MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ việc ở SeABank: Dấu hỏi về những bất cập trong quản lý nội bộ ngân hàng

06-12-2012 - 08:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Sự việc nguyên phó TGĐ của SeABank vừa bị khởi tố đang làm dấy lên những câu hỏi về sự quản lý trong nội bộ một số ngân hàng hiện nay, mà cụ thể là tại SeABank.

Theo cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên phó TGĐ của ngân hàng SeABank bị cáo buộc là có hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định của ngân hàng. Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh đã được phát hành lên tới 310 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng các bên bảo lãnh vẫn chưa thanh toán.

Trong tổng số 12 chứng thư do bà Giang ký và phát hành có 9 chứng thư với tổng trị giá khoảng 275 tỷ đồng là phát hành cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar và các công ty con do ông Nguyễn Hoàng Long làm giám đốc.

Sự việc hiện nay vẫn chưa rõ ràng, và mới chỉ có phía công ty Vinaconex – Viettel (VVF) công khai lên tiếng đòi SeABank phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền 150 tỷ đồng mà bà Giang đã ký phát hành chứng thư bảo lãnh cho Vina Megastar. Các đơn vị khác còn liên quan và chưa được các bên bảo lãnh thanh toán với tổng giá trị trên 160 tỷ đồng còn có CTCP Máy Thiết bị Dầu khí (PV Machino), Công ty TNHH Máy xây dựng VITRAC, Công ty TNHH Vật tư Tổng hợp Long Biên, CTCP Vận tải và Thương mại VEAM, Ban quản lý Dự án công trình giao thông Yên Bái - Sở GTVT tỉnh Yên Bái, Chi nhánh CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Công trình tại Hà Nội, BIDV Tây Hồ.

Phía SeABank cho rằng, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái phép do bà Nguyễn Thị Hương Giang thực hiện, và rằng việc ký phát hành bảo lãnh trái phiếu ấy là sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của bà Giang.

Dòng sự kiện: 
Vấn đề tranh chấp bảo lãnh thanh toán giữa SeABank - VVF

Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty luật có trụ sở tại Hà Nội (xin được giấu tên) thì vấn đề thẩm quyền ký bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng như SeABank nêu chỉ là quy định nội bộ của ngân hàng, và điều này chỉ có ý nghĩa trong quản trị hành chính cũng như nội bộ ngân hàng, còn không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý của Hợp đồng. Ngoài ra, nếu các bên nhận bảo lãnh, trước mắt là trường hợp của VVF, chứng minh được đầy đủ cơ sở pháp lý của hợp đồng thì SeABank sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng mà bà Giang đã ký.

Trước đó, người phát ngôn của VVF là luật sư Phạm Thanh Sơn (Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội) cũng đã khẳng định, việc bà Giang ký chứng thư bảo lãnh theo đúng giấy ủy quyền và vụ việc này không liên quan tới trách nhiệm cá nhân mà là trách nhiệm của SeABank.

Còn theo một cán bộ pháp chế của một ngân hàng (cũng xin được giấu tên) thì theo quy chế bảo lãnh của NHNN, việc ký kết bảo lãnh là giữa pháp nhân với pháp nhân nên SeABank sẽ khó thoái thác nghĩa vụ trả nợ của mình, trừ khi chứng minh được việc phát hành chứng thư bảo lãnh đó là phát hành khống. Ngoài ra, khách hàng không thể và không có trách nhiệm kiểm tra người ký chứng thư bảo lãnh có đủ thẩm quyền hay không. Nếu bảo lãnh là không huỷ ngang thì bên ngân hàng buộc phải thanh toán. Các quy định nội bộ của ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải tự giải quyết.

Trong vụ việc lần này, trách nhiệm pháp nhân hay cá nhân bà Giang vẫn chưa rõ ràng, và có lẽ phải chờ đến sự phân xử của tòa án, song nó đã bộ lộ những bất cập trong quản lý nội bộ của ngân hàng.

Người ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao trong 13 tháng (từ tháng 3/2010 – tháng 4/2011) – một thời gian không phải là ngắn - bà Giang lại có thể ký phát hành số chứng thư bảo lãnh lên tới 310 tỷ đồng mà ngân hàng SeABank không phát hiện ra đó là sai quy định nội bộ?

Nếu các bên bảo lãnh không rơi vào tình cảnh không có khả năng thanh toán (như trường hợp của Megastar hiện nay), thì liệu chúng ta có biết được rằng bà Giang, một phó tổng giám đốc và đã được ủy quyền từ tổng giám đốc của ngân hàng SeABank, có vượt quyền hay không?

Người ta cũng không thể không đặt vấn đề, việc ký kết phát hành chứng thư bảo lãnh là do lãnh đạo, mà ở đây là bà Giang, đặt bút ký, nhưng chắc chắn không thể một mình bà Giang đứng ra thực hiện từ đầu tới cuối, mà phải có sự tham gia của nhiều bộ phận. Chẳng lẽ trong quá trình thực hiện không ai phát hiện ra sai phạm?

Còn nữa, trong cáo buộc của cơ quan điều tra đối với bà Giang ngày 3/12 có cho biết, tất cả các bảo lãnh với tổng trị giá 310 tỷ đồng kể trên đều không có tài sản đảm bảo, vậy SeABank trước khi thực hiện bảo lãnh có tiến hành kiểm định về tài sản của các bên mà ngân hàng này sẽ tham gia phát hành bảo lãnh hay không?

Một vài câu hỏi đặt ra như vậy và cũng đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng. Trừ khi tất cả các chứng thư bảo lãnh trên là giả, còn trường hợp có tính pháp lý thì rõ ràng từ những vụ việc như thế này đã bộc lộ những bất ổn trong việc quản trị rủi ro tín dụng và nợ xấu của ngân hàng.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên