MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng tiêu dùng đang bị bỏ quên

24-03-2014 - 07:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Chúng ta đang hướng tới tăng trưởng tín dụng cho đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khi cầu thấp, hàng tồn kho cao thì nhu cầu vay vốn đương nhiên phải thấp nên tính dụng phải hướng tới tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 20.2.2014 tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66%. Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng cao sẽ chuyển sang thời kỳ tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí ở mức âm.

Tái cấp vốn gặp trở ngại

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, quá trình tăng trưởng tín dụng rất cao trước đây đã dẫn đến tình trạng nợ xấu cao.

"Nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để mặc dù ngân hàng đã bán được nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhưng đó chỉ là xử lý giữa ngân hàng với VAMC tức là giữa chủ nợ và VAMC trong khi mối quan hệ giữa VAMC và các doanh nghiệp vay vốn tức là con nợ thì chưa hề được xử lý nên gánh nặng nợ trong nền kinh tế còn rất lớn chính vì vậy xu thế tái vay vốn bị gặp trở ngại", TS Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp tốt không muốn vay do đầu ra thị trường không lạc quan, khi triển vọng kinh tế và cơ hội kinh doanh mới chưa rõ ràng.

"Trong bối cảnh hiện tại, nếu họ có dòng tiền tốt thì họ sẽ chủ động gửi vào ngân hàng thay vì sử dụng tiền nhàn rỗi để tái đầu tư", ông nói.

Ông lưu ý với số doanh nghiệp bị nợ xấu cao trước đây khi xử lý nợ chưa đến nơi đến chốn, nền kinh tế chưa hồi phục nên dòng tiền đối với các doanh nghiệp này chưa khả quan, chưa trả được gánh nặng nợ cũ nên họ không có nhu cầu vay để tái đầu tư.Nếu có vay cũng chỉ vay để đáo hạn các khoản nợ cũ khi các khoản nợ cũ đã đáo hạn được thì phải cần thêm thời gian để họ tính đến tái đầu tư mới. Tức là họ đã thất bại, họ sẽ rất thận trọng khi vay vốn để đầu tư.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) từng cho biết, dù lãi suất hạ nhưng nếu không kích cầu thì dù có hạ nữa doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi khó khăn.

“Phải dựa vào cơ chế kích cầu để doanh nghiệp thực sự có thị trường để sản xuất hàng hóa và vay vốn. Bởi hiện nay, bản thân các doanh nghiệp không biết vay để làm gì nên dẫn đến tình trạng ngân hàng thừa vốn.

Chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong cơ thể sống của nền kinh tế. Lãi suất cho vay hiện nay không phải là vấn đề lớn của doanh nghiệp nữa mà là cầu, kèm vấn đề nới room thị trường chứng khoán để thu hút những nguồn vốn đầu tư khác, thậm chí là với lãi suất rẻ hơn”, TS Hưởng nói.

Tín dụng tiêu dùng bị bỏ ngỏ

"Chúng ta đang hướng tới tăng trưởng tín dụng cho đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khi cầu thấp, hàng tồn kho cao thì nhu cầu vay vốn đương nhiên phải thấp nên tính dụng phải hướng tới tín dụng tiêu dùng trong ngắn hạn", ông Anh Tuấn đề xuất.

Ông cho rằng, hiện nay phân bổ dòng vốn tín dụng của hệ thống tín dụng thời gian qua bị lệch về tín dụng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư thay vì kích thích tiêu dùng.

"Thời gian qua tín dụng tiêu dùng nên được khuyến khích để bơm vào khu vực tiêu dùng của nền kinh tế nhưng ngân hàng trong nước bị lệch lạc dòng vốn tín dụng trong khi dòng vốn tín dụng của ngân hàng nước ngoài có quy mô nhỏ nên không đủ để kích thích tín dụng tiêu dùng", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Thực tế, thời gian vừa qua, đang có cuộc chạy đua giữa các ngân hàng nước ngoài để thu hút khách hàng vay tiêu dùng.

Khảo sát cho thấy, tại một số ngân hàng như ANZ, HSBC, Standard Chartered… khách hàng không cần tài sản thế chấp hoặc giấy bảo lãnh, mà vẫn có thể dễ dàng được vay lên tới 500 triệu đồng chỉ trong vòng 1-2 ngày.

Hầu hết lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng đều ở mức cao từ 20-24%/năm tính theo dư nợ giảm dần, tùy thuộc vào số tiền vay và kỳ hạn vay.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm nay. Và lý giải về việc tăng trưởng tín dụng âm trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tình hình này phù hợp với quy luật của những năm gần đây là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88%, 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%. Đến tháng 10.2013 tăng trưởng tín dụng mới ở mức 7,18%, tại hội nghị toàn ngành ngân hàng tại TP.HCM Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đến 27.12.2013 tín dụng tăng lên 11%, song báo cáo hết năm 2013 tín dụng đã đạt mức 12,51% vượt kế hoạch đề ra là 12%.


Theo Phương Mai

hangnt

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên