MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC: Tiền là giấy, giấy không là tiền

16-10-2013 - 22:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Công ty Quản lý tài sản và mua bán nợ (VAMC) không thể ôm mãi nợ vào mà phải tìm cách bán ra. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua, nhưng VAMC lại chưa thể bán.

Số liệu thống kê từ các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2013 cho thấy, tổng số nợ xấu là khoảng 138,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,58% trên tổng dư nợ. Còn theo công bố gần đây nhất của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể so với 8 tháng đầu năm 2012. Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã chủ động xử lý được 95,1 nghìn tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro, trong đó năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là 25,9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với con số được Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình nói lần trước, chỉ riêng trong tháng 8/2013, các tổ chức tín dụng đã “tự xử” 10,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tiền mua nợ xấu là… giấy

Sau khi Agribank bán 1.723 tỷ đồng nợ xấu, 3 ngân hàng là NHTMCP Sài Gòn (SCB), NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã bán tiếp cho VAMC 847 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến trong tháng 10/2013, VAMC sẽ mua lại hơn 7.500 tỷ đồng nợ xấu của 9 tổ chức tín dụng nữa. Lãnh đạo VAMC cho biết, hiện có rất nhiều khoản nợ xấu được gửi bán, nhưng nhiều khoản không đủ điều kiện theo quy định của NHNN để VAMC mua (theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT- NHNN và Thông tư 20/2013/TT-NHNN).

Như đã từng đề cập, VAMC mua nợ xấu bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt. Tức họ sẽ lượng xem mua những khoản nợ xấu nào, giá bao nhiêu sau đó trình NHNN phương án phát hành trái phiếu. Khi tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC sẽ nhận trái phiếu và có thể dùng nó vay tái cấp vốn. Thực tế trong tình hình hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng mang giấy này đến NHNN vay vốn. Vì, mức lãi suất cho vay của NHNN là cao hơn cho vay tái cấp vốn thông thường.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất huy động vẫn đang theo đà giảm, thì rõ ràng nếu cần vốn họ sẽ huy động vốn trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức) sẽ đỡ phiền phức hơn nhiều so với vay NHNN. Như vậy, bán nợ cho VAMC xong, cái họ nhận về là “giấy” chứ không phải là tiền, trong khi trách nhiệm với khoản nợ đó vẫn còn (tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro hàng năm tối thiểu 20% mệnh giá trái phiếu). Chính điều này khiến các tổ chức tín dụng không mấy mặn mà với VAMC.

Song, gần đây lại có nhiều ngân hàng đánh tiếng bán nợ cho VAMC. Vì sao? Vì trong một cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua với các tổ chức tín dụng về việc bán nợ xấu cho VAMC, NHNN đã tuyên bố, nếu tổ chức tín dụng nào không tự giác, họ sẽ công khai tỷ lệ nợ xấu thực của ngân hàng đó. Một lý do khác, đến tháng 6/2014, Thông tư 02 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng chính thức được áp dụng. Khi đó các ngân hàng phải phân loại nợ theo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, khiến nợ xấu sẽ “bỗng dưng” tăng vọt. Vì vậy họ cần phải bán bớt nợ xấu ngay từ bây giờ, tránh “đạt” tỷ nợ xấu cao trong tương lai gần.

Bán nợ xấu – giấy mới là tiền

Đã quen với đầu tư mạo hiểm nên các nhà đầu tư nước ngoài khá hào hứng với nợ xấu của tổ chức tín dụng Việt Nam. Mô hình công ty mua bán nợ xấu (VAMC) đã được một số nước triển khai thành công, nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên. Vì vậy, NHNN - cơ quan chủ quản của VAMC – cũng như lãnh đạo VAMC cùng thận trọng.

Hiện đã có một số tổ chức quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác mua bán nợ xấu với VAMC như: Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và cả một số ngân hàng nước ngoài. Với vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng, việc nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính lớn (mạnh về nguồn lực và có kinh nghiệm) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xử lý nợ xấu. Thế nhưng họ không thể bỏ tiền ra đầu tư mà không được quyền quyết định. Vì vậy, một số tổ chức đề nghị cùng với việc tham gia xử lý nợ xấu họ phải có “tiếng nói” nhất định tại VAMC, tức quyền quản lý, điều hành. Yêu cầu này đặt ra vấn đề: có nên “cổ phần hóa” VAMC để các nhà đầu tư lớn có thể tham gia xử lý nợ xấu trực tiếp hơn? Đối với các ngân hàng hay tổ chức đầu tư, điều họ quan tâm chính là quyền sở hữu tài sản. Các khoản nợ xấu hiện nay hầu hết đều có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, quyền sở hữu, sử dụng nhà, bất động sản cho người nước ngoài rất hạn chế. Một vấn đề khác, khi mua nợ xấu VAMC và tổ chức tín dụng làm việc trực tiếp với nhau, mọi thông tin liên quan đến khoản nợ được mua bán không hề công khai. Nếu VAMC bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì đồng nghĩa những thông tin đó cũng phải được công khai. Vậy nên, những vướng mắc này đã, đang được NHNN xem xét và xây dựng văn bản quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho VAMC. Nhưng rõ ràng, để thay đổi các quy định vốn không chỉ thuộc về quyền hạn của NHNN thì sẽ còn mất nhiều thời gian nữa VAMC mới có thể bán nợ xấu để thu về tiền tươi thóc thật.

Những thách thức

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn Chính phủ, tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng gặp phải những thách thức sau: Thiếu đồng thuận về chính sách; thiếu nguồn lực tài chính an toàn; nợ xấu xây dựng cơ bản của ngân sách chưa có định hướng xử lý; thị trường mua bán nợ kém phát triển; nhà đầu tư nước ngoài thiếu khung pháp lý để tham gia thị trường an toàn. Một trở ngại không nhỏ khác là vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Nợ xấu tiềm tàng rất lớn từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước. Đặc biệt là sự thiếu minh bạch về nguồn vốn góp tại các ngân hàng thương mại cổ phần, thậm chí đã có hiện tượng vốn góp là vốn ảo. Trong khi đó cơ quan quản lý vẫn thiếu chế tài để xử lý vấn đề sở hữu chéo một cách triệt để.


Theo Thái Thanh

thanhhuong

Doanh nhân/Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên