MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao khó cho vay mà ngân hàng vẫn đua huy động vượt trần?

30-12-2012 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau một thời gian ngắn tạm lắng và hạ mạnh lãi suất kỳ hạn dài, nhiều ngân hàng lại bắt đầu mạnh tay đưa lãi suất huy động lên cao hơn so với mức niêm yết công khai.

Tại một chi nhánh của ngân hàng T. ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cách đây 1 tháng, các khoản tiền dưới 500 triệu đồng sẽ chỉ được hưởng lãi suất 9% như công bố, còn các khoản trên 500 triệu đồng sẽ được nhận tiền mặt tương ứng với số tiền gửi theo lãi suất thực là 10 – 10,5%/năm. Nhưng hiện nay, khi lãi suất đã về 8%/năm theo chỉ đạo của NHNN, thì các khoản tiền gửi chỉ từ 100 triệu đồng trở lên đã được tặng tiền mặt. Ví dụ với 100 triệu đồng, nếu gửi kỳ hạn 1 tháng sẽ được tặng 60.000 đồng, gửi 3 tháng được 180.000 đồng; với 300 triệu đồng, gửi 1 tháng được tặng 200 nghìn đồng; gửi 3 tháng được 500 nghìn đồng; với 500 triệu đồng, gửi 1 tháng được 1,08 triệu đồng và gửi 3 tháng được 1,3 triệu đồng, lãi suất ghi trên sổ là 8%/năm.

Hay ở một chi nhánh của ngân hàng K. tại quận Đống Đa, các khoản tiền gửi dưới 100 triệu đồng sẽ được tặng quà, nhưng với các khoản tiền lớn hơn thì cũng sẽ được tặng tiền mặt tương ứng với lãi suất khoảng 9,5 – 10%/năm. Một chi nhánh của ngân hàng G., của ngân hàng P., ở quận Hoàng Mai cũng áp dụng chính sách tương tự.

Theo một giao dịch viên của ngân hàng V., hiện nay lãi suất đang xuống thấp trong khi các ngân hàng đều đẩy mạnh huy động vốn, vì thế việc tặng tiền mặt cho khách để lách trần là điều dễ hiểu. Thậm chí, ngân hàng không làm như vậy thì sẽ khó hút được khách đến gửi tiền.

“Ngân hàng chúng em đã áp dụng hình thức tặng tiền từ khá lâu và nhiều ngân hàng khác cũng làm như vậy bởi quà tặng bây giờ khách không thích nữa”, một giao dịch viên của ngân hàng T. cho hay.

Còn một hình thức lách trần khác nữa cũng được sử dụng khá phổ biến ở các ngân hàng hiện nay đó là áp dụng lãi suất kỳ hạn dài cho các khoản tiền lớn. Cụ thể hơn, khi khách có khoản tiền lớn đến gửi, ngân hàng sẽ áp dụng cách thỏa thuận với khách gửi theo kỳ hạn 12 tháng, nhưng khi hết khoảng 1 tháng hoặc 2 tháng, khách đến rút tiền thì vẫn được hưởng nguyên lãi suất của kỳ hạn dài.

Trong khi lãi suất huy động vẫn cứ được các ngân hàng áp dụng ở mức cao còn hoạt động cho vay lại gặp khó (tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay còn huy động đã tăng tới hơn 16%), nhiều ngân hàng thậm chí không dám cho vay mà phải dành tiền đầu tư vào tín phiếu NHNN và trái phiếu Chính phủ với lãi suất rất thấp, nhiều người không thể không đặt câu hỏi, vì sao lại xảy ra hiện tượng này.

Theo nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên và các nguyên nhân ấy cho đến nay vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ. Trong các vấn đề mang tính then chốt thì có yếu tố nợ xấu. Các ngân hàng đang phải tiếp tục huy động tiền gửi của người mới để trả người cũ vì các khoản tiền người cũ gửi, đã cho vay rồi nhưng đến nay chưa đòi lại được. Hiện tượng lách trần huy động vì thế vẫn xảy ra khá phổ biến.

Còn theo giám đốc chi nhánh của một ngân hàng có hội sở tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện tượng lách trần huy động sẽ chưa thể chấm dứt được. Thậm chí trong thời gian tới, hiện tượng này sẽ xảy ra nhiều hơn nữa bởi lẽ nhiều ngân hàng sẽ gặp khó về thanh khoản do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Trước đó, hồi đầu tháng 11, tại một hội thảo về xử lý nợ xấu, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng đã từng nhận xét, nếu phương án xử lý nợ xấu của NHNN được chấp thuận thông qua thì năm tới đây sẽ là năm chúng ta phát hành hàng loạt trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, Trái phiếu NHTW… Nhiều loại trái phiếu được phát hành thì mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên. Trong giai đoạn đầu của giải quyết nợ xấu, các ngân hàng nhỏ sẽ bị gặp khó khăn về thanh khoản do lãi suất lên cao. Và có thể, một cuộc đua lãi suất mới sẽ xuất hiện.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên