường quốc tế.

Thu hút vàng trong dân: nên chọn giải pháp nào ?

Thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia

Nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam trong những năm trước đây tăng nhanh và cũng là kênh đầu tư khá hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hàng loạt sàn vàng ra đời. Tuy nhiên do cách làm chưa chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư nên Chính phủ đã quyết định dừng hoạt động của các sàn vàng.

Vì thiếu hình thức đầu tư qua “sàn” nên các nhà đầu tư của Việt Nam hiện nay chủ yếu đầu tư vàng vật chất. Trong những thời điểm giá vàng biến động mạnh thị trường vàng vật chất thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới tính theo tỷ giá quy đổi gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Vì vậy tác giả nghĩ rằng rất cần thiết nên có Sở giao dịch vàng quốc gia để cơ quan quản lý có thể thực hiện, giám sát thị trường cũng như tạo ra một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

Các sàn giao dịch vàng trước đây phát triển quá nhanh, hoạt động chưa thật chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư. Khi Sở giao dịch vàng quốc gia thuộc sở hữu nhà nước được thành lập dưới dạng Cty TNHH một thành viên nhà nước với mặt hàng đặc biệt là vàng. Đây là đầu mối giao dịch vàng tập trung và chính thức của cả nước. Việc hình thành một thị trường chung được kỳ vọng sẽ tạo ra một kênh đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư đồng thời thu hút được sự tham gia của các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng có uy tín.

Theo mô hình, đề xuất sẽ xây dựng hệ thống và quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cũng được tuân thủ các quy định rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ vận hành trong mối quan hệ tổng hợp với các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, do đó sẽ gắn kết chặt chẽ hơn thị trường vàng với hệ thống tài chính. Thông qua đó, Sở giao dịch vàng cũng sẽ huy động được một lượng vàng vật chất rất lớn trong dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hạn chế được tâm lý tích trữ vàng vật chất.

Đây mới là đề xuất ban đầu, nếu được Chính phủ chấp thuận thì việc hiện thực ý tưởng này cần phải có sự nghiên cứu kỹ lượng và lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều công cụ phái sinh được áp dụng, chẳng hạn như hedging (mua một hợp đồng này và bán một hợp đồng khác); nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn (Forward); quyền chọn (Option), ... Bên cạnh đó là các công cụ bảo hiểm rủi ro. Lựa chọn các công cụ như thế nào để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì các ban ngành liên quan sẽ cùng nhau bàn bạc và thống nhất. Việt Nam là nước đi sau nên có lợi thế là tham khảo, vận dụng các mô hình của các nước đã thành công vì vậy các vấn đề kỹ thuật cũng không phải là quá khó, quan trọng là thống nhất được chủ trương.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, tại các quốc gia có sở giao dịch vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ khoảng 1 - 2 USD/ounce. Trong khi đó, các ngân hàng đại lý lại có thể thực hiện hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thông qua các nghiệp vụ phái sinh.Với nghiệp vụ này, rủi ro sẽ được kiểm soát, đồng thời có thể sinh lời để góp phần trả lãi gửi vàng cho người dân. Có như vậy, thì mới huy động có hiệu quả nguồn vàng trong dân phục vụ cho mục tiêu dài hạn, phát triển kinh tế - xã hội.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ làm cho người dân không còn mong muốn giữ vàng. Khi đồng VND ổn định, người dân sẽ không mặn mà tìm đến vàng hay ngoại hối làm nơi trú ẩn.

Với hàng loạt văn bản đưa các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được đảm bảo; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng.

Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn; tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được chấm dứt, sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể, cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền.

Mặc dù thị trường vàng thế giới biến động phức tạp nhưng thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây; biến động của giá vàng trong nước không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục thực hiện chuyển quan hệ vay mượn thành mua bán vàng

Việc cho phép huy động, cho vay vàng và chuyển đổi vàng thành tiền theo cách thiếu quản lý chặt chẽ đã gián tiếp dẫn tới tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, làm gia tăng tình trạng đầu cơ, găm giữ, nhập lậu vàng, kéo theo hệ lụy cho tỷ giá, tiếp đến là lạm phát, đồng thời gây rủi ro lớn cho chính các TCTD và người vay vàng.

NHNN đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; Giai đoạn 2: Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD và Giai đoạn 3 là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng.

Trong năm 2012, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (Nghị định 24) thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng. Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng.

Sau khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn triển khai, gồm Thông tư số 16/2012/TT-NHNN;Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN và Quyết định 69/QĐ-NHNN ban hành kèm Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ nguồn vàng nguyên liệu không phải của NHNN.

NHNN cũng ban hành Thông tư số 38/2012/TT-NHNN về trạng thái vàng của các TCTD, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu các TCTD chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Đến ngày 27/4/2012, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN theo hướng cho phép TCTD được phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả và gia hạn thời gian chấm dứt việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của TCTD vào ngày 25/11/2012.

Năm 2012 được coi là năm ghi nhận “bước ngoặt” quan trọng trong công tác quản lý thị trường vàng của NHNN theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ. NHNN đã nỗ lực tham mưu, trình Chính phủ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tổ chức triển khai chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD và áp dụng các biện pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng. Nhờ đó, thị trường vàng trong nước, đặc biệt là thị trường vàng miếng trong năm 2012 có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước kia.

Năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, NHNN tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Đây là một trong những giải pháp nhằm vừa giảm “vàng hoá” vừa giảm lượng vàng tích trữ trong dân như thời gian qua.

Để thay lời kết, tác giả vẫn cho rằng giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam để thu hút một lượng lớn vàng còn đang cất trữ trong dân là sự phối hợp đồng bộ của ba đề xuất trên của bài viết này, tức là bao gồm cả việc sớm thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia, ổn định nền kinh tế vĩ mô và tiếp tục thực hiệnchuyển quan hệ vay mượn thành mua bán vàng trong thời gian tới.

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên