MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VietinBank hay BIDV sẽ dành tấm vé đầu tư sang thị trường Myanmar?

07-01-2016 - 17:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường Myanmar ngày càng hấp dẫn, quốc gia này đã trao giấy phép hoạt động cho 9 ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào được cấp phép mở chi nhánh hoạt động tại thị trường này.

Việt Nam đang ngày càng tiến sâu hơn vào nền kinh tế thế giới nhờ sự tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội qua các cam kết mở cửa. Quá trình này đem lại những cơ hội tốt cho ngành ngân hàng trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, đồng thời cũng sẽ tạo sức ép đưa tới những thay đổi cần có trong hoạt động của từng ngân hàng thương mại.

Vậy ngân hàng Việt cần phải chuẩn bị gì và định hướng mở rộng thị trường trong khu vực như thế nào, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) để có thêm những thông tin về vấn đề này.

Thưa ông, các ngân hàng Việt sẽ đứng trước những thách thức nào khi tham dự Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Khi hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, chúng tôi cho rằng, cơ hội đem lại nhiều hơn những thách thức.

Nói về thách thức, với đặc thù ngành ngân hàng, chúng ta sẽ chịu thách thức rất lớn trong việc thu hút nhân lực và mở rộng kinh doanh, chi nhánh, cung cấp sản phẩm dịch vụ. Khi các ngân hàng trong khu vực được quyền cung cấp sản phẩm không giới hạn cho khách hàng. Trước đây, các khách hàng hoạt động tại Việt Nam sử dụng dịch vụ, sản phẩm của các ngân hàng của Việt Nam vì các ngân hàng bản địa chưa có chi nhánh hay ngân hàng con tại nước ta.

Sắp tới, khi hình thành thị trường chung, các ngân hàng trong khu vực được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng vượt biên giới, là cơ hội để ngân hàng nước ngoài tham gia sâu hơn, hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam, mức độ cạnh tranh và đặc biệt là vấn đề nhân lực khiến các ngân hàng phải nghiên cứu kỹ. Hiện nay các ngân hàng Việt Nam đã phải cạnh tranh để thu hút nhân tài với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam rất vất vả, vì vậy sắp tới đây sẽ là một thách thức rất lớn với các ngân hàng của chúng ta.

So với các ngân hàng lớn trong khu vực thì tiềm lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam còn quá nhỏ bé. Vậy trong tương lai, VietinBank sẽ có định hướng nào để nâng cao quy mô của mình?

Về tiềm lực tài chính, các ngân hàng Việt Nam so với khu vực thì chưa đạt. Một ngân hàng có quy mô trung bình ở Đông Nam Á, vốn tự có dao động từ 3,5-5 tỷ USD, tức là khoảng 70-100 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, VietinBank là ngân hàng có vốn tự có lớn nhất Việt Nam cũng mới đạt 57 nghìn tỷ đồng. Do vậy, ngân hàng cần phải phấn đấu lên mức tối thiểu 70.000 tỷ đồng mới có đủ tiềm lực tài chính cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng trong khu vực.

Đến năm 2017, ngân hàng đặt mục tiêu trọng tâm đạt được con số này và đặt ra các kỳ vọng lớn hơn vào các năm tiếp theo. Trong thời gian sớm nhất, vốn tự có của ngân hàng có thể đạt xấp xỉ 5 tỷ USD để có đủ sức mạnh hội nhập quốc tế thành công vào cuối năm 2017.

Thưa ông, Vietinbank đã có ngân hàng con tại Lào và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng này ra sao? Sắp tới, ngân hàng có ý định mở rộng thị trường sang Myanmar không?

Năm 2015, VietinBank đã nâng cấp chi nhánh VietinBank tại Lào thành ngân hàng con. Chi nhánh này đã hoạt động hiệu quả ngay từ năm thành lập kể từ 2011 cho đến nay. Quy mô và chất lượng hoạt động của Vietinbank tại Lào được nâng lên đáng kể, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Lào.

Tại Myanmar, ngân hàng VietinBank cũng muốn mở chi nhánh tại đây vì ngân hàng đã có văn phòng đại diện nhưng không phải ngân hàng nào muốn mở chi nhánh tại quốc gia này là mở được. Myanmar có chính sách đấu giá giấy phép để thành lập trong đó có thành lập ngân hàng.

Cơ chế này bắt đầu từ năm 2015. Đợt đấu giá đầu tiên cho các ngân hàng nước ngoài và có quy định rất ngặt nghèo, nếu đấu giá với mức giá thành công, mỗi quốc gia chỉ được lựa chọn tối đa 1 ngân hàng để Myanmar cấp giấy phép. Với Việt Nam, năm 2015 các ngân hàng thống nhất dành cơ hội cho BIDV đấu giá nhưng kết quả không thành công, BIDV đã không nằm trong danh sách 9 ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp phép mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar.

Năm 2016, Myanmar cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách như vậy. VietinBank cũng là một trong những ngân hàng đang muốn lập chi nhánh tại Myanmar nhưng nếu không có gì thay đổi chúng tôi vẫn nhường cơ hội cho BIDV trước.

Vâng xin cảm ơn ông!

Kim Tiền (ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên