MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Không giải quyết được vấn đề thanh khoản, lãi suất không thể giảm

13-01-2012 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

"Vấn đề đáng lo ngại nhất năm 2012 là thanh khoản của các ngân hàng, giải quyết được thì giảm được lãi suất, phục hồi được BĐS và chứng khoán từ đó giảm được nợ xấu của ngân hàng"

Tiến sĩ Lê Xuân nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, năm 2011 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều biến động: Lạm phát tăng cao ở mức 18,9%, chứng khoán tụt dốc xuống 350 điểm, tỷ giá, giá vàng leo thang gây bất ổn lên đồng nội tệ, thị trường bất động sản đóng bang, một số dự án phải bán lại hoặc hạ giá đề kinh cầu. Nói về các vấn đề kinh tế trong năm 2012, ông Nghĩa nhấn mạnh một số điểm sau:

Áp lực tỷ giá không lớn

Theo ông Nghĩa, vấn đề lớn nhất của Việt Nam trong năm 2012 là, kinh tế vĩ mô tăng trưởng từ 5,5 – 5,7%; lạm phát sẽ còn thấp hơn dự tính của Chính phủ (dưới 10%) chỉ khoảng 7 – 8%.

Ông Nghĩa đưa ra lý giải cụ thể là do, chính sách thắt chặt tiền tệ năm 2011 và xu thế này sẽ tiếp tục tới; Chính sách tài khóa thắt chặt cũng tiếp tục được duy trì; bên cạnh đó, mặt bằng giá cả thế giới cũng sẽ giảm khoảng 4,7% (trừ dầu mỏ).

Về vấn đề tỷ giá hối đoái, ông Nghĩa cho biết, lạm phát của Việt Nam nếu so sánh với lạm phát của Mỹ, cộng với lạm phát cơ bản sẽ chỉ ở mức 4 – 5%; sức ép từ cán cân thanh toán cũng sẽ giảm do nhập khẩu giảm mạnh so với xuất khẩu, đặc biệt cán cân vãng lai thâm hụt ít hơn rất nhiều so với trước đây. Do đó, cán cân thanh toán vãng lai có thể sẽ thặng dư từ 2,5 – 3 tỷ USD trong năm 2012. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại hối sẽ tăng tương ứng con số này. Áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn – ông Nghĩa nhận định.

Lãi suất 2012 sẽ cao hơn 2011

Hạ lãi suất (nhất là lãi suất cho vay) đang là mong muốn và quyết tâm của Chính phủ nhưng một số ngân hàng khi lên kế hoạch kinh doanh vẫn đề ra mức lãi suất cao hơn so với năm trước (năm 2011).

Mặc dù, lạm phát đã có giảm mạnh từ tháng 7/2011 và có thể xu hướng giảm này sẽ vẫn tiếp tục, nhưng ông Nghĩa cho rằng, lãi suất sẽ không thể giảm được. Với các lý do cụ thể sau:

Thứ nhất, thanh khoản hiện nay của các ngân hàng hiện nay còn rất yếu. Các NHTM vẫn nằm trong tình trạng “hoảng sợ” không dám cho vay.

Thanh khoản của các NHTM ở Việt Nam khá trầm trọng. Nó không chỉ xuất phát từ vấn đề nợ xấu mà nó còn lộn xộn ngay trên thị trường liên ngân hàng (nhiều ngân hàng vay trên thị trường liên ngân hàng nhưng hiện nay không thể thanh toán).

Thứ hai, lòng tin của dân chúng chưa được củng cố, ký ức của người dân về lạm phát thời gian qua (2006 – 2010) là quá lớn. Chính vì thế rất cần thêm thời gian để xoa dịu dần những nỗi lo này.

Thời gian này để làm được điều đó lại không hề đơn giản, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lòng tin kinh tế, lòng tin với thị trường bên ngoài, lòng tin vào chính sách điều hành của Chính phủ…

Ông Nghĩa nhấn mạnh, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề thanh khoản của các NHTM, chưa đánh sập được kỳ vọng lạm phát của người dân thì lãi suất cho vay không thể giảm.

Ngân hàng Nhà nước có đưa ra thông điệp rằng sẽ giải quyết căn bản vấn đề thanh khoản của các NHTM trong quý I/2012 nhưng thời gian cho quý I này không còn nhiều (chỉ còn 2 tháng), trong khi đó kỳ nghỉ tết nguyên đán tới đây cũng đã chiếm khá nhiều thời gian.

Giải quyết vấn đề thanh khoản hiện nay không chỉ cần đến ý chí, chính sách mà đòi hỏi cả nguồn lực (bao gồm cả ngân sách nhà nước, ngân sách của các NHTM, nguồn lực huy động từ dân chúng) để thực hiện công việc này- ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa kết luận, vấn đề lớn và đáng lo ngại nhất trong năm 2012 là vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Nếu giải quyết được thanh khoản mới giảm được lãi suất, giảm được lãi suất thì mới hồi phục được thị trường tài sản (đặc biệt là thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán), thị trường này phục hồi cũng giảm được nợ xấu của khu vực ngân hàng, từ đó mới thực hiện được thành công các mục đích tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đề ra.

Khánh Linh – Thanh Hải

tungdn2

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên