MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 4,29%

04-12-2015 - 20:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến cuối tháng 11/2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 11% trong khi huy động vốn tăng 12% so với cuối năm 2014.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ước đến cuối tháng 11-2015 đạt 1.505.100 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014, tăng 16,7% so cùng kỳ và tăng 1,09% so tháng trước.

Cụ thể, vốn huy động bằng nội tệ đạt 1.270 nghìn tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 12,18% so cuối năm 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 235,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so cuối năm 2014.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 11 đạt 1.185.300 tỷ đồng, tăng 11% so cuối năm 2014, tăng 14,2% so cùng kỳ và tăng 1,47% so tháng trước. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng nội tệ đạt 1.039.300 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ, tăng 15,05% so cuối năm 2014; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 146.000 tỷ đồng, chiếm 12,32% tổng dư nợ, giảm 11,26% so cuối năm 2014. Các chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất tiếp tục phát huy tác dụng, dư nợ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Tín dụng trung, dài hạn tăng cao và chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng ngắn hạn, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu vốn trung, dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản đang phục hồi và có xu hướng tăng trưởng tốt hơn. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 55% tổng dư nợ, tăng 18,05% so cuối năm 2014; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45%, tăng 3,45% so cuối năm 2014.

Cũng theo báo cáo, đến nay, tổng số tiền Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã thực hiện là 149.605 tỷ đồng cho 4.089 khách hàng. Trong đó, Chương trình kết nối tại các quận, huyện là 37.944 tỷ đồng cho 1.029 khách hàng; Chương trình giải ngân gói tín dụng của 19 ngân hàng tham gia ký kết là 111.661 tỷ đồng cho 3.060 khách hàng.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Trên lĩnh vực vốn để sản xuất kinh doanh, kết quả dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 135.584 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 81.570 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 9-2015, tỷ lệ nợ xấu trên toàn thành phố chiếm 4,29% tổng dư nợ, giảm 1,02 điểm phần trăm so cuối năm 2014.

Trong khi, đến tháng 9 năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống giảm còn 2,93%. Như vậy riêng TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu đã cao hơn 47% so với bình quân cả nước.

Trước đó, yêu cầu xử lý nợ xấu đưa về mức an toàn đã được NHNN đưa ra quyết liệt đối với các TCTD. Cụ thể, NHNN yêu cầu các trường hợp có nợ xấu từ 3% trở lên triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu ngay trong tháng 7/2015 để đưa nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu được NHNN phê duyệt trước ngày 30/9/2015.

Đồng thời, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không xem xét, chấp thuận đề nghị của TCTD Việt Nam mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới (trừ trường hợp đặc biệt được Thống đốc chấp thuận vì mục đích an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội) cho đến khi hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm 2015 theo kế hoạch NHNN giao và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng trước ngày 1/10/2015.

Ngoài ra, TCTD nào không hoàn thành được kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1/10/2015 cũng sẽ không được xem xét, chấp thuận các đề nghị tương tự nói trên ít nhất đến ngày 31/12/2015.

Mới đây, phát biểu trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết có thể đến cuối năm nay nợ xấu trên địa bàn TP.HCM sẽ chỉ còn khoảng 2%.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên