MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng xử lý nợ xấu nhìn từ các động thái pháp lý liên quan đến VAMC

09-04-2015 - 21:53 PM | Tài chính - ngân hàng

VAMC có xu hướng chỉ mua có tính lựa chọn một số khoản nợ xấu “tốt” (dễ bán lại, thanh lý) chứ không phải là mua đổ đống tất cả các khoản nợ xấu từ các TCTD nên càng làm cho tính hữu ích của VAMC mờ nhạt thêm trong con mắt của các TCTD.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Thông tin nổi bật

Theo TS Phan Minh Ngọc:

- Mức vốn điều lệ mới của VAMC tuy đã tăng gấp 4 lần so với mức cũ nhưng con số 2.000 tỷ đồng vẫn là quá nhỏ nhoi so với khối lượng nợ xấu cần xử lý trong hệ thống ngân hàng lớn hơn thế hàng trăm lần

-Trái phiếu đặc biệt tạo ra một bất trắc lớn cho người nắm giữ, sở hữu nó là lãi suất và tỷ lệ chiết khấu do NHNN tùy nghi quyết định theo một cách thức không thể đoán định được. Trong khi đó VAMC không phải chịu bất cứ rủi ro gì.

-Giải pháp cưỡng bức bán nợ xấu của NHNN kết hợp với các giải pháp tăng vốn điều lệ và trao cơ chế đặc thù cho có thể được coi như đã khơi thông thêm một bước nữa cả đầu vào và đầu ra trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên lại có một rủi ro khác phát sinh đó là sự “giục tốc bất đạt”.


Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã hoạt động từ tháng 7/2013 và đến nay đã mua lại khoảng 123.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho các ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của VAMC cho thấy mô hình hoạt động của VAMC chưa mang lại nhiều hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Lý do chủ yếu là vì VAMC được thiết kế để xử lý nợ xấu theo kiểu “tay không bắt giặc” (đổi nợ xấu lấy trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành). Trong khi đó, chức năng mua nợ xấu theo giá trị thị trường bằng “tiền tươi thóc thật”, một chức năng chính của nhiều tổ chức xử lý nợ xấu (AMC) khác trên thế giới, lại chỉ là chức năng thứ yếu của VAMC vì VAMC chỉ có 500 tỷ đồng vốn điều lệ.

Để “chữa cháy” cho mô hình VAMC từng được ca ngợi là “sáng tạo” của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức đề nghị và đã được chính phủ chấp nhận việc tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, theo Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC.

Nghị định 34 cũng cho VAMC cơ chế đặc thù với việc phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ theo giá trị thị trường. Về tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, nếu không có thỏa thuận, công ty sẽ được phép bán đấu giá; cơ quan có thẩm quyền sẽ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cho nhà đầu tư, người trúng đấu giá trên đất của dự án đầu tư nhằm thúc đẩy hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo.

Có thể thấy, Nghị định 34 đã mở đường cho VAMC trong việc mua nợ xấu bằng tiền, chứ không phải trái phiếu đặc biệt nhưng triển vọng xử lý nợ xấu không vì thế mà sáng sủa hơn lên nhiều. Mức vốn điều lệ mới tuy đã tăng gấp 4 lần so với mức cũ nhưng con số 2.000 tỷ đồng vẫn là quá nhỏ nhoi so với khối lượng nợ xấu cần xử lý trong hệ thống ngân hàng lớn hơn thế hàng trăm lần. Do đó, VAMC vẫn cứ phải dựa vào công cụ chính của nó là trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu.

Nhưng với trái phiếu đặc biệt và những vấn đề liên quan đến nó thì, như đã biết, có những yếu tố tiêu cực làm kìm hãm quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể, trái phiếu đặc biệt tạo ra một bất trắc lớn cho người nắm giữ, sở hữu nó là lãi suất và tỷ lệ chiết khấu do NHNN tùy nghi quyết định theo một cách thức không thể đoán định được. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn phải trích lập dự phòng 20% mệnh giá trái phiếu hàng năm, và, vì thế, nợ xấu tuy đã bán cho VAMC, vẫn còn là một gánh nặng lên lợi nhuận của các TCTD.

Ngược lại, VAMC hầu như không phải chịu bất kỳ rủi ro gì trong việc tiếp nhận và xử lý nợ xấu nên tính hiệu quả của VAMC trong việc xử lý nợ xấu mua về này là điều còn bỏ ngỏ, mặc dù VAMC luôn khẳng định là đã và đang nỗ lực xử lý, bán lại các khoản nợ xấu mua về. Hơn nữa, VAMC có xu hướng chỉ mua có tính lựa chọn một số khoản nợ xấu “tốt” (dễ bán lại, thanh lý) chứ không phải là mua đổ đống tất cả các khoản nợ xấu từ các TCTD nên càng làm cho tính hữu ích của VAMC mờ nhạt thêm trong con mắt của các TCTD.

Có lẽ cũng đã hiểu được sự miễn cưỡng của các TCTD khi phải bán nợ xấu cho VAMC , tin tức cho biết NHNN mới đây đã yêu cầu các TCTD phải bán tối thiểu 75% chỉ tiêu nợ xấu được giao cho VAMC đến 30/6 (và 100% đến 30/9/2015), nhằm thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% đến cuối năm nay.

Giải pháp cưỡng bức bán nợ xấu của NHNN kết hợp với các giải pháp tăng vốn điều lệ và trao cơ chế đặc thù cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu nói trên có thể được coi như đã khơi thông thêm một bước nữa cả đầu vào và đầu ra trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến đây thì lại có một rủi ro khác phát sinh. Đó là sự “giục tốc bất đạt”.

Với sự thúc ép bán nợ xấu dồn dập cho VAMC, trong khi quy mô nợ xấu (và, do dó, chỉ tiêu xử lý nợ xấu tối thiểu giao cho các TCT) được dự kiến sẽ tăng lên mạnh khi Thông tư 02/2013-TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/4/2015, sẽ có 3 khả năng xảy ra (riêng rẽ hoặc đồng thời):

​(1) VAMC không đủ năng lực và khả năng để “ôm” về và xử lý hiệu quả một khối lượng nợ xấu khổng lồ và tăng lên đột ngột trong một thời gian ngắn;

(2) Thị trường nợ xấu sẽ bị “ngập lụt” với một nguồn “hàng” khổng lồ tung ra trong một thời gian ngắn, làm tụt giảm giá trị tài sản thế chấp, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến quyền lợi của các TCTD bán nợ xấu cho VAMC mà còn cho cả thị trường tài sản (bất động sản) nói chung;

(3) Nhịp độ xử lý nợ xấu buộc phải chậm lại để “câu giờ”, chờ đợi thị trường phản ứng tích cực hơn, đồng nghĩa với việc vấn đề nợ xấu về cơ bản sẽ tiếp tục bị “treo” ở đó, không có gì khác biệt đáng kể so với hiện tại, ngoài việc sổ sách của các TCTD chắc chắn sẽ “đẹp” hơn với tỷ lệ nợ xấu thấp hơn (dưới 3% nếu làm đúng như yêu cầu của NHNN).

TS. PHAN MINH NGỌC

CTV Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên