MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủng túi vì tay trót "nhúng" vàng

11-11-2015 - 08:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Vàng đang trên đà xuống, nhiều người vội đua nhau mua vào. Đến khi vàng rơi thẳng đứng, chỉ sau 1 đêm, mỗi lượng đã "bốc hơi" cả triệu bạc, những người trót ôm vàng ăn quả đắng.

Vàng hết cửa tăng?

Cắm đầu đi xuống, lao dốc, đổ đèo… là những cụm từ được dùng để nói về giá vàng trong thời điểm này. Giảm một mạch cả chục ngày liên tiếp, vàng tiếp tục bị nhấn chìm bởi những thông tin đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi, chỉ sau một đêm, giá vàng đã mất tới 30 USD/oz, khi số liệu việc làm của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 10, và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng 7,5 năm qua.

"Báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến đã đẩy vàng lần đầu tiên xuống dưới mốc 1.100 USD/oz từ tháng 8," chuyên gia Tai Wong, Giám đốc kinh doanh kim loại quý tại BMO Capital Markets ở New York cho biết. Cũng theo vị chuyên gia này, vàng đã rớt giá trong ngày thứ 8 liên tiếp nhưng vẫn sẽ chịu áp lực khi có khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 tới.

Theo giới phân tích, thị trường việc làm khả quan là một dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, theo đó hạ thấp những rào cản tăng lãi suất đối với FED. "Với số liệu việc làm như vậy, FED gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Vàng có thể rơi xuống mức đáy trong năm nay", nhà phân tích tại Mitsubishi - ông Jonathan Butler nói.

Vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng vào hôm thứ sáu và đã thiết lập tuần giảm giá mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. Giá vàng thế giới giao ngay đã giảm 1,3% và niêm yết tại 1.089,21USD, sau khi chạm mức 1.084,90USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 7/8. Vàng kỳ hạn giao tháng 12 giảm 1,5%, tại 1.087,70USD/oz. Tổng cộng cả tuần, thị trường vàng đã mất 4,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2013, và đang hướng tới đáy 5,5 năm lập hồi tháng 7 vừa qua (1.077USD/ounce).

Diễn biến trước đó, giá vàng bắt đầu quay đầu giảm kể từ ngày 28-10, khi FED kết thúc cuộc họp thường kỳ và mở ra một cánh cửa tăng lãi suất đồng USD. Cùng với đó, vàng cũng chịu áp lực khi quỹ giao dịch SPDR Gold Shares, với lượng cổ phần vàng giữ lớn nhất, đã liên tục bán ròng trong những phiên gần đây.

Đứt tay vì bắt con dao rơi

Chịu sức ép từ giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng nằm trong chuỗi ngày giảm giá liên tục. Tuy nhiên, mức giảm của thị trường vàng trong nước vẫn "lệch pha" với giá vàng quốc tế, nên chỉ giảm một cách cầm chừng. Nếu "lỡ" giảm sâu, ngay lập tức, giá vàng lại có dấu hiệu phục hồi, bất chấp xu thế của thế giới. Điều đáng nói đó là tại thị trường trong nước, câu chuyện "bắt con dao rơi"- mua khi vàng đang trên đà giảm tiếp tục tái diễn. Điều này một phần do sự tính toán thiếu chuẩn xác, với kỳ vọng kiếm lời lúc giá quay đầu tăng, một phần bắt nguồn từ tâm lý đám đông, "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Đây chính là nguyên nhân chính khiến thị trường vàng miếng trong nước tiếp tục một mình một chợ, giảm cầm chừng so với đà giảm của thị trường thế giới. Cụ thể, so với thời điểm đóng cửa chiều 28/10 tại mức 1.172USD/oz, hiện vàng chỉ còn 1.086USD/oz, tức mất 86USD.

Với mức giá này, SJC sẽ phải giảm tương đương 2 triệu đồng/lượng, từ mức 33,95 triệu đồng/lượng, xuống còn khoảng 32 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng trong nước phiên giao dịch cuối tuần 7/11 chỉ giảm xuống 33,44 triệu đồng/lượng, chỉ bằng 1/4 so với mức giảm của thế giới. Vì thế khoảng cách chênh lệch đã bị nới rộng, lên mức gần 4 triệu đồng/lượng.

Những người đã mua vàng vào, sẽ phải gánh mức giảm của vàng, cộng với chênh lệch mua bán, đấy là chưa kể xu hướng còn tiếp tục giảm. Nếu lúc này, quyết tâm bán để cắt lỗ, cũng sẽ chịu thiệt hại cả hàng triệu đồng mỗi lượng. Còn không, càng ôm sẽ càng lỗ, vì giá vàng rơi vẫn chưa có điểm dừng.

Một số người AQ cho rằng dù buốt ruột thật đấy, nhưng vàng vẫn là vàng, tài sản còn trong tay, chẳng mất đi đâu mà sợ, đành chịu khó ôm một thời gian, đợi giá lên bán đi cũng vớt vát được chút lãi. Lập luận này xem ra cũng có lý, song số tiền bỏ ra để ôm vàng đó sẽ bị "chết dí" một thời gian (chắc chắn dài), vừa bị mất một khoản tiền sinh lãi, lại có thể bị mất giá so với lạm phát, mất giá so với USD và một số đồng tiền khác. Nhưng liệu có ai dám chắc vàng sẽ tăng giá, hay lại tiếp tục "chìm xuồng"?

Rồi còn việc liệu có chớp được thời cơ lúc vàng lên để bán, hay lại lỡ nhịp để rồi tiếc nuối hùi hụi? Thế nên, đã lỡ "dính" vào vàng trong dịp này, xem ra, cách tự trấn an này chẳng khác gì "đếm cua trong lỗ".

Theo tính toán, nếu như vàng xuống tới 1.000USD vào cuối năm- khoảng tầm 1 tháng nữa- như một số dự báo, sẽ tương đương với 27 triệu đồng/lượng. Tất nhiên, giá vàng trong nước chắc chắn sẽ không xuống sát mốc này, vì ngoài thuế, phí, lợi nhuận doanh nghiệp (chênh khoảng 1 triệu đồng/lượng), thì còn khoảng chênh lệch giá được duy trì nhiều năm nay giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới, trung bình thêm 3 triệu đồng/lượng nữa. Lúc đó, giá vàng SJC sẽ rơi vào khoảng 30-31 triệu đồng/lượng. Như vậy, những người đang có vàng lúc này, sẽ bị mất trên dưới 3 triệu đồng/lượng.

Ôm vàng lỗ, vậy, lúc này có nên bán vàng? "Có, nhưng có thể chọn thời điểm vàng "được giá" hơn, tức là có những phiên vàng có thể sẽ tăng chút ít sau chuỗi ngày giảm sâu"- chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu góp ý.

Vàng sẽ xuống 1.000USD/oz?

Trở lại với giá vàng thế giới, nhận định về xu hướng thời gian tới, hầu hết các chuyên gia đều có cái nhìn bi quan. Ông Georgette Boele, chuyên gia phân tích của ABN Amro Bank NV cho rằng, giá vàng có thể sẽ về mức 1.000USD/oz khi kết thúc năm 2015. Ngân hàng Credit Suisse cũng đưa ra nhận định, giá vàng có thể về mức 1.000 - 1.006USD/oz. Còn theo kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg, ước tính trung bình giá vàng sẽ giảm xuống 984USD/oz trước tháng 1/2016. Đó sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2009, và thấp hơn 10% so với giá giao dịch hiện tại (1.086USD/oz).


 Nhà đầu tư cần tỉnh táo ôm vàng thời điểm này (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

 Nhà đầu tư cần tỉnh táo ôm vàng thời điểm này (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

 

Cơ sở để đưa ra những nhận định này, các chuyên gia cho rằng không còn lý do gì để FED giữ lãi suất 0% thêm nữa. Theo Reuters, những yếu tố bên trong nền kinh tế Mỹ cùng với những bất ổn ở nước ngoài đã khiến FED quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 9. Tuy nhiên, khi các yếu tố bên ngoài đã không còn làm FED khó xử, cộng thêm những dấu hiệu khả quan trong nền kinh tế Mỹ, người ta bắt đầu đồn đoán về khả năng FED quyết định tăng lãi suất cơ bản USD trong cuộc họp vào tháng tới.

Sự thực thì kết thúc cuộc họp hôm 28-10, FED nhận định, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ "vừa phải" và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong tháng 12. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ khi lãi suất được hạ về ngưỡng thấp kỷ lục 0-0,25% vào tháng 12/2008. Triển vọng lãi suất tăng khiến vàng- một tài sản không sinh lãi- mất giá. Ngoài ra, đồng USD mạnh và hoạt động bán vàng của các quỹ đầu tư lớn cũng gây thêm sức ép xuống giá cho kim loại quý này.

 

Vàng đã bớt lấp lánh

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý II/2015, Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 14,5 tấn vàng, nâng tổng lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt 33,3 tấn, chưa bằng một nửa của năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng trang sức vẫn tăng khá tốt khi tăng trưởng đến 22% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, bù đắp lại phần nào việc sụt giảm đến 12% của nhu cầu vàng miếng trong kỳ.

Tương tự, trên toàn cầu, tổng nhu cầu vàng trong quý II của thế giới chỉ dừng lại ở mức 915 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Mức suy giảm diễn ra trên cả thị trường vàng trang sức lẫn vàng miếng.

5 rủi ro khi mua vàng

Thứ nhất, rủi ro giá vàng SJC giảm khi giá thế giới vẫn đang trên đà giảm.

Thứ 2, rủi ro vì giá vàng SJC hiện vẫn chênh cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng.

Thứ 3, rủi ro do thị trường quan ngại xuất hiện làn sóng bán tháo, dẫn đến tâm lý tạo áp lực cho giá vàng trong nước càng điều chỉnh giảm sâu.

Thứ 4, rủi ro đến từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng: để an toàn, các doanh nghiệp sẽ đẩy rộng biên độ mua-bán vàng, bằng cách bán ra rất cao nhưng mua vào lại rất thấp.

Thứ 5, rủi ro đến từ giá trị của vàng. Nếu so sánh vàng với các kim loại quý khác và mức tăng của giá vàng trong 20 năm qua, thì giá vàng vẫn đang được định cao hơn nhiều so với bạc, đồng…

 

 

Theo Hà An

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên