MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá 2015 : Diễn biến đầy bất ngờ

26-12-2015 - 13:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong năm 2015, giá trị đồng tiền Việt Nam đã giảm 5,34% và có nguy cơ tiếp tục giảm trong năm 2016 giữa bối cảnh đồng Nhân dân tệ vẫn có dấu hiệu giảm giá và khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Diễn biến tỷ giá, một năm nhìn lại

Ngay sau khi đưa ra mục tiêu điều hành tỷ giá tăng không quá 2% trong năm 2015, ngày 7/1/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND 1%, từ mức 21.246 đồng/1USD lên 21.458 đồng/1USD, biên độ không thay đổi so với năm 2014 ở mức +/-1%. Tại thời điểm đó, việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang do thời điểm cận Tết nguyên đán nhu cầu ngoại tệ tăng cao.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng liên tục và nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại, 4 tháng sau đó, ngày 7/5/2015, NHNN quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng hết biên độ 2% cho cả năm.

Dưới sức ép phá giá đồng Nhân dân tệ kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam, ngày 12/8/2015, NHNN đã điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%, theo đó giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng/USD (sàn) đến 22.106 đồng/USD (trần).

Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng Nhân dân tệ tiếp tục phá giá mạnh, ngày 19/8, NHNN đã quyết định điều chỉnh kép tăng tỷ giá thêm 1% lên mức 21.890 VND/USD và nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%, theo đó giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.233 đồng/USD (sàn) đến 22.547 đồng/USD (sàn).

Lý giải cho động thái này, NHNN viện dẫn lý do nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Với tỷ giá bán tại thời điểm ngày 24/12 là 22.547 đồng/1USD, đồng Việt Nam đã chính thức mất giá 5,34% so với thời điểm đầu năm và vượt 3,34% so với mục tiêu đề ra của NHNN.

Diễn biến tỷ giá 5 năm gần đây

Nguồn : Reuters
Nguồn : Reuters

Nhiều thách thức tỷ giá trong năm 2016

Tỷ giá VND/USD chịu sức ép lớn ngay sau quyết định điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17/12. Sức ép tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục lớn trong năm 2016 do thâm hụt cán cân thương mại (tính chung 11 tháng năm 2015, cán cân thương mại ước tính thâm hụt 3,8 tỷ USD) và cán cân thanh toán, Đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá bên cạnh việc Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất.

Chính vì vậy, để duy trì tăng trưởng, NHNN có thể sẽ phải chọn chính sách tiền tệ thắt chặt và dự kiến tỷ giá có thể tăng 2-5% trong năm 2016. Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ liên tục yếu đi, áp lực giảm giá VNĐ ngày càng gia tăng và nó có thể đến sớm hơn dự tính (đầu năm 2016) nhằm đảm bảo sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam so với hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Liên quan kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ 2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, việc điều hành chính tiền tệ trong năm 2016 vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là điều hành làm sao để các NHTM cân đối được cơ cấu kỳ hạn đảm bảo hoạt động cho vay an toàn. Thứ 2 đó là thị trường chịu tác động tâm lý nhiều trước diễn biến của kinh tế thế giới, gây khó khăn trong công tác điều hành tỷ giá. Một thách thức nữa là về lãi suất. Với tình hình thị trường tài chính hiện nay, hệ thống ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ khá lớn. Yêu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ ở mức cao trong năm 2016 sẽ áp lực lớn đến lãi suất nên việc điều hành lãi suất 2016 sẽ là thách thức lớn cho NHNN.

 

 

Nguyễn Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên