MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 5 năm tới

15-05-2015 - 16:21 PM | Tài chính - ngân hàng

TS Bùi Quang Tín cho rằng, xu hướng M&A ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.

Nội dung nổi bật

Theo TS. Bùi Quang Tín

- Thời gian tới khi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đi vào hoạt động sẽ tăng sức ép cạnh tranh với ngân hàng nội

- Để vững vàng trong sân chơi lớn, các ngân hàng cần tăng vốn; nâng cao năng lực quản trị; nâng cao chất lượng nhân sự và đổi mới công nghệ...

- Ngoài ra khi AEC có hiệu lực, các ngân hàng cũng phải phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh để tận dụng cơ hội

- Việc tái cấu trúc ngân hàng ngoài tăng quy mô còn phải đảm bảo an toàn và có lộ trình phù hợp. Việc M&A là tất yếu, rất có thể xảy ra giữa các ngân hàng lớn với nhau.


Hiện nay tại Việt Nam có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài, hơn 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng tới đây khi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài thực sự đi vào hoạt động với đầy đủ các chức năng của nó, sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng ngoại sẽ ngày càng hiển hiện và lớn dần.

Áp lực cạnh tranh sẽ tạo ra sức ép lớn lên các ngân hàng trong nước, nhưng sức ép này là cần thiết và cũng là động lực cho các ngân hàng Việt Nam phải vươn lên. Các NHTM Việt Nam không chờ những tác động không mong muốn xảy đến mà họ đã và đang chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt những cơ hội và hạn chế những thách thức bằng tất cả nỗ lực để từng bước tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của chính mình.

Song, dường như những gì họ đã làm thời gian qua vẫn chưa đủ để cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại. Bởi tiềm lực tài chính của các ngân hàng nội đã tăng, song vẫn còn ở mức thấp; các dịch vụ ngân hàng từng bước đa dạng hóa nhưng vẫn còn đơn điệu; trình độ công nghệ đã cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do vậy, để các ngân hàng Việt Nam vững vàng trong “sân chơi lớn”, để giành thế chủ động trong hội nhập khi những hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ và lĩnh vực dịch vụ ngân hàng mở cửa hoàn toàn theo các cam kết quốc tế, đòi hỏi các ngân hàng phải thực thi các giải pháp mang tính quyết liệt hơn. Một số xu hướng chính sẽ xảy ra cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn mới 2016-2020 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng vốn  điều lệ

Vốn điều lệ là chỉ tiêu cơ bản để chứng minh sức mạnh tài chính của một NHTM, là căn cứ để tính toán các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Song thực tế là hiện nay, vốn điều lệ của các NHTM Việt nam vẫn còn quá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Đây là một bất lợi lớn đối với các ngân hàng trong nước khi hội nhập, đòi hỏi các ngân hàng phải có những giải pháp phù hợp để tiếp tục tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, các giải pháp tăng vốn đã sử dụng khó có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề vốn của các ngân hàng mà cần phải có những giải pháp mang tính đột phá và khả thi hơn, đó là:

• Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các NHTM Nhà nước đồng thời với việc hình thành các tập đoàn tài chính ngân hàng quy mô lớn.

• Tiến hành sáp nhập các NHTMCP nhỏ thành ngân hàng quy mô lớn để phát huy được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tận dụng được những thế mạnh hiện có của bản thân các ngân hàng này về mạng lưới cũng như hệ thống các khách hàng lâu năm.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng

Việc đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản trị sẽ được tiến hành trên các mặt sau:

• Tách bạch rõ và thực hiện đầy đủ hai chức năng là quản trị điều hành và quản lý kinh doanh giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành.

• Hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Hội sở chính đến các chi nhánh theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thông lệ quốc tế đi đôi với tiếp tục mở rộng hợp lý mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch và các kênh phân phối khác của ngân hàng. Chú trọng đa dạng hóa các kênh phân phối từ xa và các kênh phân phối điện tử, tự động nhằm giảm các chi phí. 

• Phát triển các kênh phân phối nước ngoài dưới hình thức hiện diện thương mại của các NHTM Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại những nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển với Việt Nam, chẳng hạn như Trung quốc hay một số nước ASEAN.

• Thu hút hơn nữa sự tham gia của các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược vào quản lý điều hành hoạt động của ngân hàng, qua đó, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, nâng cao năng lực quản lý và quản trị điều hành.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hoá công nghệ

Một trong những đặc thù của ngành ngân hàng là các sản phẩm có tính vô hình, nên công nghệ và con người là những yếu tố rất quan trọng. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các NHTM sẽ phải tiếp tục tập trung vào yếu tố con người, cụ thể là: xây dựng và phát triển một đội ngũ nhân sự đủ lớn mạnh về chất và lượng, xác định trách nhiệm và gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm của từng cán bộ, giao quyền chủ động và quyết định cho nhân viên, kích thích tinh thần sáng tạo, phát triển ý tưởng, đề cao tinh thần hợp tác và làm việc theo nhóm nhằm tăng khả năng chia sẻ tri thức và nâng cao chất lượng công việc.

Cùng với phát triển nhân lực, cần nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thanh toán và thanh toán liên ngân hàng trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo nên một hệ thống thông suốt và an toàn.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để đa dạng hóa hơn nữa dịch vụ ngân hàng, chú trọng tới các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và các kế hoạch hành động cụ thể để đảm bảo khi không còn sự bảo hộ và trợ cấp của Nhà nước, ngân hàng vẫn hoạt động được một cách hiệu quả.

Tất nhiên, so với yêu cầu, thách thức của việc hội nhập quốc tế, các ngân hàng nội còn quá nhiều việc phải làm. Hợp tác liên kết lại với nhau tạo sức mạnh tổng hợp trong cạnh tranh và phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô trên cơ sở sáp nhập các ngân hàng nhỏ lại với nhau là những hướng đi hợp lý của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong cả lộ trình hội nhập trước mắt.

Bên cạnh đó, AEC (Asean Economic Community: Cộng đồng kinh tế Asean) sẽ có hiệu lực trong năm 2015. AEC cho phép tự do hóa lưu chuyển lao động, vốn và hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN. Việc hội nhập sâu rộng này tạo ra nhiều cơ hội đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Việc hình thành AEC cho phép các doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế gia tăng cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển mạng lưới kinh doanh, phát triển thị trường, tạo cơ sở quan trọng cho các ngân hàng có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng các nhu cầu tài chính và dịch vụ ngân hàng. Cơ hội này đòi hỏi các NHTM phải tận dụng để phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh.

Việc hội nhập đặt ra yêu cầu cho các ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, là động lực thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu, hội nhập thành công cho các NHTM Việt Nam.

Đặc biệt, chính sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường sẽ là động lực buộc các ngân hàng trong nước phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động, tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn nhằm bảo vệ được vị trí của mình trước xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là tầm vóc mới của ngân hàng Việt Nam sau sáp nhập, sau tái cơ cấu sẽ được nâng lên mạnh mẽ cả về lượng và chất, không những sẽ giúp kiểm soát, bảo vệ, tăng trưởng được thị phần trong nước, mà còn là cơ sở để phát triển kinh doanh ra các nước khác trong khối, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững. Rõ ràng đây thực sự là cơ hội cho hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu mạnh mẽ; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, cơ hội thành công.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai mới ở trình độ cao hơn. Những yếu kém nói trên đã tồn tại từ lâu làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn và dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh và thị trường trong nước, quốc tế biến động bất lợi. Việc tái cấu trúc hệ thống NHTM trong thời gian tới nên tập trung thêm vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các ngân hàng lớn làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng; có những ngân hàng vừa và nhỏ, TCTD phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội.

Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của từng ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.

M&A ngân hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh. M&A ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối,… Do đó, xu hướng M&A ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hiện nay tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán. Lĩnh vực ngân hàng còn có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng  sáp nhập, hợp nhất.

TS Bùi Quang Tín

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên