MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc SHB: "Tháng này SHB sẽ bán tiếp 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC"

04-11-2013 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến cuối quý 3/2013 nợ xấu của SHB chiếm 7,75%, lợi nhuận trước thuế đạt 715 tỷ. Dự kiến SHB tiếp tục bán 1.000 tỷ nợ xấu cho VAMC trong tháng này.

Ngày 3/11/2013, Ngân hàng TMCP Sài gòn Hà Nội (SHB) kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận huân chương lao động hạng Nhì của Chỉ tịch nước. Bên lề lễ kỷ niệm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc SHB ông Nguyễn Văn Lê về tình hình hoạt động của ngân hàng thời gian qua.

Thưa ông, tình hình hoạt động của SHB ở thời điểm hiện tại ra sao?

Tính đến cuối quý 3/2013 nợ xấu của SHB chiếm 7,75% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với thời điểm 30/6. SHB đã thu hồi được 2.300 tỷ nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.900 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 715 tỷ sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tổng tài sản đạt 117.000 tỷ, dư nợ trên 65.000 tỷ, mạng lưới 365 điểm giao dịch, 5000 cán bộ công nhân viên, hệ thống khách hàng gần 2 triệu.

Cuối năm 2013 SHB dự kiến đạt LNTT hơn 1000 tỷ theo kế hoạch, tổng tài sản trên 130.000 tỷ, nợ xấu đạt mục tiêu dưới 5% trên tổng dư nợ.

VAMC vừa mua 400 tỷ nợ xấu của SHB, điều này có tác động đến kết quả kinh doanh của SHB các tháng cuối năm không thưa ông?

Vừa qua SHB có bán nợ xấu cho VAMC trên 400 tỷ, và dự kiến tiếp tục bán 1.000 tỷ nợ xấu trong tháng này. Việc bán nợ xấu tạo điều kiện thuận lợi cho SHB trong việc xử lý nợ, dự kiến cuối năm 2013 nợ xấu của SHB sẽ xuống dưới 5%.

SHB mặc dù bán nợ xấu nhưng vẫn chịu trách nhiệm cùng VAMC phân loại nợ, phân loại khách hàng và tái cấu trúc DN. Nếu các khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh tốt VAMC cùng SHB sẽ cơ cấu nợ, gia hạn nợ và cho vay nợ tiếp đối với các phương án khả thi để khách hàng có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.

SHB bán nợ xấu cho VAMC sẽ nhận được trái phiếu đặc biệt nhưng SHB vẫn phải phân bổ trích lập dự phòng 5 năm mỗi năm 20%. Phần trái phiếu đặc biệt này SHB sẽ sử dụng vay tái cấp vốn tại NHNN khi SHB có nhu cầu sử dụng vốn, điều này tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nói chung và SHB nói riêng có nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động cho vay ra thị trường cũng nâng cao chất lượng tín dụng.

Vừa qua SHB được NHNN cho phép nâng mức tăng truởng tín dụng năm 2013 lên 20%, điều gì đã giúp SHB cho vay nhiều như vậy trong khi mặt bằng chung các ngân hàng mức tăng trưởng tín dụng rất thấp?

Dư nợ tín dụng của SHB tính đến 30/9 đã đạt trên 65.000 tỷ, đã tăng trưởng trên 15%. Mức tăng trưởng này chúng tôi đạt được dựa trên nền tảng 2 triệu khách hàng cũng như chiến lược kinh doanh của SHB có hoạch định theo từng ngành hàng, từng nhóm khách hàng và đưa ra các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh với lãi suất cho vay thấp. Ngoài ra vừa qua SHB tài trợ cho các dự án trọng điểm quốc gia 8.000 tỷ và kế hoạch giải ngân cho vay khách hàng đã đăng ký với SHB, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi tin tưởng SHB sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% vào cuối năm 2013.

Hiện tại mặt bằng lãi suất chung của SHB đang cho vay ra bao nhiêu, thưa ông?

Hiện nay SHB có nhiều sản phẩm dịch vụ đặc biệt dịch vụ Sản phẩm cho vay đồng hành cùng doanh nghiệp lãi suất là 8%, cho vay khách hàng cá nhân lãi suất trong 3 tháng đầu chỉ có 5,88%/năm, 6 tháng là trên 8%/năm.

Lãi suất huy động đầu vào 7%, nếu cho vay với lãi suất 5-8%/năm thì xin hỏi ông SHB lấy lãi ở đâu ra?

Nguồn vốn huy động của ngân hàng đến từ nhiều nguồn, ngoài vốn tiền gửi có kỳ hạn theo trần lãi suất của NHNN là 7%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng trở xuống, còn có tiền tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi thanh toán của các DN, nguồn vốn lãi suất liên ngân hàng và các nguồn vốn khác vay từ ODA. Điều này làm cho bình quân đầu vào của SHB thấp hơn 7%.

Xin hỏi ông tham gia điều hành SHB được bao nhiêu năm?

Tôi tham gia điều hành SHB tính đến nay là 15 năm.

Cảm giác của sau 15 năm điều hành ngân hàng ra sao, ông được gì và mất gì?

Tôi được rất nhiều (cười) vì tôi tham gia điều hành SHB từ thời ngân hàng còn rất nhỏ (năm 2008). Cùng chứng kiến và đồng hành cùng Hội đồng quản trị quá trình phát triển của SHB đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. SHB xây dựng như một đại gia đình rất đoàn kết, truyền thống đoàn kết là nét văn hóa mang đậm nét riêng của SHB quyết định thành công đến hôm nay.

Ông có cảm giác ra sao khi làm việc với Chủ tịch Đỗ Quang Hiển?

"anh Hiển như người anh cả trong đại gia đình, hướng dẫn chỉ dạy anh em trong hệ thống SHB"
Đối với anh Hiển, khi tôi tham gia ngân hàng lúc đó đã làm Tổng giám đốc ngân hàng Nhơn Ái. Tôi thấy anh Hiển là người có tâm huyết với ngành ngân hàng, có chiến lược kinh doanh bài bản, luôn chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho Ban điều hành.

Đồng thời ngoài công việc, anh Hiển như người anh cả trong đại gia đình, hướng dẫn chỉ dạy anh em trong hệ thống SHB, gắn kết tạo thành đại gia đình SHB ngày hôm nay.

Sự thành công của SHB có phần rất lớn từ văn hóa đoàn kết xây dựng từ trên xuống, bên cạnh chiến lược kinh doanh bài bản, đội ngũ cán bộ quyết liệt trong quản trị điều hành, chú trọng 3 lợi ích cổ đông, cán bộ nhân viên.

Mục tiêu của SHB trong thời gian tới là gì thưa ông?

SHB phấn đấu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở VN và khu vực, dự kiến chúng tôi sẽ mở thêm một số chi nhánh ở nước ngoài, chuyển đổi mô hình hoạt động của chi nhành Lào và Campuchia thành ngân hàng con, đẩy mạnh hoạt động của SHB tại các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn ông, chúc ông thành công!

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên