MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Vũ Tiến Lộc: Lãi suất cho vay lên đến 27%/năm

10-05-2011 - 13:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Có đến 74,47% các doanh nghiệp tìm kiếm vốn từ các ngân hàng nhưng thực tế không dễ tiếp cận nguồn vốn này.

Trong buổi tọa đàm về “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã nêu bật tầm quan trọng của vốn đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khảo sát của VCCI thì vấn đề ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp là vốn, sau đó mới đến các điều kiện khác để có thể kinh doanh hiệu quả.

Theo nghiên cứu VCCI có đến 74,47% các doanh nghiệp tìm kiếm vốn từ các ngân hàng nhưng thực tế không dễ tiếp cận nguồn vốn này.

Với thực tế lãi suất cho vay của các DN vừa và nhỏ có thể lên tới 27%/năm thì cho dù rất cần vốn kinh doanh các doanh nghiệp cũng không dám vay. Chưa kể đến các DNVVN thường khó vượt qua rào cản về tiêu chuẩn do các ngân hàng đặt ra như tiêu chí tài sản thế chấp, tính khả thi của dự án..

Huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Từ những khó khăn do lãi suất, do tiêu chí để được vay vốn thì các diễn giả đưa ra một số cách mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để huy động được vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, tổng thư ký hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đủ và đúng với việc huy động vốn bằng trái phiếu.

Ông Lộc cũng cho rằng việc huy động vốn thông qua trái phiếu giúp DN tránh pha loãng cổ phiếu, ưu đãi thuế với vốn vay và giảm chi phí huy động vốn. Đặc biệt huy đông vốn bằng trái phiếu chuyển đổi thì doanh nghiệp chỉ phải lãi suất ở mức thấp, thậm chí không phải trả lãi.

Ông Quỳnh nói: “Trái phiếu đảm bảo cho doanh nghiệp có nguồn vốn linh hoạt và dài hạn, doanh nghiệp có thể sử dụng vốn chủ động nguồn vốn".

Thông qua phát hành trái phiếu các doanh nghiệp tránh được những rào cản khi phải tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, không phải chịu những điều kiện giải ngân hay tiến độ. Thực tế hiện nay với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ sau 4-6 tuần là doanh nghiệp có vốn để phục vụ ngay kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Năm 2009, lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp đã đạt gần 30.000 tỷ đồng và sang năm 2010 thì chỉ 45 giao dịch phát hành khối lượng TPDN đã đạt 45.000 tỷ đồng. Qua đó cho thấy phát hành TP hoàn toàn khả thi đối với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch và dự án kinh doanh khả thi.

Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 8-9% GDP là con số rất nhỏ nếu so với Trung Quốc hay Malaysia thì con số này đạt 52,4% và 81%. Vì vậy phát hành trái phiếu để huy động vốn nên được các doanh nghiệp lưu tâm hơn nữa.

Để đạt được điều này thì các DNVVN cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng công khai minh bạch trong hoạt động, và có thói quen sử dụng các nhà tư vấn chuyên nghiệp như các NHTM để tư vấn và bảo lãnh phát hành.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý-Chủ tịch HĐQT của Aprocimex chỉ ra cách mà các ngân hàng cũng như doanh nghiệp có thể chia sẻ với nhau để vượt qua thời điểm khó khăn. Ví dụ như việc tính lãi suất trên khoản tín dụng khi mở LC thì các ngân hàng áp dụng ngay khi mở LC nhưng thực tế 2-3 tháng sau đó hàng mới về và lúc đó mới cần thanh toán.

“Trong thời điểm khó khăn hiện nay thì việc tính toán kỹ càng để giảm chi phí cho doanh nghiệp là vô cùng cần thiết”- ông Lý bày tỏ.

Tại thời điểm khó khăn thì mỗi đồng vốn đều rất đáng quý với doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp cần linh hoạt, năng động hơn nữa mới có thể tiếp cận hay huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển doanh nghiệp.

Cao Sơn
Theo DDDN

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên