MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chưa có NH có khả năng làm trụ cột và đặt luật chơi cho thị trường

13-08-2014 - 20:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường Việt Nam có nhiều đặc thù. Điểm khác biệt nhất là thị trường khác có NH trụ cột, đặt luật chơi cho thị trường, còn Việt Nam có nhiều NH nhưng chưa có NH nào có khả năng như vậy.

Vào ngày 13/08/2014, ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của Công ty kiểm toán EY khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến ngân hàng tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về việc các NH ít hào hứng với việc cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi lại chủ trương tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ?

Ông Keith Pogson: Điều này cũng phù hợp với thực tế ở nhiều quốc gia khác. Khi hệ thống ngân hàng có nhiều nợ xấu thì Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn. Khi đó NH phải tập trung cho vay những khách hàng chất lượng như cho vay các Doanh nghiệp lớn hay cho vay cá nhân trong khi SMEs là phân khúc dễ gây tổn thất nên NH hạn chế cho vay là lẽ thường.

Xét về khía cạnh xã hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra động lực tăng trưởng và việc làm nhiều nhất thì Chính phủ phải khuyến khích cho vay, nhưng điều này lại mâu thuẫn với việc Chính phủ đang khống chế nợ xấu.

Chính Phủ Việt Nam khuyến khích cho vay trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Điều này có mâu thuẫn giữa chủ trương và thực tế không?

Có thể không phải mâu thuẫn giữa chính sách của Chính Phủ và thực tế mà trong chính chính sách có những điểm chưa đồng nhất. Rõ ràng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất nhưng đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nợ xấu nhất. Vì thế việc khuyến khích cho vay khu vực này đồng thời phải thực hiện việc khống chế nợ xấu cùng lúc sẽ rất khó thực hiện.

Vấn đề tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc đầu những năm 2000. Thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng phải khống chế tỷ lệ nợ xấu, đồng thời để kích thích tăng trưởng kinh tế thì phải khuyến khích ngân hàng tăng cho vay. Để hạn chế rủi ro, các NH Trung Quốc đã tập trung cho vay các doanh nghiệp lớn và cho vay cá nhân. Điều này dẫn đến hệ quả khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian qua và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Có quốc gia nào có kết quả khảo sát của EY như Việt Nam và Chính phủ của họ sau đó đã có các biện pháp để khắc phục tình hình không?

Tôi nghĩ thị trường Việt Nam có nhiều đặc thù mà khó có thị trường nào giống hệt được. Điểm khác biệt nhất là ở thị trường khác họ có NH trụ cột tức là một số ít NH có khả năng đặt luật chơi cho thị trường, còn Việt Nam có nhiều NH nhưng chưa có NH nào có khả năng làm trụ cột và đặt luật chơi cho thị trường như vậy.

Malaysia, Indonesia cũng từng có tình trạng giống Việt Nam, đó là có số lượng NH rất lớn nhưng sau đó Chính phủ đã thúc đẩy việc sáp nhập và rút gọn số lượng NH lại.

Về tỷ lệ nợ xấu, các quốc gia khác cũng rất khó căn cứ để xác định vì có nhiều cách tiếp cận, nhiều phương án, nhiều cách thưc tính toán khác nhau. Đối với vấn đề này cần xử lý truyền thông một cách rõ ràng để có căn cứ so sánh tương đối giữa các NH với nhau.

Hiện nay cũng có chuẩn mực tài chính quốc tế IFRS về cách tính nợ xấu, sắp tới lại có chuẩn mực mới thì lại có thể đưa ra kết quả khác nhau. Sự minh bạch đương nhiên là tốt nhưng minh bạch ở mức độ nào thì cũng phải xem xét để đảm bảo lợi ích của các bên liên quan như công chúng, nhà đầu tư, lãnh đạo của NH. Nếu chúng ta đòi hỏi sự minh bạch triệt để thì có thể gây khó khăn cho việc điều hành NH. Tôi thấy ở Việt Nam cũng đang đi theo hướng yêu cầu các NH tuân thủ theo Basel II, còn việc thay đổi một số quy định pháp lý hay áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác thì vẫn tiếp tục phải làm.

>>> Ngân hàng Việt Nam không quá quan tâm đến việc bán tài sản cho VAMC

>>> Cần cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn

Hải Hà (ghi)

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên