MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ bảo lãnh 150 tỉ đồng trái phiếu Vina Megastar: SeABank "chuyền bóng"?

30-11-2012 - 17:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Một ngày sau cuộc họp phản hồi của phía VVF, SeABank không hề thay đổi quan điểm khi bảo lưu từ chối thanh toán các bảo lãnh bị coi là trái phép và bất hợp pháp.

SeABank thoái thác?

Các thông tin có được từ phía SeABank chiều ngày 29.11 thực tế không có gì mới so với thông báo trước đó, khi nhà băng này một lần nữa khẳng định từ chối thanh toán các bảo lãnh do vị Phó TGĐ bị bãi miễn - bà Nguyễn Thị Hương Giang - ký phát hành.

SeABank tiếp tục nhấn mạnh rằng, các bảo lãnh do cựu lãnh đạo nhà băng ký phát hành là trái quy định. “Đến thời điểm hiện tại, SeABank bảo lưu quan điểm từ chối thanh toán các bảo lãnh trái phép, bất hợp pháp do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký phát hành trái quy định, cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra cũng như các cơ quan chức năng khác; đồng thời, tuân thủ yêu cầu của cơ quan điều tra giữ nguyên hiện trạng các tài liệu về vụ việc này”.

Một thông tin được SeABank tiếp tục nhấn mạnh là: Chứng thư bảo lãnh với Cty tài chính CP Vinaconex – Viettel (VVF) là không có số. Hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng thư bảo lãnh ngày 24.10.2011 do cựu Phó TGĐ Nguyễn Thị Hương Giang ký phát hành cũng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Tập đoàn Vina Megastar.

Hơn nữa, giao dịch bảo lãnh cho Vina Megastar cũng không được theo dõi quản lý hồ sơ trong hệ thống của SeABank, không có phí bảo lãnh. Ngoài chứng thư bảo lãnh với VVF, SeABank cũng khẳng định, các bảo lãnh trái phép khác cũng tương tự và đều không có hồ sơ sổ sách theo dõi cũng như đóng phí...

Nếu dựa theo các thông tin này, dường như yêu cầu của VVF đối với SeABank về việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán gốc và lãi số tiền 150 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar phát hành ngày 19.10.2011 là không có cơ sở và không thuộc trách nhiệm của nhà băng này.

"Chuyền bóng"?

Cũng với tất cả các lý lẽ mà SeABank đưa ra, dường như ''quả bóng'' trách nhiệm đang nằm trong tay và thuộc về cá nhân vốn là cựu lãnh đạo nhà băng này. Thông báo trước đó của SeABank cũng thể hiện rất rõ khi cho rằng, việc ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vina Megastar và một số đơn vị khác vượt thẩm quyền và không đúng thủ tục là sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của cựu Phó TGĐ Nguyễn Thị Hương Giang. Nhà băng này theo đó phủ nhận trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái pháp luật.

Ai đúng, ai sai và trách nhiệm thuộc về ai sẽ được cơ quan chức năng xác định trong thời gian tới. Song câu hỏi cần được đặt ra là, chứng thư bảo lãnh trên đây có phải là thứ đồ giả và vô giá trị hay không, khi người ký nó (chỉ) vi phạm các quy định nội bộ của ngân hàng và quy trình phát hành nội bộ cũng của ngân hàng đó (?). Cá nhân bà Giang hay chi nhánh do bà này làm giám đốc kiêm nhiệm không có tư cách pháp nhân khi phát hành bảo lãnh cho VVF. Tư cách pháp nhân ở đây thuộc về SeABank.

Hơn nữa, việc ký phát hành bảo lãnh vượt thẩm quyền như lý lẽ SeABank dẫn ra cũng là sai phạm trong quy định nội bộ của ngân hàng mà thôi. Có ý kiến cho rằng, việc xử lý đối với các sai phạm nội bộ của cựu lãnh đạo SeABank trên đây là công việc của nội bộ ngân hàng này. Nhà băng không thể bắt khách hàng phải cùng gánh chịu.

Do đó, trách nhiệm của cá nhân hay nghĩa vụ pháp nhân trong vụ việc này cần được làm rạch ròi, xác định rõ và trong lúc chờ đợi, doanh nghiệp không thể cứ phải gánh chịu sự “bảo lưu quan điểm” trên đây cũng như các sai phạm do nhân viên của ngân hàng gây ra.

Theo Văn Nguyễn
lao động

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên