MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: Ngoại lệ để cứu sự đã rồi?

12-03-2016 - 21:04 PM | Tài chính - ngân hàng

“Nợ xấu là một sự đã rồi. Không thể cứ để đã rồi mãi tại VAMC với lượng lớn hiện nay”...

Ngày 10/3, Reuters đưa tin, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chuẩn bị cho phép các ngân hàng thương mại được đổi nợ xấu thành cổ phần tại doanh nghiệp mắc nợ.

Theo Reuters, chính sách trên sẽ giúp các công ty giảm đòn bẩy, giảm chi phí trả lãi và giúp họ tăng khả năng vay vốn mới. Nó cũng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng và giảm số tiền mặt phải dự phòng rủi ro.

Trông người, ngẫm ta. Liệu Việt Nam có làm theo cách đó để xử lý nợ xấu, khi mà một trong những biện pháp chủ yếu hai năm qua là đẩy mạnh bán lại cho VAMC, lượng lớn nợ xấu vẫn đang nằm tại đây?

Gỡ hai điểm trở ngại

Thực ra, chuyển nợ xấu thành vốn góp tại doanh nghiệp là một giải pháp được chú ý với nhiều ý kiến thảo luận trong năm 2015. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, cho phép doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp.

Về thực tiễn, năm 2012, thị trường cũng đã ghi nhận trường hợp Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chuyển nợ thành vốn góp tại Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) sau khi nhận sáp nhập Habubank và trực tiếp tái cơ cấu doanh nghiệp này; cuối 2014 là sự kiện Ngân hàng Công thương (VietinBank) với kế hoạch chuyển nợ thành vốn góp tại các thành viên Tổng công ty Hàng hải (Vinalines)…

Nay, nhìn sang hướng đi của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với thông tin cập nhật trên, một lần nữa giải pháp này lại được chú ý.

Đọc tin từ Reuters, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, đến lúc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét một cách đầy đủ, xứng đáng đối với hướng giải pháp xử lý nợ xấu bằng chuyển thành vốn góp tại doanh nghiệp.

“Nợ xấu là một sự đã rồi. Không thể cứ để đã rồi mãi tại VAMC với lượng lớn hiện nay. Cần có thêm những chuyển động thực tế hơn nữa trong xử lý. Chuyển nợ xấu thành vốn góp là một giải pháp có hiệu quả nếu làm đúng hướng và giám sát chặt chẽ”, lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Như trên, tại Việt Nam bước đầu cũng đã có gợi mở về pháp lý và thực tiễn. Nhưng vì sao giải pháp đó chưa được đẩy mạnh và phát huy giá trị mở rộng?

Có hai điểm trở ngại mà người trong cuộc trên lý giải: quy định pháp lý hiện nay giới hạn vốn góp của ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của mình; thứ hai, mức vốn góp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

Đó là hai giới hạn mà các ngân hàng thương mại sẽ khó thực hiện khi xử lý nợ xấu bằng giải pháp chuyển nợ thành vốn góp tại các doanh nghiệp, nếu được phép.

Bởi lẽ, theo quy định trên, các ngân hàng chỉ được phép chuyển nợ thành vốn góp tối đa 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì vai trò của ngân hàng chỉ là một cổ đông có tỷ lệ sở hữu hạn chế và không thể thực hiện trực tiếp tái cơ cấu và kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó được.

Thực tế cho thấy, thông thường các khoản dư nợ vay lớn hơn so với vốn điều lệ của doanh nghiệp rất nhiều lần, nếu chỉ chuyển nợ thành vốn góp tối đa 11% vốn điều lệ thì khoản dư nợ xấu được chuyển thành vốn góp cấn trừ nợ rất nhỏ so với dư nợ. Và dư nợ xấu còn lại không được chuyển thành vốn góp thì phải xử lý như thế nào?

Còn ở giới hạn tổng vốn góp của ngân hàng vào các doanh nghiệp không quá 40%, hạn chế lớn là thực tế tỷ lệ đã lấp đầy ở mức cao tại hầu hết các ngân hàng thương mại.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, nếu nâng giới hạn, quá trình sửa luật cùng sự đồng thuận, thông qua các cấp có thẩm quyền sẽ mất một thời gian dài, trong khi xử lý nợ xấu vẫn là yêu cầu nóng bỏng nhất nền kinh tế hiện nay.

Kích thích chuyển động

Theo ý kiến của vị lãnh đạo ngân hàng trên, nên chăng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có điều chỉnh kỹ thuật, cho phép các ngân hàng thương mại chuyển nợ xấu thành vốn góp vào doanh nghiệp không thuộc các giới hạn trên.

Giả dụ, nếu tháo gỡ được hai giới hạn đó, cũng như cơ chế cho phép ngân hàng chuyển nợ xấu thành vốn góp được mở rộng, thì điều gì sẽ xẩy ra?

Nhiều ý kiến trước đây từng quan ngại: mở cơ chế này các ngân hàng thương mại sẽ ồ ạt chuyển nợ xấu thành vốn góp, vừa nhanh chóng làm đẹp sổ sách, vừa giảm áp lực trích lập dự phòng, trong khi thực tế nợ xấu vẫn nằm đó.

Tuy nhiên, ở ý kiến khác, để hạn chế tình trạng trên, việc xem xét các trường hợp cho ngân hàng chuyển nợ xấu thành vốn góp tại các doanh nghiệp cần phải xây dựng quy định cơ chế, tiêu chí rõ ràng trên cơ sở căn cứ tình hình sức khỏe và triển vọng phục hồi cụ thể của từng doanh nghiệp.

Mặt khác, cơ chế chỉ nên tập trung cho chuyển nợ thành vốn góp vào các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề mà Chính phủ ưu tiên tăng trưởng tín dụng.

Thứ nữa, các ngân hàng tham gia chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp phải cam kết có lộ trình thoái toàn bộ phần chuyển nợ thành vốn góp từ 3-5 năm. Qua đó, ngân hàng gắn chặt trách nhiệm với yêu cầu và hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp đó - cũng là cơ sở tiền đề để các ngân hàng có thể thoái vốn sau khi doanh nghiệp phục hồi.

Theo quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng trên, cũng như điểm nhấn trong thông tin Reuters đề cập về hướng đi của Trung Quốc, giải pháp trên nếu áp các điều kiện và cơ chế giám sát chặt chẽ, khi đi vào thực tiễn sẽ giúp các doanh nghiệp có nợ xấu giảm đòn bẩy, giảm chi phí trả lãi và giúp họ tăng khả năng vay vốn mới; các ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng.

Liên quan, nguồn vốn cho vay mới ở đây cũng cần được cơ chế phân loại không thuộc nhóm nợ xấu.

Khi chuyển nợ xấu thành vốn góp, ngân hàng gắn trực tiếp trách nhiệm và lợi ích tái cơ cấu để phục hồi doanh nghiệp đó, để tăng khả năng thu hồi nợ/vốn. Một yêu cầu quan trọng trong tái cơ cấu là nguồn vốn - điều mà các ngân hàng có thế mạnh về nguồn và sát sườn hơn trong quản lý.

Với giải pháp trên, một mặt quá trình xử lý nợ xấu có những chuyển động thực sự, thay vì xếp hàng chờ xử lý tại VAMC hiện nay. Mặt khác, khi ngân hàng trở thành cổ đông và trực tiếp tham gia tái cơ cấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó cũng chuyển động.

Sự chuyển động trên kéo theo các hiệu ứng và tương tác cung - cầu trong nền kinh tế. Ví như tại Bianfishco, hàng nghìn công nhân tiếp tục có việc làm, các hộ nông dân nuôi cá có đầu mối mua và tiêu thụ, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được thực hiện…

Dĩ nhiên, những chuyển động đó cần một quá trình để có thể ngon trơn trở lại, hay tái cơ cấu doanh nghiệp thành công cần có thời gian, cần thêm sự quyết liệt đồng bộ của ngân hàng, doanh nghiệp và các ban ngành, địa phương.

Còn thực tế hiện nay, đã bốn năm trôi qua kể từ khi nợ xấu và xử lý nợ xấu được đặt ra một cách rõ ràng và bức thiết, hướng giải pháp trên vẫn chưa thực sự được đưa vào thực tiễn. Trong khi đó, một lượng lớn nợ xấu vẫn nằm ở VAMC, chờ xử lý và trông chủ yếu vào mức trích lập dự phòng hàng năm của các ngân hàng thương mại.

Theo Minh Đức

VNEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên