MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBank tìm được đối tác chiến lược, cổ đông mới được nhận cổ tức bằng tiền mặt

02-05-2015 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo lãnh đạo VPBank, ngân hàng thì muốn bán đắt, đối tác thì muốn mua giá rẻ nên công việc đàm phán cần phải có thời gian. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã đi vào giai đoạn cuối, một số đối tác thể hiện rõ quyết tâm và ngân hàng có cơ sở để hy vọng trong năm nay việc tìm đối tác chiến lược sẽ đi đến thành công.

Phiên họp đại hội cổ đông của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) diễn ra ngày 20/4 vừa qua, một trong những vấn đề khiến cổ đông bức xúc nhất đó chính là việc họ thường xuyên phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu chứ không được nhận bằng tiền mặt. Nhiều cổ đông đã đề nghị ngân hàng nên trả 1 phần cổ tức bằng tiền mặt chứ không phải hoàn toàn bằng cổ phiếu; việc trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ có lợi cho các cổ đông lớn...

Tuy nhiên, người đứng đầu ngân hàng này- ông Ngô Chí Dũng - đã cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng của cổ đông song ông Dũng cũng khẳng định: Vì chịu áp lực tăng vốn nên ngân hàng không thể trả cổ tức bằng tiền mặt trong lúc này được.

“Nếu năm nay VPBank tìm được đối tác chiến lược thì rất có thể năm sau cổ đông sẽ được nhận cổ tức một phần bằng tiền mặt”.

Như vậy có thể thấy rằng việc tìm đối tác chiến lược rất quan trọng đối với VPBank.

Được biết, năm 2013 cổ đông lớn Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) sở hữu 14,88% vốn điều lệ của VPBank đã chính thức rút vốn khỏi ngân hàng này, kể từ đó đến nay VPBank vẫn chưa có đối tác ngoại nào tham gia.

Trong năm 2014, ngân hàng cũng đề ra kế hoạch thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cho cổ đông chiến lược tối đa 30% vốn điều lệ của ngân hàng nhưng vì nhiều lý do của điều kiện thị trường và các lý do khách quan nên việc đàm phán chưa thành công.

Năm 2015 VPBank sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2013 và trình ngân hàng nhà nước phương án chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước để tăng vốn điều lệ lên thêm 3.000 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài cho kế hoạch tăng vốn điều lệ và các kế hoạch tăng vốn tự có với mục tiêu sẽ đạt 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Trao đổi riêng với chúng tôi về tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược của VPBank, ông Ngô Chí Dũng cho biết: Bên cạnh tiêu chí về tiềm lực tài chính thì đó phải là nhà đầu tư đi đường dài với VPBank, có định hướng phát triển, chiến lược và tầm nhìn tương đồng với ngân hàng.

Trả lời câu hỏi: Hiện đã có đối tác chiến lược nào “lọt vào mắt xanh của VPBank chưa?” Ông Dũng nói, đã có nhiều đối tác tìm đến và đặt vấn đề hợp tác với VPBank nhưng để tìm được đối tác phù hợp cũng là việc không hề đơn giản.

“Ngân hàng thì muốn bán đắt đối tác thì muốn mua giá rẻ nên công việc đàm phán cần phải có thời gian. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã đi vào giai đoạn cuối, một số đối tác thể hiện rõ quyết tâm và chúng tôi có cơ sở để hy vọng trong năm nay việc tìm đối tác chiến lược cho VPBank sẽ đi đến thành công”.

Năm 2015 VPBank đặt kế hoạch đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu (tăng 49% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế là 2.500 tỷ đồng (trong khi năm 2014 lợi nhuận trước thuế của VPBank là 1.609 tỷ đồng).

Lý giải về các mục tiêu đầy tham vọng này, theo ông Dũng những năm trước VPBank đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng cơ sở và đến nay những nỗ lực này dần dần đem lại hiệu quả, sinh lời.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên