MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Vũ Đình Ánh: Muốn đẩy tín dụng tam nông, phải chú trọng hộ nông dân

17-10-2013 - 15:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Xuất phát từ hộ nông dân mới có thể hình dung được các nguồn lực thực sự đổ vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn như thế nào.

Sáng nay 17/10, tại Kiên Giang đã diễn ra Hội thảo giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết chỉ trong vòng 3 năm sau khi triển khai Nghị định 41, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đã tăng 2,5 lần. Đây là kết quả hiếm hoi về thực hiện một Nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên TS Vũ Đình Ánh cũng đặt câu hỏi, vậy thực ra tín dụng đó đã đủ để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn hay chưa? Ông trả lời ngay: “Tôi cho rằng chưa đủ”.

TS Ánh ước tính tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Kết quả của NHNN cũng cho thấy tín dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 18 – 22% tín dụng. Tuy nhiên, căn cứ theo vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế thì phần tín dụng đó còn rất nhỏ bé.

Ông Ánh thừa nhận, NHNN, các NHTM đã có những chính sách thiết thực để hỗ trợ nông nghiệp. Nhiều ngân hàng đã có những sáng kiến rất tích cực để tăng tín dụng cho nông nghiệp, ví dụ như LienVietPostBank. Tuy nhiên phần tín dụng cho nông nghiệp vẫn không nhiều.

“Cá nhân tôi cho rằng, để triển khai thực hiện và đánh giá đúng về tín dụng, trong nông nghiệp nông thôn chúng ta phải lựa chọn rõ ràng các tiêu chí. Chúng ta phải tập trung vào hộ nông dân. Xuất phát từ đó mới có thể hình dung được các nguồn lực thực sự đổ vào hộ nông dân, vào sản xuất nông nghiệp như thế nào”, TS Ánh nói.

Theo ông Ánh, hiện chúng ta chỉ nói về tín dụng tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mà các vấn đề khác như bảo hiểm, phân chia ngân sách... lại không chú trọng tới. Điều đó cho thấy chúng ta đang có sự lệch pha, chưa kiểm soát được hết nguồn tín dụng, đối tượng tín dụng. Chẳng hạn như có những địa phương nhận được rất nhiều ưu đãi nhưng có những địa phương, hộ nông dân lại rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.

Vấn đề cốt lõi của sản xuất quy mô lớn, theo ông Ánh, vẫn phải là hộ nông dân. Hộ nông dân trong mối quan hệ trực tiếp với các TCTD, nên các ngân hàng tốt hơn hết là tiếp cận với hộ nông dân, hiểu rõ được cuộc sống của họ và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Hiện nay ở đô thị, các ngân hàng đẩy khá mạnh về cho vay tiêu dùng hộ gia đình, sản xuất, tuy nhiên, một khi nhà băng đã xác định địa bàn là nông thôn, đối tượng mà họ chú trọng tới là nông nghiệp nông thôn thì phải cấp tín dụng cho hộ nông dân, phải phân nguồn tín dụng một cách bao quát, toàn diện.

TS Vũ Đình Ánh đồng thời nêu ra một ví dụ, vì sao tín đụng đen dù lãi suất cắt cổ tới 30%, thậm chí là 72%/năm nhưng vẫn có đất sống. Đó là bởi tín dụng đen ra đời và bùng nổ rất phức tạp xuất phát từ nhu cầu thực tế về vốn. Bản chất của tín dụng đen có nhiều lý do khác nhau mà người ta tìm đến nguồn vốn này. Trong rất nhiều lý do đó thì có rất ít các lý do mà ngân hàng có thể áp dụng được. Ví dụ anh có nợ và cần vay, không ngân hàng nào dại mà đứng ra cho anh vay để đi trả nợ, chỉ có tín dụng đen mới cho vay.

Trở lại với vấn đề cho vay nông nghiệp nông thôn, TS Ánh tiếp tục khẳng định, quan trọng là phải xác định được mấu chốt đối tượng cho vay đó là hộ nông dân để nguồn vốn có hiệu quả nhất. Thêm nữa, không chỉ có bản thân các ngân hàng mà NHNN, Bộ tài chính, Bộ lao động thương binh xã hội cần ngồi với nhau để xem các chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn điểm nào còn chồng chéo, điểm nào chưa phù hợp, điểm nào còn thiếu hụt để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên