MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Vietcombank ưu ái doanh nghiệp nhà nước?

23-04-2014 - 15:08 PM | Tài chính - ngân hàng

"Vietcombank tập trung vào các DNNN vẫn có lợi thế độc quyền. Như điện lực chẳng hạn, mấy năm tới cũng chẳng có ai cạnh tranh với họ".

Năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước là 14,86% (tính cả trái phiếu). Theo đại diện Dragon Capital, đây là mức tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng lớn. Tại sao VCB lại tăng cường rủi ro đối với khu vực vẫn được coi là thiếu minh bạch và kém hiệu quả này?

"Nợ xấu của DNNN tại Vietcombank chỉ là 1,02%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu của toàn ngân hàng," Chủ tịch VCB Nguyễn Hòa Bình cho biết. "Nếu có phải trích lập dự phòng, thì tỷ lệ tiền thực mất cũng thấp hơn nhiều các khu vực kinh tế khác".

"Trong danh mục cho vay DNNN của VCB, đến 90% là DN xếp hạng AAA và AA," ông Bình cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng thừa nhận danh mục cho vay của VCB vẫn tương đối tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty lớn. Do đó, VCB đang đẩy mạnh mảng bán lẻ và trong năm 2013, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng tới 29,4%.

"VCB tập trung vào các DNNN vẫn có lợi thế độc quyền", TGĐ Nghiêm Xuân Thành có cách tiếp cận thẳng thắn hơn. "Như điện lực chẳng hạn, mấy năm tới cũng chẳng có ai cạnh tranh với họ". Hiện VCB đang đẩy mạnh quan hệ tín dụng với nhiều DNNN lớn như TCty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Vietnam Airlines, EVN, Viettel, ... "Các công ty này, vào được rất là khó," theo lời ông Thành.

Vì sao Vietcombank mất thị phần thanh toán xuất nhập khẩu?

Theo Chủ tịch Bình, trong hai năm 2012-2013 tuy xuất khẩu tăng khá nhưng chủ yếu là nhờ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN này lại chủ yếu dùng dịch vụ thanh toán của ngân hàng nước họ, nên thị phần của ngân hàng trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Bình cũng nhắc tới chuyện có sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thanh toán.

Theo TGĐ Thành, còn một lý do nữa là "trước đây các đối thủ chưa hoạt động gì, giờ họ bắt đầu làm và lấy lại thị phần. "Ông Thành cho biết tháng 5 tới VCB sẽ tổ chức hội nghị toàn hệ thống về tài trợ thương mại. Năm nay sẽ điều chỉnh mô hình theo hướng tài trợ thương mại tập trung. Tuy vậy, mục tiêu cũng chỉ là giữ được thị phần 15% như hiện nay".

VCB sẽ mua lại ngân hàng nào?

Chủ tịch Bình: "Xu hướng sát nhập là tất yếu, nhưng quan hệ đối tác không hoàn toàn theo ý muốn và không xác định được thời gian. Chúng tôi không trả lời được bao giờ sẽ xảy ra nhưng chúng tôi xác định chắc chắn sẽ xảy ra. Có M&A mới tăng trưởng nhanh được."

Theo định hướng, VCB sẽ giữ lại các khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) (dù đang có một số vấn đề). Các ngân hàng khác sẽ tùy tình hình, hiện chưa thể nói trước được nhưng chủ trương là không nắm quá nhiều ngân hàng.

(Dragon Capital) Vì sao quỹ khen thưởng lại đưa vào lợi nhuận sau thuế thay vì chi phí hoạt động? (khiến VCB bị thiệt về thuế hàng trăm tỷ đồng)

Theo bà Lê Thị Hoa, TV. HĐQT chuyên trách, Vietcombank là ngân hàng do nhà nước nắm trên 50%, do đó các chế độ tiền lương bị quản lý rất chặt chẽ. VCB biết đưa quỹ khen thưởng phúc lợi (3 tháng lương thực hiện) vào tiền lương là tốt nhưng do cơ chế nên không thể làm như vậy được.

Minh Tuấn

tuannm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên