MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao tỷ giá “dậy sóng”?

06-05-2015 - 11:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại và đang tăng nhanh trong sáng nay ngày 6/5. Với mức giá bán ra đã kịch trần, các ngân hàng lúc này chỉ có thể đẩy giá mua lên cao.

Ngày 5/5, tỷ giá đã tăng mạnh ở các NHTM ở cả chiều mua vào và bán ra, tính đến cuối giờ chiều giá bán ra USD của các ngân hàng đã chính thức chạm trần quy định của NHNN (21.673 đồng). NHNN tiếp tục khẳng định việc tỷ giá tăng chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Các yếu tố cung cầu ngoại tệ hiện nay về cơ bản vẫn không có vấn đề lớn và không đáng quan ngại.

NHNN cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt của các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, tỷ giá của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại và đang tăng nhanh trong sáng nay ngày 6/5. Với mức giá bán ra đã kịch trần, các ngân hàng lúc này chỉ có thể đẩy giá mua lên cao.

Chẳng hạn tại ngân hàng BIDV, tỷ giá hiện giao dịch ở 21.630 – 21.670 đồng, tăng 20 đồng mua vào so với hôm qua và giữ nguyên giá bán. Ngân hàng VietinBank tăng 10 đồng giá mua lên 21.620 đồng, giá bán niêm yết tại 21.670 đồng. Còn tỷ giá của nhóm ngân hàng cổ phần đồng loạt bán ra ở 21.673 đồng, mua vào dao động từ 21.610 - 21.630 đồng.

Vậy những yếu tố nào đang tác động đến tâm lý của thị trường khiến tỷ giá "dậy sóng”? Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, có 4 lý do:

Nhập siêu 4 tháng đầu năm tăng vọt

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước đạt 13,8 tỷ USD; tăng 3,4% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4/2015 ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước.

Như vậy, riêng tháng 4, cả nước nhập siêu 600 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, bằng 6% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2 tỷ USD).

Theo nhận định của Tổng cục thống kê, nguyên nhân của nhập siêu 4 tháng đầu năm chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp do giá dầu thô giảm làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá trong khi nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là nhóm máy móc thiết bị với kim ngạch tăng gần 3 tỷ USD.

USD tăng giá mạnh so với đồng Euro

Theo thống kê của Bloomberg, chỉ số USD, vốn được sử dụng để theo dõi diễn biến của đồng tiền này so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng khoảng 25% kể từ tháng 6 năm ngoái đến nay.

Dù đã hạ nhiệt trong tháng 4, tuy nhiên đà tăng ròng rã trong suốt 9 tháng liên tiếp với nhiều lần phá kỷ lục được giới phân tích đánh giá là mạnh mẽ nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

Vietcombank mua vào 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ

Thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng sáng ngày hôm nay cho biết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất giao dịch mua một 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm từ Bộ Tài chính với lãi suất xoay quanh 4,8%/năm. Đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một ngân hàng và với khối lượng lớn.

Thị trường đang đặt câu hỏi: Vì sao không phải tiền đồng mà lại là USD? Trước hết bởi vì Chính phủ cũng có những khoản chi tiêu bằng ngoại tệ và cần nguồn ngoại tệ.

Chính phủ yêu cầu đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên