MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu nhìn từ góc cạnh quản trị ngân hàng của các NHTM

31-01-2015 - 08:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Một ngân hàng yếu kém trong quản trị sẽ không chỉ gây tổn thất cho chính ngân hàng đó, mà còn tạo nên những rủi ro nhất định mang tính dây chuyền cho các đơn vị khác và ngược lại.

Tóm tắt:

- Vấn đề quản trị doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết, riêng với ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền thì vấn đề quản trị lại càng có ý nghĩa hơn.

- Ngân hàng yếu kém trong quản trị có thể gây rủi ro dây chuyền cho các đơn vị khác

- Tuy nhiên ở Việt Nam, quản trị ngân hàng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: thiếu khuôn khổ pháp lý cho quản trị; nhược điểm trong mô hình tổ chức; chưa quan tâm đúng mực đến quản trị nội bộ...


Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và đặc biệt là kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, vấn đề quản trị doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế.

Quản trị DN tốt đồng nghĩa với khả năng tiếp cận tài chính, đầu tư dễ dàng hơn và càng nâng cao giá trị tăng trưởng của các DN. Các ngân hàng thương mại (NHTM) với đặc thù là các tổ chức kinh doanh “tiền”, có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn thì vấn đề quản trị lại càng có ý nghĩa hơn, đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, khi ngân hàng là nguồn tài chính bên ngoài cực kỳ quan trọng đối với DN.

Một ngân hàng yếu kém trong quản trị sẽ không chỉ gây tổn thất cho chính ngân hàng đó, mà còn tạo nên những rủi ro nhất định mang tính dây chuyền cho các đơn vị khác và ngược lại. Rõ ràng, khả năng chống đỡ của ngân hàng càng cao, khả năng hỗ trợ cho khu vực DN sẽ càng lớn. Thời gian tới, khi hàng loạt các ngân hàng ngoại sẽ ồ ạt "đổ bộ" vào Việt Nam, chắc chắn những đòi hỏi về công tác quản trị ngân hàng (QTNH) sẽ càng gay gắt hơn đối với ngân hàng nội.

Phải nói rằng, ở bất cứ nền kinh tế nào quản trị nói chung và QTNH nói riêng luôn có tầm quan trọng đặc biệt và là chìa khoá để giúp các DN thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược của mình, bảo đảm sự phát triển bền vững. Song, thực tiễn QTNH ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ không ít những hạn chế mà nếu không khắc phục được thì các NHTM Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, và đặc biệt sẽ rất khó đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của Việt nam trong năm 2015 xuống dưới 3%. Những hạn chế có thể kể đến là:

Thứ nhất, thiếu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản trị

Trên thực tế từ trước tới nay, bộ luật liên quan trực tiếp tới các hoạt động tín dụng, hay tổ chức tín dụng lại không hề có mục nào đề cập cụ thể tới các vấn đề tổ chức và quản trị. Kể cả trong Luật DN 2005, vấn đề về quản trị DN của NHTM dường như vẫn bỏ ngỏ. Luật doanh nghiệp 2014 (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2015) cũng chỉ đề cập đến quản trị doanh nghiệp một cách sơ sài trong các quy định về tiêu chuẩn của chủ sở hữu doanh nghiệp, Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hay Kiểm sát viên (phải có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp).

Mặt khác, trong suốt thời gian qua, chúng ta vẫn thiếu hẳn một hệ thống pháp luật đầy đủ trong công tác quản lý tổ chức và quản trị. Không có luật, NHTM phải dựa vào các Nghị định để tự xây dựng cơ chế quản trị cho riêng ngân hàng mình. Bất chấp việc Việt Nam đã cho ra đời hàng loạt những bộ luật mới để chuẩn bị cho giai đoạn mới về việc hòa nhập sâu rộng hơn vào kinh tế quốc tế, nhưng các văn bản pháp lý về tổ chức, QTNH vẫn “như cũ”, thậm chí có một số điểm không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hoạt động của NHTM ngày nay. Trong khi đó, điểm yếu của hệ thống NHTM Việt Nam chính là nguồn vốn điều lệ còn thấp, nguồn nhân lực, cán bộ nhân viên được đào tạo nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ hai, mô hình tổ chức và quản lý hiện tại bộc lộ một số nhược điểm

Mô hình tổ chức và quản lý hiện tại được phân biệt chủ yếu theo chức năng với hai cơ cấu quyền lực là cấp quản trị điều hành và cấp quản lý kinh doanh.

Cấp quản trị điều hành là Hội đồng quản trị (HĐQT) gồm Chủ tịch HĐQT và một số thành viên chuyên trách, làm việc theo chế độ tập thể. Về nguyên tắc HĐQT thực hiện chức năng quản lý đối với mọi hoạt động của NHTM, chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn; ban hành điều lệ, các cơ chế, qui chế tổ chức và hoạt động của ngân hàng.

Cấp quản lý kinh doanh là Ban điều hành gồm Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và các phòng ban tham mưu giúp việc tại hội sở chính. Cấp trực tiếp kinh doanh gồm các đơn vị hạch toán độc lập, các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, các đơn vị sự nghiệp và đơn vị hùn vốn kinh doanh.

Thực tế vai trò của HĐQT và Ban điều hành ở một số NHTM chưa được phân tách rõ ràng. Do vậy, HĐQT có thể bị rơi vào trường hợp: hoặc là không tập trung được các luồng thông tin chủ yếu về hoạt động của ngân hàng để xây dựng, kiểm tra các mục tiêu chiến lược và các quyết định phòng ngừa rủi ro; hoặc lại tham gia quá sâu vào các hoạt động thường ngày của hoạt động quản lý.

Vẫn còn tình trạng các phòng ban nghiệp vụ từ hội sở chính và chi nhánh được phân nhiệm theo nghiệp vụ và cắt khúc theo địa giới hành chính, chưa chú trọng phân nhiệm theo nhóm khách hàng và loại dịch vụ như thông lệ quốc tế. Đây là hạn chế lớn nhất về cấu trúc quản lý và phát triển sản phẩm mới đối với NHTM. Đồng thời lại thiếu các bộ phận liên kết các hoạt động, các quyết định giữa các phòng ban nghiệp vụ, tạo điều kiện cho HĐQT và Ban điều hành bao quát toàn diện hoạt động và tập trung nhân lực, tài lực vào các định hướng chiến lược. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về phân tích, dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá nguồn lực và xác định tầm nhìn trung, dài hạn vốn là công cụ quản lý cơ bản của các NHTM hiện đại vẫn còn thiếu, do vậy, nhìn chung các NHTM còn khá lúng túng trong việc hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.

Thứ ba, vấn đề quản trị nội bộ chưa được quan tâm đúng mực

Quản trị nội bộ ngân hàng là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay, đó là tiền đề giúp các ngân hàng hoạt động tốt và chủ động nắm bắt những biến động trên thị trường. Quản trị nội bộ bao gồm nhiều mảng liên quan từ quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính đến quản trị khách hàng, quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu, quản trị thị trường, ... Nói chung là tất cả các hoạt động trong phạm vi nội bộ liên quan đến các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng.

Ở các nước, vai trò của quản trị nội bộ ngân hàng được đánh giá rất cao vì ngân hàng là một ngành kinh doanh nhạy cảm và thường xuyên đối mặt nhiều rủi ro, đặc biệt vấn đề đảm bảo khả năng thanh toán và chất lượng dịch vụ cung cấp. Ở Việt Nam, những biến động bất thường thời gian qua đã khiến các nhà ngân hàng chú trọng hơn đến quản trị nội bộ.

Song cái khó trong quản trị nội bộ ngân hàng không chỉ nằm ở nguồn nhân lực mà còn ở yếu tố công nghệ. Bởi nếu không có công nghệ thông tin thì hầu như các thông tin mà DN quản trị là rời rạc và không kịp thời. Nhờ công nghệ thông tin, ngân hàng quản lý được các thông tin quan hệ trong nội bộ và hoạt động tác nghiệp đang xảy ra trong ngân hàng và có được các thông tin hỗ trợ cho quản lý và điều hành. Tuy nhiên, để có một hệ thống công nghệ thông tin như vậy không phải NHTM nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư.

Thứ tư, một số nguyên nhân cơ bản khác về quản trị ngân hàng

Các ngân hàng chưa chú trọng quản trị danh mục cho vay dẫn đến tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhà nước cao và rủi ro hơn là nhiều NHTMCP được thành lập để phục vụ một số nhóm khách hàng ưu tiên cao. Đây là các doanh nghiệp “sân sau” hay có mối quan hệ mật thiết với các cổ đông lớn. Mức tín dụng cấp cho các đối tượng này là rất lớn với những điều kiện dễ dãi đã đẩy nợ xấu tăng cao; trong khi các quy định giám sát hầu như chưa thể chế tài trường hợp này.

Các ngân hàng chưa chú trọng đến công tác dự báo, chạy theo lợi nhuận, theo sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản và chứng khoán tập trung quá nhiều vốn cho những thị trường đầy rủi ro này, góp phần không nhỏ vào thổi phồng “bong bóng” bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua. Khi các lĩnh vực này, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu cho vay lĩnh vực này tăng nhanh. Nợ xấu không phải là mới phát sinh mà nó được tích luỹ trong một khoảng thời gian dài và mới đây, khi tình hình kinh doanh xấu đi kể từ năm 2008, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, khách hàng vay gặp nhiều khó khăn về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh thì nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu ngày càng rõ nét.

Nợ xấu vẫn còn cao trong thời gian gần đây phản ánh chính sách minh bạch hoá và giám sát chặt việc thống kê nợ xấu của ngân hàng: tình huống gia tăng nợ xấu phản ánh một điều rằng, NHNN đã và đang chủ trương minh bạch hoá quan hệ tín dụng, thông tin tài chính. Nhưng hầu hết các NHTM Việt nam hiện nay đều phân loại nợ dựa vào định lượng mà thiếu đi phần định tính như tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc phân loại nợ không phản ánh thực chất khoản nợ. Đồng thời các ngân hàng chỉ xếp phần nợ đến hạn không trả được vào nợ xấu (nhóm 3), trong khi phần còn lại của nhóm nợ vẫn là nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 2). Nhưng đồng thời nợ xấu trong thời gian gần đây cũng phản ánh năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các TCTD, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Trên đây là bốn nguyên nhân cơ bản nhìn từ góc cạnh quản trị ngân hàng của các NHTM đã góp phần tạo ra tỷ lệ nợ xấu trong thời gian vừa qua trên 3%. Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra trong năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, bên cạnh các cách thức phải thực hiện trong các bài viết trước, tác giả cho rằng việc khắc phục các vấn đề nêu trên là vô cùng quan trọng trong thời gian tới, để các NHTM cùng chung vai sát cánh với cả hệ thống chính trị, kinh tế đạt được mục tiêu trên mà Chính phủ đã đưa ra.

 

TS. BÙI QUANG TÍN

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên