MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: Cần có nguồn tiền thực sự mạnh và trao đặc quyền cho VAMC

25-08-2014 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải có một nguồn tiền thực sự để mạnh tay tái cấp vốn cho NHTM , cho phép họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DN Nhà nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính tiền tệ của Chính phủ trao đổi về quan điểm của ông đối với quá trình xử lý nợ xấu thời gian vừa qua.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, xử lý nợ xấu là một vấn đề cần có quyết sách lớn, lựa chọn 1 phương thức xử lý hiệu quả mà phương thức xử lý hiệu quả nhất đối với nợ xấu là xử lý bằng tiền của ngân sách và phải được xử lý trong một thời gian ngắn, nhanh, dứt điểm. Bởi càng để lâu thì DN phá sản càng nhiều hơn, khiến cho khả năng thu hồi vốn kém hơn đã đành, nhưng khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng chậm đi.

Tuy nhiên không phải nước nào cũng lựa chọn được cách tốt nhất đó bởi còn phụ thuộc vào nguồn lực và ý chí chính trị tức là sự đồng thuận chính trị khi dùng tiền của ngân sách để xử lý nợ xấu. Phần lớn các nước đi theo con đường trung lập, tức là dùng một phần tiền của ngân sách, một phần tiền của NHNN, một phần tiền của ngân hàng thương mại (NHTM).

Việt Nam cũng không có cách lựa chọn nào khác bằng cách dùng một phần tiền của các NHTM thông qua quỹ dự phòng rủi ro, một phần là tiền của NHNN thông qua trái phiếu đặc biệt và định chế tài chính-VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng).

Với cách làm như vậy phải xác định không thể xử lý nhanh được nợ xấu bỏi vì quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại ngày càng suy giảm, lợi nhuận thấp so với những năm trước đây, hiện chỉ còn một nửa. Cùng với đó nguồn tiền của NHNN là một dạng trái phiếu đặc biệt, được quyền vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Trung ương nhưng trong bối cảnh các NHTM đang dư thừa thanh khoản, họ cũng không có nhu cầu vay, cái mà các ngân hàng cần là một khoản tiền mặt để xóa nợ, bán nợ làm sạch bảng cân đối tài sản.

Theo kinh nghiệm của thế giới, các nước có cùng “thể trạng nợ xấu” tương tự như Việt Nam có cách làm như thế nào, thưa ông?

Ngay như kinh nghiệm của lần xử lý nợ trước (giai đoạn 2001-2004) của Việt Nam cho thấy, chỉ có xóa dứt điểm nếu thấy rằng con nợ hoàn toàn không có khả năng trả nợ và cũng không có khả năng thu hồi nợ trong dài hạn.

Trước đây giai đoạn 2001-2004, nếu nợ xấu có nguyên nhân khách quan được xem xét để xóa còn khoản nợ nào do nguyên nhân chủ quan thì xem xét dưới nhiều khía cạnh trong đó xử lý hành chính, tái cấu trúc.

Thời điểm đó để xử lý nợ xấu chúng ta có những quyết sách mạnh mẽ. Hiện giờ khối lượng nợ cũng lớn, nhưng sự đồng thuận về công luận yếu hơn, kỷ luật thị trường kém hơn nên việc đưa ra những quyết sách đột phá giống giai đoạn trước là khó.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là nếu không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình trạng giống như Nhật Bản những năm 1990. Khi đó lúc đầu Nhật Bản nghĩ là nợ xấu của họ ít nhưng sau phát hiện là nợ lớn hơn đến 20 lần con số mà người ta báo cáo. Mặc dù vậy ai cũng nghĩ rằng nợ xấu và đóng băng tín dụng chỉ là tạm thời và cuối cùng dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản sụp đổ hoàn toàn, nhưng khi thị trường bất động sản sụp đổ rồi thì người ta lại nghĩ chắc vài ba năm sẽ hồi phục, tình hình ngân hàng vài ba năm sẽ được cải thiện nhưng thực tế không như vậy. Thực tế là các ngân hàng nhỏ và nhiều DN phá sản, Nhật Bản rơi vào tình trạng thiểu phát và đình đốn kinh tế kéo dài 15 năm, gọi là “thập kỷ mất mát”.

Ông có quan ngại rằng Việt Nam đang dẫm lên bước chân của Nhật Bản?

Đến thời điểm này tình hình xử lý nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức như thế, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi chậm, tuy nhiên lòng tin của thị trường còn thấp và rủi ro của thị trường cũng lớn.

Việc xử lý nợ xấu chậm dẫn đến số lượng DN phá sản đang có chiều hướng tăng lên, số lượng DN mới ra đời năm ngoái khá, năm nay bắt đầu chậm lại cho thấy vấn đề xử lý nợ xấu và phục hồi tăng trưởng tín dụng là then chốt và thiết yếu của nền kinh tế trong giai đoạn này, hai vấn đề này phải được giải quyết thì mới đẩy nhanh được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nếu đến cuối năm 2015, gian đoạn cuối của nhiệm kỳ 5 năm phát triển kinh tế-xã hội, NHNN và các NHTM có biện pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu và áp dụng chuẩn mực quản trị hiện đại thì đầu 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khả quan hơn, rủi ro thị trường thấp hơn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng hơn.

Theo ông những biện pháp đột phá đó là gì?

Đột phá là có hai vấn đề lớn.

Một là tăng quyền lực của VAMC. Đây không chỉ là cơ quan giải quyết nợ xấu không có tỳ vết gì về vấn đề pháp lý bởi những khoản nợ như vậy dành cho các NHTM tự xử lý được, mà VAMC cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua những khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý. Sau khi mua rồi thì tìm nhà đầu tư để bán và bán xong thì hoàn tất được thủ tục về quyền sở hữu và quyền sử dụng cho nhà đầu tư. Nếu VAMC mua nợ xong rồi còn phải mang bộ chứng từ đến chính quyền địa phương để hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ thì cũng phức tạp mà người nước ngoài không chấp nhận chuyện này.

Trong quá trình xử lý nợ, nếu giao cho VAMC một số đặc quyền như vậy thì chúng ta phải chấp nhận sẽ có xung đột với một số quy định luật pháp nhưng đây chỉ là áp dụng tạm thời cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu, khi hoàn tất công việc đó thì thôi.

Hai là phải có một nguồn tiền thực sự để mạnh tay tái cấp vốn cho NHTM nhất là thương mại quốc doanh, cho phép họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DN Nhà nước do rủi ro thị trường hoặc nợ của người nông dân gặp thiên tai mất mùa, rủi ro thị trường. Nếu do nguyên nhân chủ quan thì phải xử lý theo nhiều cách như thu hồi, tái cơ cấu…

Như vậy nếu chúng ta vừa dùng tiền mặt mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường nhanh chóng, sòng phẳng vừa dùng lượng tiền mặt đó để xóa nợ thì mới tạo ra được đột phá, đặc biệt là tạo lòng tin cho NHTM tài trợ vốn cho DN nhất là DN đang có khả năng hoạt động. Nếu làm được như vậy thì tín dụng sẽ tăng trở lại, thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn và gánh nặng về nợ xấu cũng nhẹ đi.

Trong trường hợp các biện pháp nói trên không thể thực hiện được, cách duy nhất còn lại là để VAMC mua lại phần lớn nợ xấu còn tồn đọng, kể cả nợ còn có vấn đề thủ tục mà sự phối hợp của các ngành liên quan có thể xử lý được theo cách “nhốt nợ” để giải quyết dần trong tương lai. Tuy nhiên theo cách này rủi ro hệ thống ngân hàng và rủi ro đình trệ kinh tế là rất lớn.

Trong 3 chương trình tái cấu trúc ngân hàng, đầu tư công và DN Nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng là cấp bách nhất, tạo điều kiện cho hai chương trình kia thành công. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam để quyết định có đầu tư không. Nếu tiến trình khả quan họ vẫn sẵn sàng đầu tư kể cả vẫn còn DNNN hay bất cập trong đầu tư công nhưng nếu nhìn thấy dấu hiệu tái cấu trúc ngân hàng chậm lại là nhà đầu tư sẽ mất lòng tin lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

>>> Công ty xử lý nợ, vừa đi vừa ...lắp

Theo Hồ Huệ

hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên