MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng SJC và “phi” SJC có cơ hội về ngang giá

09-01-2013 - 08:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu vàng phi SJC được phép tạm xuất và miễn thuế thì các doanh nghiệp sẽ tăng cường thu gom để xuất khẩu. Tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn phía sau hoạt động này đó là biến động tỷ giá.

Hồi cuối năm 2012, trong giới tài chính ngân hàng rộ lên thông tin vàng miếng không phải SJC (tạm gọi là vàng phi SJC) sẽ được tạm xuất, đồng thời Nhà nước sẽ cho tái nhập vàng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn bốn số 9 để sản xuất vàng SJC.

Số lượng vàng tạm xuất tái nhập dự kiến nằm trong khoảng 10 – 15 tấn, dựa trên lượng vàng phi SJC mà các doanh nghiệp đăng ký để chuyển đổi sang vàng SJC.

Sẽ cho miễn thuế xuất khẩu vàng?

Tại cuộc họp của NHNN với đại diện các ngân hàng và các công tyvàng bạc đá quý vào cuối tháng 11 năm ngoái, theo tiết lộ của chủ tịch HĐQT một công ty vàng lớn ở phía Bắc với Thời báo kinh tế Sài Gòn, NHNN sẽ làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế tạm xuất vàng phi SJC cho các doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra ở đây là, NHNN dựa trên cơ sở nào để muốn miễn thuế và để được chấp thuận? Bởi lẽ, khoản thuế như đang áp dụng là 10% của 10 – 15 tấn vàng kia tính ra lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng – một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, việc NHNN đưa ra ý tưởng trên không phải là không có căn cứ, thậm chí có căn cứ khá vững vàng.

Về “lý”, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) thì: Nhà nước độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; NHNN tổ chức thực hiện việc xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu của Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng; NHNN thực hiện mua, bán vàng miếng và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Còn về “tình”, theo một quan chức của NHNN, cơ quan điều hành đề xuất chủ trương này nhằm muốn đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC, giảm những tổn thất cho doanh nghiệp và tránh thiệt hại tối đa cho người dân đang nắm giữ vàng phi SJC. Bởi lẽ, khi được tái xuất vàng phi SJC với thuế suất bằng 0 và nhập về vàng đủ tuổi, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian chuyển đổi, được chi phí kiểm định, trong khi người dân có cơ hội bán vàng phi SJC với giá cao hơn và sát giá vàng SJC hơn.

Trong trường hợp không được Thủ tướng phê duyệt thì vấn đề sẽ đi theo hướng khác, và tình hình thị trường vàng sẽ tiếp diễn như hiện nay. Nhưng nếu được phê duyệt, thì thị trường năm 2013 hứa hẹn sẽ có rất nhiều thay đổi.

Ở đây, giả sử đề xuất của NHNN về miễn thuế xuất nhập khẩu được phê duyệt, thì NHNN sẽ triển khai ra sao? Theo một chuyên gia về tài chính ngân hàng, NHNN có thể sẽ ký hợp đồng mua vàng miếng phi SJC và bán lại vàng đạt chuẩn bốn số 9 cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời sẽ ủy thác cho các đơn vị này thực hiện xuất khẩu vàng phi SJC và nhập về số vàng đủ tiêu chuẩn từ đối tác nước ngoài. Về nguyên tắc, NHNN vẫn là đơn vị chủ trì các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và mua bán vàng miếng, trong khi các doanh nghiệp lại chủ động và đẩy nhanh được quá trình chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC.

Giá vàng phi SJC có cơ hội về sát giá SJC

Trong vài tháng trở lại đây, tình trạng chênh lệch giá giữa vàng SJC với phi SJC, giữa vàng trong nước và thế giới diễn ra khá phổ biến và sẽ là nan giải nếu như NHNN kiên quyết không can thiệp thị trường vàng. Điển hình nhất là trường hợp của vàng Rồng Thăng Long, vàng AAA, khi kém vàng SJC tới hơn 1 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 4 – 5 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng SJC hiện nay lại cao hơn thế giới tới xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng – một khoảng cách không tồn tại ở bất cứ nước nào, và cũng gấp hơn chục lần so với khoảng cách mà Thống đốc NHNN hồi năm 2011 cho rằng, ở ngưỡng đó là xuất hiện tình trạng vàng bị đầu cơ.

Nhưng một khi số vàng phi SJC được chuyển đổi nhanh chóng sang vàng SJC bằng hình thức tạm xuất tái nhập thì tình hình có thể hoàn toàn thay đổi. Khi được tạm xuất tái nhập, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi sang vàng SJC sẽ đẩy mạnh thu gom vàng phi SJC này ngoài thị trường để nhập về vàng nguyên liệu và chuyển đổi. Hình thức này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí kiểm định, tiết kiệm được thời gian chờ đợi chuyển đổi cho dù không thể tránh được trường hợp phải bỏ chi phí bù đắp phần thiếu hụt hàm lượng vàng. Khi nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp gia tăng thì giá vàng phi SJC sẽ tránh được nguy cơ bị “ép giá”như thời gian qua.

Tiềm ẩn rủi ro về tỷ giá

Vấn đề tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập vàng đủ bốn số 9 sẽ là hướng đi tốt đối với các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu chuyển đổi vàng sang SJC, cũng như giúp NHNN điều hành chính sách được thuận lợi hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nước ta đang có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào nhất kể từ năm 2008 tới nay, cán cân thanh toán thặng dư tới xấp xỉ 10 tỷ USD, kiều hối đổ về năm 2012 có thể đạt 9,5 – 10 tỷ USD, thì với 10 – 15 tấn vàng tạm nhập sẽ khó mà khiến cho tỷ giá biến động mạnh.

Thế nhưng, người ta cũng không khỏi e ngại, khi có nhu cầu tái nhập vàng từ nước ngoài về thì đơn vị nhập vàng sẽ phải lo cân đối nguồn ngoại tệ, trong đó chủ yếu là USD. Đó là còn chưa kể đến thời điểm doanh nghiệp quyết định tạm nhập đúng lúc giá vàng thế giới lên cao và tái xuất khi giá xuống thấp. Điều này có thể khiến cho đơn vị tham gia phải gánh những khoản thua lỗ không nhỏ, đồng thời gây áp lực lên tỷ giá và phá vỡ những nỗ lực ổn định của suốt 1 năm qua, thậm chí có thể sẽ khiến tỷ giá biến động mạnh như trước đây.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là, nếu được chấp thuận cho tái xuất vàng phi SJC, tạm nhập vàng đủ tiêu chuẩn và miễn thuế xuất khẩu vàng phi SJC, NHNN cần đưa ra những chế tài chặt chẽ đối với các đơn vị tham gia để tránh những tác động đến tỷ giá cũng như tình hình kinh tế vĩ mô.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trở lên trên