MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Cao Sỹ Kiêm: Nên để ngân hàng chủ động hút vốn

07-04-2011 - 15:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi căn bệnh phá rào lãi suất lan rộng tới cả những NH quy mô lớn, nhiều ý kiến cho rằng nên linh hoạt hơn khi khống chế mức trần 14%.

Sau đợt phá rào cuối tháng 2, buộc Ngân hàng Nhà nước ra văn bản khống chế ở mức 14%, từ đầu tháng 4 nhiều ngân hàng lại bắt đầu đưa lãi suất huy động vượt trần quy định. Tham gia vào đợt lách trần này có cả ngân hàng quy mô lớn và uy tín trên thị trường, chứ không chỉ có những đơn vị gốc gác nông thôn, mạng lưới nhỏ và ít khách như trước.

Cùng với việc dâng cao lãi suất tiền gửi trên một tháng, các ngân hàng còn thi nhau tăng cho các món không kỳ hạn hoặc chỉ gửi vài ngày nhằm lách quy định cấm trả lãi cao cho tiền gửi không kỳ hạn. Đó là chưa kể tới các chương trình khuyến mãi được các ngân hàng đua nhau triển khai trên diện rộng để níu chân khách hàng.

Một quan chức Hiệp hội Ngân hàng xác nhận với VnExpress.net mặt bằng lãi suất thực tế tại các ngân hàng giờ phổ biến là 16-17%, thậm chí có nơi tới 18% một năm, do giá cả tăng cao và một số ngân hàng khó khăn về vốn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp than phiền về mặt bằng lãi suất vay vốn quá cao, hiện lên sát 20% và cao hơn thế ở một số ngành kinh doanh rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

"Tuy nhiên, cũng phải thông cảm vì khó khăn chung. Giá cả vẫn đang tăng cao và còn tiếp tục tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống cũng như sản xuất kinh doanh. Phải vài tháng nữa, khi đã hình thành mặt bằng mới, giá cả ổn định trở lại, mới mong ngân hàng có thể hạ lãi suất", ông Kiêm nói.

Từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong hai nhiệm kỳ (1989-1997), ông Kiêm cho rằng lạm phát đang căng như hiện nay, lãi suất ngân hàng phải điều chỉnh phù hợp mới có thể hút bớt tiền từ lưu thông. Vì vậy, quy định khống chế mức trần 14% với lãi suất huy động tiền đồng, theo ông Kiêm, đã đến lúc cần cân nhắc lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 13,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lãi suất cơ bản tiền đồng vẫn giữ mức 9% kể từ tháng 11 năm ngoái.

"Nên khống chế đầu ra, bằng cách siết chặt tín dụng cũng như giới hạn lãi suất cho vay. Còn đầu vào, để ngân hàng chủ động thu hút vốn tùy theo nhu cầu cũng như năng lực của mình. Làm như vậy sẽ hài hòa cả mục tiêu chống lạm phát mà vẫn tránh nguy cơ gia tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", ông Kiêm đề xuất.

Theo phân tích của ông Kiêm, thanh khoản toàn hệ thống đang tốt, song không đồng đều, có thể nơi này đủ hoặc thừa nhưng nơi khác lại thiếu. Vì vậy, khống chế một mức lãi suất huy động sẽ không phù hợp cho toàn thị trường.

"Độ an toàn cũng như trình độ quản lý của mỗi ngân hàng khác nhau, nhu cầu vốn của họ khác nhau. Ngân hàng nào quản lý dở, họ phải huy động lãi suất cao một chút và chấp nhận lợi nhuận bớt đi. Nên tuân theo nguyên tắc thị trường", ông Kiêm nói thêm.

Theo vị quan chức Hiệp hội Ngân hàng, chủ trương của Chính phủ là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy về mặt quản lý nhà nước rất khó có thể tuyên bố bỏ mức trần, bởi có thể sẽ kích thích làn sóng tăng lãi suất ồ ạt. Tuy nhiên, giữ mức 14% như hiện nay chỉ mang tính hình thức, trong khi lãi suất thực tế các ngân hàng đang áp dụng lại trở thành thứ chui lủi, ngoài vòng pháp luật.

"Khó khăn về vốn của một số ngân hàng là có thật. Vì vậy, nên mở cánh cửa thị trường một để họ hút tiền trong dân thông qua công cụ lãi suất. Làm như vậy vẹn cả đôi đường, Ngân hàng Nhà nước không cần tốn 'mồi', không phải tự bơm tiền ra, mà vốn trong xã hội lại được thu gom về ngân hàng. Khoảng 2-3 tháng, những ngân hàng đói vốn sau khi huy động đủ và no nê, sẽ tự điều chỉnh và phải hạ lãi suất xuống", vị quan chức Hiệp hội Ngân hàng nói.

Nguồn tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết dự kiến trong tuần này, sẽ tổ chức buổi đối thoại nội bộ giữa các ngân hàng và có thể có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước để bàn giải pháp tháo gỡ.

Trao đổi với VnExpress.net, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trước mắt vẫn kiên quyết kiểm tra và xử lý những ngân hàng không thực hiện đúng quy định về lãi suất huy động, gây xáo trộn trên thị trường.

"Tín dụng đang bị siết chặt. Thực tế cho vay tiền đồng tăng chậm, vì vậy cần đặt vấn đề tại sao các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động lên cao", ông Giàu nói. Tính đến 16/3, tín dụng tiền đồng chỉ tăng 1,43% trong khi tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,06%.

Theo ông Giàu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, dứt khoát với chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy các ngân hàng cần chia sẻ và gánh vác trách nhiệm với đất nước. Hơn nữa, khi lãi suất huy động dâng cao, kéo theo lãi suất đầu ra bị đẩy lên, lượng tiền gửi của các tổ chức vào ngân hàng cũng giảm rất mạnh, do doanh nghiệp cân nhắc tận dụng vốn để kinh doanh thay vì đi vay mượn.

"Trong cơ cấu tiền gửi, phần của doanh nghiệp bao giờ cũng lớn hơn và thường là đa số. Vì vậy, cân đong bài toán tăng lãi suất với khả năng huy động vốn, ngân hàng sẽ không được lợi nhiều", ông Giàu nói thêm.

Theo Song Linh
VnExpress


phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên