MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: Đường cho VAMC đã "thoáng" nhưng chưa "thông"

09-04-2015 - 09:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Bình luận về các điều kiện mua bán, xử lý nợ xấu vừa được "cởi trói" là tin vui cho hoạt động của VAMC,song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vẫn chưa đủ mạnh để VAMC hoạt động là "bộ máy quét nợ xấu".

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Quan điểm trên được TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra khi trao đổi với Infonet ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo nội dung Nghị định này, VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. VAMC được phát hành trái phiếu theo 4 phương thức: đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; đại lý phát hành; và bán trực tiếp.

Trái phiếu của VAMC do tổ chức tín dụng nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, vốn điều lệ của VAMC cũng được nâng lên gấp 4 lần, từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Thưa ông, với một loạt những điều kiện hoạt động mới trong mua bán, xử lý nợ xấu mà VAMC vừa được bổ sung, liệu hoạt động xử lý nợ xấu của công ty này sẽ sôi động hơn sau một thời gian dài trầm lắng?

Trước tiên phải khẳng định đây là tin vui đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC khi một số điều kiện “tắc” lâu nay về vốn, hình thức mua bán nợ… được “cởi trói”. Trước nay, VAMC vẫn mua nợ xấu và trả cho các ngân hàng trái phiếu đặc biệt, đây thực chất là hình thức “mua nợ chịu”. Giờ với quy định mới, hình thức mua nợ của VAMC sẽ chuyển sang “mua nợ thật, trả tiền thật”. Song muốn trả "tiền tươi thóc thật" cho các khoản nợ đã mua thì VAMC phải có đủ “lực” nguồn vốn tự có.

Đơn cử, hiện tại VAMC đã mua được trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu, giả sử số nợ xấu này được mua theo giá thực thì VAMC phải phát hành ra 100.000 tỷ trái phiếu có tính thanh khoản để các ngân hàng cầm trái phiếu này giao dịch trên thị trường tài chính. Muốn vậy, VAMC phải có thực lực tài chính và thường đòn bẩy tài chính tối đa phải là 10/1.  Nghĩa là, VAMC muốn bán 100.000 tỷ trái phiếu ra thị trường thì phải có vốn chủ sở hữu khoảng 10.000 tỷ đồng.

Nên với 2.000 tỷ đồng mới được cấp của VAMC thì với hình thức mua theo giá thị trường, nếu mỗi món nợ trị giá 500 tỷ đồng, thì cũng chỉ mua được 4 khoản như vậy là đã “cạn” vốn. Muốn mua thêm những khoản nợ với giá trị lớn hơn, tới vài chục ngàn tỷ đồng, thì VAMC phải được bổ sung thêm vốn, hoặc huy động nguồn vốn từ bên ngoài để có tiền tươi trả cho các nhà băng đã bán nợ. Do đó, tuy trong bối cảnh hiện nay việc bổ sung vốn điều lệ cho VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng đã là một nỗ lực lớn, song e rằng số vốn này cũng không thấm tháp vào đâu với con số nợ xấu “khủng” mà VAMC sẽ phải mua từ các tổ chức tín dụng thời gian tới.

Trong trường hợp này, nếu không được cấp thêm vốn, VAMC không còn cách nào khác là phải tìm vốn từ nước ngoài để có nguồn trả tiền tươi thóc thật cho các ngân hàng khi mua nợ.

Hiện có nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài rất quan tâm tới việc mua lại các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, nhưng còn đắn đo, chần chừ. Liệu với cơ chế được “cởi trói” lần này, NĐT ngoại sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận mua lại các khoản nợ xấu?

Thực ra, vướng mắc nhất của NĐT nước ngoài khi muốn mua nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là họ mua nợ rồi vẫn không thanh lý được. Giả sử họ mua các khoản nợ thế chấp bằng tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng cơ chế để giải quyết, thanh lý loại tài sản đảm bảo này hiện còn rất vướng. Mua về rồi, họ không bán được, không sở hữu, cũng không chuyển nhượng được…. Chẳng có NĐT nước ngoài nào dám mạo hiểm vào mua nợ khi mà tài sản thế chấp không giải quyết được. Nên, dù có nhiều NĐT nhòm ngó thì họ vẫn chỉ đứng nhìn, quan sát ở vòng ngoài chứ không thể tham gia vào thị trường mua bán nợ này.

Theo các chuyên gia, Thông tư 02 chính thức được áp dụng từ đầu tháng 4/2015 khiến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng "phình to" hơn

Để có thị trường nợ thật sự có tính thanh khoản thì quy định pháp luật về giải quyết tài sản đảm bảo, thanh lý tài sản thế chấp phải rất thông thoáng để người chủ nợ trước kia là ngân hàng thương mại sau đó chuyển sang VAMC, rồi trong tương lai có thể chuyển sang NĐT nước ngoài phải được pháp luật bảo vệ. Nhưng tiếc là cho tới bây giờ pháp luật đang bảo vệ người đi vay 1 cách mạnh mẽ nên những tranh chấp trong giải quyết tài sản đảm bảo còn rất khó khăn. Người cho vay luôn trong thế bị động, thiệt thòi. Luật pháp phải thay đổi, thậm chí là có thể ban hành đạo luật riêng cho việc giải quyết nợ quốc gia thì lúc đó NĐT mới mặn mà mua nợ.

Như vậy, nghĩa là đầu vào dù có thoáng hơn nhưng đầu ra vẫn chưa được khơi thông?

Đúng vậy, từ đầu tháng 4/2015 Thông tư 02 đã được áp dụng, do đó có khả năng nợ xấu sẽ tăng lên. Vấn đề giải quyết nợ xấu vô cùng quan trọng, không phải chỉ xem nợ nằm trong ngân hàng mà phải tính tổng nợ nằm ở VAMC.

Cần tạo điều kiện để NĐT nước ngoài sử dụng, sở hữu tài sản bảo đảm và chuyển đổi nợ thành cổ phần góp vốn. Ngoài ra, cần xây dựng một thị trường mua bán nợ do một cơ quan chức năng quản lý, chẳng hạn VAMC, trong đó các đối tác có thể trao đổi thông tin và đàm phán. VAMC có thể đóng vai trò trung gian mua nợ từ ngân hàng và bán cho NĐT, hay chỉ đóng vai trò môi giới giữa ngân hàng bán nợ và NĐT… Thị trường mua bán nợ không chỉ dùng cho nợ xấu mà ngay cả nợ tốt cũng có thể trao đổi mua bán.

Tiếc là tại Nghị định mới lần này chỉ quy định nâng vốn cho VAMC và cho VAMC quyền phát hành trai phiếu để mua nợ theo thị trường, chứ những quy định pháp luật để hoàn thiện, tạo ra môi trường thuận lợi cho vấn đề mua nợ, đặc biệt là vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo… vẫn bỏ ngỏ.

Lâu nay VAMC vẫn được ví như “người trung chuyển nợ” của các tổ chức tín dụng, hơn là công ty xử lý nợ. Vậy, nếu VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá thị trường thì ông có kỳ vọng VAMC sẽ trở về đúng với vai trò hoạt động của mình là bộ máy xử lý nợ xấu?

Thực tế, trước nay VAMC vẫn khoác trên mình vai trò là “bãi đỗ xe cho nợ xấu” do vướng nhiều điều kiện trong hoạt động của mình. Lần này, dù đã được “nới van” trong điều kiện xử lý, mua bán nợ xấu như tăng vốn lên gấp 4 lần, được phát hành mua nợ theo giá thị trường thay vì giá trị sổ sách… nhưng một khi những quy định pháp lý bị bỏ ngỏ, chưa hoàn thiện, thì VAMC vẫn sẽ chỉ đóng vai trò là “người trung chuyển nợ” chứ không thể là bộ máy giải quyết nợ xấu tận gốc như mục tiêu đề ra.

Theo Nguyễn Hoài

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên