MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn có “lối đi riêng" cho tổ chức tín dụng

18-10-2016 - 11:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù áp cứng một mức trần lãi suất không quá 20%/năm của khoản tiền vay nhưng Bộ luật Dân sự 2015 đã để ngỏ một “lối đi” riêng cho các TCTD đó là được phép thỏa thuận theo cơ chế thị trường với điều khoản: “Trừ luật khác có liên quan quy định khác”.

Điều 468 Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định: “… trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều khoản này, vừa bao hàm mục đích chống cho vay nặng lãi trong các hoạt động vay mượn trong dân sự, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay; vừa đảm bảo các TCTD vẫn được phép thực hiện cơ chế thỏa thuận lãi suất theo quy định tại luật chuyên ngành, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Đánh giá cao về việc Quốc hội đã quyết định thông qua Điều 468 của Bộ luật Dân sự sửa đổi, giới chuyên gia cho rằng, những sửa đổi này được xem như là một “cây gậy” quan trọng, vừa giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hành vi cho vay nặng lãi, tín dụng đen trá hình trong các hoạt động dân sự; vừa tạo điều kiện cho hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng phát triển theo xu thế tự do hóa lãi suất, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: “Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự điều chỉnh khung về lãi suất cho vay thỏa thuận trong dân sự. Trước hết, về mặt phạm vi điều chỉnh, quy định cho thấy rõ ý đồ của các nhà làm luật là rất tốt, đó là điều chỉnh về việc vay mượn trong dân sự, hoặc trong những hợp đồng thương mại có tính đến chuyện chậm trả. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ phải chịu lãi suất phạt.

Vế thứ hai là cụm từ “trừ luật khác có liên quan quy định khác” thể hiện sự rất tiến bộ, bởi hoạt động của thị trường tài chính phải theo đúng nguyên tắc thị trường. Hay nói cách khác, nền kinh tế không thể có trần lãi suất chung cho mọi hoạt động giao dịch. Vì vậy, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường cho thị trường tài chính”.

Lãi suất của các TCTD hoạt động cho vay như các ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng hoặc các công ty cho thuê tài chính… đương nhiên sẽ có luật riêng điều chỉnh và như vậy Bộ luật mới mở ra góc cạnh là “trừ luật khác có liên quan quy định khác”. Bởi nếu quy định cứng nhắc một lãi suất trần cho nền kinh tế, sẽ làm méo mó việc phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế. Một nguyên lý trong thị trường tài chính là ở đâu lợi nhuận cao thì dòng vốn sẽ chảy vào đó. Hay nói cách khác, ở đâu chịu mức lãi suất cao hơn thì vốn sẽ chảy vào và nó sẽ phân bổ một cách có hiệu quả đến khu vực ngành kinh tế, dự án kinh tế và thành phần kinh tế.

Trong lộ trình đưa nền kinh tế nước ta tiến tới tự do hóa lãi suất, TS. Đỗ Văn Đại, Phó Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. HCM cho biết: Trong bối cảnh này, nếu chúng ta “bó chặt” ngân hàng, TCTD thì chưa chắc đây đã là giải pháp tốt. Việc không cho phép ngân hàng, TCTD cho vay ở một mức nào đó sẽ khiến ngân hàng siết chặt, không cho doanh nghiệp vay. Đến lúc đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ buộc phải quay sang vay ở các ngân hàng nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc pháp luật của chúng ta đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của chính ngân hàng nội địa so với ngân hàng nước ngoài.

Hơn nữa, nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế cho thấy, nếu chúng ta quá khắt khe với bên cho vay thông qua lãi suất trần thì những người cho vay sẽ buộc phải từ chối cho vay do mức lãi suất quá thấp. Bởi vậy, việc đảm bảo cho vay với lãi suất thấp liệu có còn ý nghĩa nếu chính do các quy định về trần lãi suất này mà nhiều chủ thể không thể vay được tiền?

Hiện nay, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đang áp dụng theo quy định tại Điều 91 của Luật Các TCTD: TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, dù chưa thể bỏ ngay quy định về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này song với quy định “trừ trường hợp luật khác có quy định liên quan khác”, Điều 468 đã cho phép các TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành. Đây thực sự là một bước tiến mới trong tiến trình xây dựng luật ở nước ta, đảm bảo lộ trình tiến tới tự do hóa lãi suất theo đúng quy luật của thị trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế của khu vực và thế giới.

Minh Quang

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên