MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Lê Thẩm Dương: Hợp nhất 3 ngân hàng là động thái tích cực

06-12-2011 - 23:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Người dân nên yên tâm về tài sản của mình, vì sau khi hợp nhất, quy mô vốn, tình hình tài chính của ngân hàng mới chắc chắn sẽ tốt hơn nên các khoản tiền của người dân sẽ không có ảnh hưởng gì.

Sau thông tin hợp nhất các Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FicomBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), các chuyên gia cho rằng đây là một động thái tích cực và sẽ không có thiệt hại nào cho người gửi tiền.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng, cho rằng việc tái cấu trúc ngân hàng đã có lộ trình từ trước. Vì vậy, việc công bố hợp nhất 3 ngân hàng trên không có gì ngạc nhiên. Theo ông, 3 ngân hàng này đã tự nguyện hợp nhất, có ngân hàng BIDV làm trụ đỡ thì tình hình tài chính, kinh doanh của ngân hàng hợp nhất sẽ cải thiện hơn.

Ông Dương lý giải 3 ngân hàng trên rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản tạm thời là do huy động vốn quá ngắn hạn, trong khi cho vay dài hạn chiếm chủ đạo. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu, tài sản…của các ngân hàng không có gì đáng lo ngại. Với sự tham gia của BIDV thì hoạt động của các ngân hàng này cũng như tình hình tài chính và quản trị của các ngân hàng này sẽ tốt hơn.

Ông Dương cho rằng với hợp nhất 3 ngân hàng trên là một cách làm khả thi, giúp cho thị trường liên ngân hàng ổn định hơn. Theo ông, cách làm tốt nhất vẫn là đánh giá lại nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng, đánh giá thông qua báo cáo kiểm toán, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc để đưa ra tỷ lệ góp vốn thông qua BIDV. Cách làm này đã có nhiều nước thực hiện trong các năm trước khi ngân hàng của họ bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Dương cũng cho rằng người dân nên yên tâm về tài sản của mình, vì thực chất, sau khi hợp nhất, quy mô vốn, tình hình tài chính của ngân hàng mới chắc chắn sẽ tốt hơn nên các khoản tiền của người dân sẽ không có ảnh hưởng gì.

Cũng theo ông Dương khi thực hiện hợp nhất về nguồn nhân lực, hệ thống, bộ máy quản trị cũng cần thay đổi cho hợp lý, đồng bộ, để không gây xáo trộn và tiếp tục phục vụ tốt cho người gửi tiền.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onine gần đây, một chuyên gia kinh tế cho rằng khi các ngân hàng thương mại không thể tự tái cấu trúc đựơc, không thể hoạt động độc lập và hiệu quả được nữa thì việc hợp nhất lại là việc nên làm để làm lành mạnh hệ thống. Ông cho rằng việc tái cấu trúc nên tập trung vào việc làm sạch nợ xấu, làm sạch bản cân đối kế toán.
 
Theo Thanh Thương
TBKTSG

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên