MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vài điều nên biết về sự trượt dốc của USD

09-11-2007 - 15:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 7/11, giá USD so với Euro đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, sau khi Trung Quốc công bố sẽ đa dạng hóa khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này.

Tuy nhiên, trong thế giới phức tạp của thị trường tiền tệ, bản chất của sự việc nhiều không phải lúc nào cũng giống như vẻ bề ngoài của chúng. Mặc dù việc USD lao dốc không phanh trong thời gian gần đây có vẻ như có ảnh hưởng xấu đến niềm tự hào và uy tín của nước Mỹ, đó lại có thể là một thông tin tốt lành đối với người lao động và các công ty ở nước này.

Dưới đây là 8 điều nên biết về sự mất giá của USD, theo ý kiến của các chuyên gia tiền tệ:

Thứ nhất, đồng USD mới chỉ thực sự chạm tới một bước ngoặt lịch sử so với Euro hôm 7/11 vừa qua.

Trên thực tế, đồng USD đã liên tục chạm mức thấp kỷ lục so với Euro trong nhiều năm qua, nhưng những kỷ lục đó không gây chú ý nhiều vì đồng Euro là một đồng tiền mới, mới xuất hiện vào năm 1999. Vào ngày 7/11, giá trị đồng tiền này so với Euro chạm tới một dấu mốc lớn thực sự vì đã giảm quá mức thấp kỷ lục vào mùa xuân năm 1995 so với đồng Mark của Đức, với tỷ giá khoảng 1,455 tới 1,457 USD ăn 1 Mark. Đây là thông tin do Marc Chandler, nhà chiến lược ngoại hối cao cấp tại Brown Brothers Harriman, cung cấp.

Vào ngày 7/11, USD ở mức thấp kỷ lục so với Euro, với 1,473 USD ăn 1 Euro trước khi tăng nhẹ vào cuối ngày. Tính đến lúc đóng cửa phiên giao dịch, đồng Euro đã tăng giá 0,57% so với USD 1 ngày trước đó, đạt mức 1,4641 USD ăn 1 Euro.

Thứ hai, tuyên bố của phía Trung Quốc về việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của nước này thực ra không có ảnh hưởng nhiều đến việc USD mất giá.

Đồng USD bắt đầu lao dốc sau khi một số quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết nước này sẽ đa dạng hóa khoản dự trữ ngoại hối 1.400 tỷ USD của nước này, thay vì chỉ giữ USD. Tuy nhiên, theo Chandler, thị trường không nên quá đề cao tuyên bố trên.

Trên thực tế, việc Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác tiến hành đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ đã không còn là một chuyện mới nữa. Tuy nhiên, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối không hẳn đồng nghĩa với việc các ngân hàng này sẽ bán USD mà họ chỉ mua thêm Euro mà thôi. “Đây là vấn đề tâm lý. Tuyên bố của phía Trung Quốc là cái cớ những người tham gia thị trường làm những gì mà họ đã muốn làm từ trước”, Chandler nói.

Ngoài ra, theo nhà kinh tế Jean-Michel Six của Standard&Poor’s, trong lời tuyên bố của các quan chức Trung Quốc còn có chút hàm ý chính trị, vì Trung Quốc đang muốn chứng tỏ mình đang thực hiện yêu cầu của phía Mỹ buộc nước này phải tăng giá Nhân dân tệ.

Một quan chức Trung Quốc nhận định, đồng USD đang mất đi địa vị của nó với tư cách là đồng tiền của thế giới. Nhưng các chuyên gia cho rằng, không có nhiều bằng chứng cho lý lẽ này. Theo Chandler, bất chấp sự mất giá của USD, nhiều loại hàng hóa như dầu lửa và lúa mỳ vẫn được giao dịch trên khắp thế giới bằng đồng USD. Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là khoản đầu tư an toàn đối với các nhà đầu tư trên thế giới.

Thứ ba, lý do nào khiến USD mất giá?

Hãy nhìn vào những nguyên lý kinh tế cơ bản. Tiền tệ di chuyển qua biên giới các quốc gia với mục đích tìm kiếm thêm lợi nhuận. Do đó, tiền có xu hướng tăng giá khi các thị trường kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao và giảm khi có dự báo về sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng. Sức mạnh hoặc sự suy yếu về kinh tế này được phản ánh trong lợi nhuận của trái phiếu hoặc lãi suất ngân hàng.

Theo Keith Hembre, chuyên gia kinh tế trưởng của First American Funds, thị trường trái phiếu dường như đang kỳ vọng FED cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà đầu tư bán USD và mua các đồng tiền khác có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn.
Thứ tư, liệu USD có còn tiếp tục mất giá?

Khó có thể đoán trước, nhưng theo Hembre, rất nhiều thông tin xấu đã có tác động vào thị trường. Nói cách khác, những kỳ vọng của thị trường đối với kinh tế Mỹ đã ở mức rất thấp và khó có thể thấp hơn được nữa. Còn Chandler thì dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mất giá đến cuối năm nay nhưng sẽ tăng giá vào năm tới.

Andrew Bernard, một giáo sư kinh tế quốc tế tại trường kinh doanh của đại học Dartmouth, cảnh báo, rất khó để dự báo dịch chuyển của đồng tiền tệ trong ngắn hạn, nhưng theo chuyên gia này, thị trường không nên kỳ vọng sự hồi phục của USD trước khi kinh tế Mỹ phục hồi.

Thứ năm, đồng USD yếu là không tốt đối với nhiều người, nhưng có thể tốt cho kinh tế Mỹ.

USD mất giá không phải là tin vui đối với du khách Mỹ đi du lịch ở nước ngoài và những công ty nước ngoài xuất khẩu hàng sang Mỹ. Nhưng theo Hembre, đồng USD yếu có thể thực sự kích thích tăng trưởng kinh tế tại Mỹ. Chẳng hạn, đồng tiền yếu giúp các nhà xuất khẩu Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Theo nhà kinh tế Carl Riccadonna của Deutsche Bank, hâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác đã giảm nhờ xuất khẩu của nước này tăng mạnh, loại bỏ gánh nặng thâm hụt đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Đồng USD yếu cũng có thể có tác dụng tốt đối với tình hình việc làm tại Mỹ, khi mà các công ty đa quốc gia chọn thuê nhân công ở Mỹ do mức lương rẻ hơn tương đối so với ở các nước khác.

Thứ sáu, USD mất giá không phải là một nguyên nhân gây lạm phát mà chỉ khiến giá nguyên nhiên liệu tăng cao.

Khi USD mất giá, hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, giá cả cao hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không nhận thấy những dấu hiệu cho thấy USD yếu là một nguyên nhân gây lạm phát. Theo Bernard, USD yếu gây ra một chút áp lực lạm phát, nhưng nền kinh tế Mỹ là lớn và có sức cạnh tranh mạnh nên phần lớn các công ty khó có được cơ hội để tăng giá.

Tuy nhiên, chỉ có một lĩnh vực mà đồng USD thực sự có tác động xấu, đó là giá cả hàng hóa. Giá dầu đang lao tới mốc 100 USD/thùng. Và điều này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu không bị ảnh hưởng nhiều, vì đồng Euro của châu lục này đang có giá cao.

Lạm phát tăng có thể là một thử thách đặc biệt đối với FED. Mối đe dọa lạm phát có thể khiến các nhà hoạch định chính sách dừng cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ bảy, chính phủ các nướcsẽ không can thiệp vào việc USD mất giá, trừ phi tình hình thực sự xấu.

Sự trượt giá của USD dường như hiện không phải là mối bận tâm lớn của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Hầu như không có nhà quan sát nào dự báo các quan chức tài chính của Mỹ, châu Âu hoặc châu Á sẽ can thiệp vào thị trường trừ khi đồng USD sụp đổ trên diện rộng. Nếu đồng USD không mất giá nghiêm trọng, các ngân hàng vẫn sẽ không hành động.

Thứ tám, rồi cũng đến lúc USD tăng giá trở lại.

Hiện tại, FED đã cắt giảm lãi suất và kinh tế Mỹ dường như đang tăng trưởng chậm lại. Nhiều người kỳ vọng, năm tới, việc cắt giảm lãi suất này sẽ phát huy tác dụng, khi kinh tế Mỹ tăng trở lại. Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Âu và các nơi khác cũng có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước mình.

Theo kịch bản này, đồng USD có thể sẽ bắt đầu tăng giá trở lại và đồng Euro sẽ giảm. Nhà kinh tế Six của S&P dự báo, đồng USD sẽ chạm đáy vào một thời điểm nào đó vào năm 2008, ở mức 1,52 hoặc 1,53 USD ăn 1 Euro. Nhưng sau đó, vào đầu năm 2009, USD sẽ tăng lên mức 1,45 hoặc 1,40 USD ăn 1 Euro.

Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, đồng USD cũng không thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn. Nước Mỹ sẽ phải vượt qua những bất lợi do đồng USD yếu gây ra, và trong thời gian đó, họ nên lạc quan rằng, đồng USD yếu là nhân tố giúp cỗ máy xuất khẩu hoạt động của họ vận hành trơn tru.
Theo Kiều Oanh
Vneconomy

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên