MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ “siêu lừa” Huyền Như: Luật sư cộng trừ lòng vòng, Chủ tọa nổi cáu

27-12-2014 - 10:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Con số bị cáo phải nộp theo phán quyết cấp sơ thẩm là 414 tỷ đồng. Bài bào chữa của luật sư buộc bị cáo phải nộp số tiền thu lợi bất chính là... 445 tỷ đồng.

11h50: Phiên tòa kết thúc. Thứ hai tòa sẽ bước vào phần đối đáp.

11h30: Cuối buổi sáng nay, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp tiếp tục phần bào chữa. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vũ Thị Kim Thịnh đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án đối với việc kê biên ngôi nhà tại chung cư Orient Apartment mà Huyền Như đã bán cho bà Thịnh. Luật sư cũng đặt vấn đề với HĐXX nếu không tuyên hủy thì ghi nhận việc mua bán hợp pháp giữa hai bên là có thật để bà Thịnh có thể giành quyền khởi kiện trong vụ án khác.

11h10: Luật sư Trịnh Bá Thân bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình) – bị quy kết tội Cho vay lãi nặng.

Bài bào chữa khá dài với hàng loạt con số cộng trừ của vị luật sư khiến chủ tọa phát cáu.

Vị chủ tọa phải ngắt lời luật sư để hỏi về con số mà theo kháng cáo của bị cáo là tòa cấp sơ thẩm quy kết không đúng. Sau vài phép cộng trừ, vị luật sư đưa ra con số 445 tỷ đồng.

Chủ tọa ngắt lời, và cho rằng con số bị cáo phải nộp theo phán quyết cấp sơ thẩm là 414 tỷ đồng. Bài bào chữa của luật sư buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền thu lợi bất chính.

Cũng tại phần bào chữa của ông Thân, VKS còn phải đề nghị HĐXX giải thích cho luật sư như thế nào là kê biên tài sản như thế nào là tịch biên tài sản.

11h00: Luật sư Chánh – người thứ hai bào chữa cho bị cáo Việt Yên nêu quan điểm, cần làm rõ, ai là người trực tiếp chỉ đạo việc phê duyệt hai tài khoản của bà Nguyệt và Năm thì mới làm rõ trách nhiệm của Việt Yên.

Dẫn nội dung vụ việc, bối cảnh đối với việc phê duyệt hai hồ sơ, luật sư nói rằng, Võ Anh Tuấn đã liên lạc bằng điện thoại với Hồ Hải Sỹ. Sau khi lập tài khoản, Sỹ cũng đã nhắn tin thông báo cho Võ Anh Tuấn. Cho nên luật sư cho rằng, trong hành vi này, Võ Anh Tuấn mới là người phải có trách nhiệm.

Luật sư Chánh cho rằng, với hành vi của bị cáo Việt Yên, việc VKS tại phiên tòa phúc thẩm bác kháng cáo đối với xin giảm nhẹ hình phạt là chưa làm rõ bản chất của vụ việc.

10h40: Luật sư bào chữa cho bị cáo Lương Thị Việt Yên (SN 1973, quê Nghệ An) -Cựu trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần bị quy kết tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Việt Yên bị VKS tại tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hành vi của bị cáo Yên liên quan đến số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt liên quan đến hai tài khoản của bà Nguyệt và Năm (nhân viên Ngân hàng ACB).

Theo luật sư, bị cáo Yên không trực tiếp chỉ đạo phê duyệt hồ sơ sai quy trình. Trách nhiệm của Yên là chịu trách nhiệm đối với việc quản lý nhân viên.

Trình bày về nhân thân của bị cáo Yên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

10h15: Tại phần bào chữa, được nêu ý kiến, Nguyễn Trung Chí cũng thừa nhận đã làm sai quy định nội bộ của Ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, Chí mong HĐXX xem xét, việc số tiền thiệt hại liên quan đến hành vi của Chí có phải nguyên nhân trực tiếp từ việc làm sai của Chí không để trên cơ sở đó, HĐXX đưa ra phán quyết với bị cáo.

9h45: Trình bày tại tòa, luật sư Phúc cho rằng: Bản thân Chí không có động cơ phạm tội, không có mục đích vụ lợi, Chí cũng chỉ là nhân viên trong phòng giao dịch và làm theo chỉ đạo.

Ông Phúc nhìn nhận, bản án sơ thẩm chưa xem xét trách nhiệm của nhân viên ACB liên quan đến ủy thác.

Các nhân viên này đã thiếu trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc, lại giao phó tài khoản, thẻ tiết kiệm cho Huyền Như giúp siêu lừa chiếm đoạt tài sản.

Nhân viên ACB còn ký lệnh chi chuyển sang tiền tài khoản tiết kiệm mà chưa có tài khoản tạo thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Từ lập luận này, ông luật sư cho rằng, chính các nhân viên ACB tạo điều kiện thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt chứ không phải là nhân viên của Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng vi phạm quy định để Huyền Như lừa đảo.

Đặt vấn đề về hậu quả thiệt hại mà bị cáo Chí gây ra, luật sư viện dẫn hành vi của các lãnh đạo ACB đã gây ra hậu quả thiệt hại gần 719 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Chí cũng bị quy kết tội danh liên quan đến số tiền 719 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt, số thiệt hại chỉ bằng 1/3 nhưng mức án tòa sơ thẩm đưa ra rất nặng, “như vậy không đảm bảo công bằng với bị cáo”, luật sư nói.

Luật sư nhìn nhận, hành vi của bị cáo Chí chỉ là tai nạn nghề nghiệp, là nạn nhân của vụ lừa đảo. Chí không tiên lượng được đằng sau những bản hợp đồng gửi tiền của Huyền Như….

Ông Phúc đề nghị, HĐXX đánh giá vai trò sai phạm của bị cáo, xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Huỳnh Trung Chí.

9h30: Luật sư Phúc bào chữa cho bị cáo Huỳnh Trung Chí (SN 1987, quê Tây Ninh) - Cựu nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. Bị cáo Chí bị quy kết tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với mức án 15 năm tù giam. Xem xét tội danh và xem xét giảm nhẹ hình phạt. VKS tại tòa phúc thẩm cũng đã đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo dựa trên một số tình tiết giảm nhẹ.

Theo ông Phúc, bản chất của vụ án, các bị cáo đều là nạn nhân của Huyền Như. Ông luật sư cho biết, khi bị truy tố hành vi liên quan đến vụ án Huyền Như lừa đảo, Chí đã rất bất ngờ.

9h15: Luật sư Hà Mạnh Tường bào chữa cho bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, trú tại TP HCM)-Cựu Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.

Bị cáo Xuân Tiên kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS bác kháng cáo của bị cáo Xuân Tiên. Theo luật sư, những tình tiết mới bị cáo Xuân Tiên trình bày tại phần xét hỏi không được VKS xem xét.

Tình tiết mới mà luật sư trình bày tại phần bào chữa là những bản sao kê liên quan đến thời gian giải ngân các khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo trình bày, luật sư Hà Mạnh Tườngkhẳng định, có đầy đủ cơ sở kết luận có 5 hồ sơ liên quan đến ACB và Navibank bị Huyền Như chiếm đoạt không liên quan đến Xuân Tiên.

“Có chăng bị cáo Xuân Tiên liên quan 290 triệu đồng giải ngân ngày 9/8/2011. Đối với hợp đồng giải ngân này, khi giải ngân đã đầy đủ thủ tục”, luật sư nói.

Luật sư Tường đề nghị, HĐXX thận trọng xem xét đối với tội danh của bị cáo Tiên. Luật sư đề nghị hủy một phần bản án liên quan đến Vũ Nguyễn Xuân Tiên để điều tra lại, hoặc tuyên bị cáo Xuân Tiên vô tội.

8h50: Luật sư Thi – người thứ hai bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du tiếp tục cho rằng, liên quan đến hành vi của bị cáo Du là không cố ý, không vụ lợi…. Ông Thi cũng đề nghị HĐXX cân nhắc lại tội danh cho bị cáo Du.

Lần đầu tiên trả lời thẩm vấn, Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như khóc lóc than không biết Huyền Như đã lừa cả chị gái mình.

Mỹ Hạnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì mẹ đã già, có 3 con nhỏ. Bị cáo muốn xin được giảm án để sớm về nuôi con nhỏ.

Nêu ý kiến tại phần tranh luận, bị cáo Du cho rằng, vì cả tin Huyền Như nêu bị cáo mới vướng tội. Du rất dằn vặt và đau khổ. Du xin HĐXX xem xét lại tội danh.

“Nếu bị cáo có tội thì xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, Du nói.

8h30: Đối với hậu quả gây ra, luật sư Việt cho rằng, hậu quả gây ra của bị cáo Du là không cố ý. Thực tế, bị cáo Du cũng là nạn nhân Huyền Như.

Luật sư cũng dẫn công văn của lãnh đạo Vietinbank đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh đối với các bị cáo là nhân viên của Vietinbank trong vụ án Huyền Như trong đó có các bị cáo trong nhóm tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo văn bản mà ông luật sư dẫn tại phiên tòa, thì lãnh đạo Vietinbank cho rằng, hành vi của các bị cáo trong đó có Đoàn Lê Du chỉ là vi phạm quy định nội bộ…

Ông Việt đề nghị, HĐXX xem xét, hành vi của bị cáo Du chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự và đề nghị tuyên hủy án đối với bị cáo Đoàn Lê Du để điều tra lại đảm bảo đúng người, đúng tội.

8h25: Theo luật sư, sau bản án hình sự sơ thẩm, Du là người có nhiều đơn từ nhất. Bị cáo Du liên quan đến số tiền 240 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt. Đơn kháng cáo của Du xin xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa phúc thẩm, VKS cũng đề nghị HĐXX giữ nguyên tội danh và mức án đối với bị cáo này.

Tại phần bào chữa, ông Việt đưa ra quan điểm cho rằng, hành vi của bị cáo Du mới chỉ vi phạm quy định nội bộ của Ngân hàng Vietinbank chứ chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm để bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8h00: Phiên xử chính thức bắt đầu. Ngày hôm nay, HĐXX tiếp tục phần bào chữa của các luật sư đối với các kháng cáo còn lại.

Mở đầu, luật sư Việt - bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang) -Cựu Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.

Trong nhóm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đoàn Lê Du bị tòa sơ thẩm quy kết 17 năm tù giam. Mức án cao nhất trong nhóm tội danh này.

7h45: Các bị cáo có mặt, chuẩn bị cho phiên xét xử phúc thẩm ngày thứ 11.

Hôm nay (27/12), Tòa cấp phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Trong ngày làm việc hôm qua (26/12), các luật sư đã tham gia bào chữa cho các bị cáo;bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đơn vị liên quan....

Trong phần bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Vietinbank, Luật sư Lê Hồng Nguyên nêu quan điểm làmong HĐXX xem xét thấu đáo vụ án.

Ông Nguyên trình bày quan điểm bào chữa về kháng cáo của Công ty An Lộc đòi Vietinbank phải bồi thường, và đối đáp lại quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm đề nghị hủy một phần bản án, để điều tra tội Tham ô tài sản của Huyền Như.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – đại diện của Vietinbank đã đề nghị được nêu lên các vấn đề như: Quan hệ giữa Vietinbank với ACB và Navibank không phát sinh mối quan hệ nào; trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank về những giao dịch hợp pháp…

Quan điểm của đại diện Vietinbank cho rằng xuyên suốt toàn bộ vụ án đều thông qua những người trung gian để giao dịch trực tiếp với Huyền Như.Việc giao dịch được che lấp bởi những hợp đồng thật nhưng để che lấp những thỏa thuận ngầm phía sau, để hưởng lãi suất khổng lồ phía sau bản hợp đồng.

Theo quan điểm của đại diện Vietinbank mong muốn, HĐXX có một bản án đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ việc.

Luật sư Trương Xuân Tám – bảo vệ cho Vietinbank nêu quan điểm, số tiền 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông bị chiếm đoạt là tài sản của một ngân hàng mượn tài khoản của Công ty Phương Đông để gửi tiền lấy lãi.

Theo quy định, việc tổ chức tín dụng ủy thác gửi tiền để lấy lãi suất là điều NHNN cấm. Cho nên theo ông Tám, dòng tiền này là vi phạm. Và ông Tám cho rằng đây là nguyên nhân của hành vi lừa đảo.

“Hàng triệu triệu tài khoản khách hàng tại Vietinbank đều an toàn không bị Huyền Như chiếm đoạt”, ông Tám nói.

Đối với trách nhiệm của Vietinbank với số tài sản này, ông Tám phân tích: Huyền Như “giấu trên, lừa dưới”, Vietinbank không biết sự việc nên không thể quy kết trách nhiệm cho Vietinbank.

Đối với việc Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, cũng như quan điểm của luật sư trước đó, ông Tám cho rằng, theo quy định Huyền Như không có chức vụ quyền hạn trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank.

Trước đó, ngày 25/12, luật sư Nguyễn Thị Bắc – bào chữa cho Vietinbank cũng đã đưa ra những luận cứ bảo vệ quan điểm của Vietinabank tại phiên tòa này.

Theo quan điểm của bà Bắc, xuyên suốt hành vi của Huyền Như thể hiện tội danh lừa đảo. Bà Bắc bác kháng cáo của Ngân hàng ACB, Công ty SBBS và quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm về việc hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra hành vi tham ô tài sản của Huyền Như.

Theo Nhóm PV

hangnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên