MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 xu thế nổi bật nhất về người tiêu dùng Trung Quốc

02-08-2011 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Người Trung Quốc đang phải đổ tiền ra đầu tư ở nước ngoài vì lựa chọn đầu tư tại nội địa đang ít đi.

Sở hữu thú cưng

Ngày một nhiều người Trung Quốc mua thú cưng, thái độ của người Trung Quốc với việc sở hữu thú cưng đã thay đổi. Những gia đình một con, dân số già tạo điều kiện cho thú cưng trở thành một thành viên của gia đình.

Xu thế này ngày một thịnh hành hơn khi thu nhập khả dụng của người dân tăng cao hơn và người tiêu dùng có thể chăm sóc cho vật nuôi của mình tốt hơn. Số lượng thú cưng được nuôi tại Trung Quốc tăng 20% trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000. Chó được nuôi nhiều nhất, số lượng chó mỗi năm tăng 10% tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn bởi số liệu trên chỉ là số liệu đã được đăng ký.

Khi nhiều người nuôi thú cưng, các dịch vụ liên quan phát triển theo. Các trang web, mạng xã hội chuyên về thú cưng, cửa hàng đồ ăn cho chó phát triển mạnh. Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng quản lý tốt hơn lĩnh vực này. Các bác sỹ thú y phải thi tuyển. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định một con chó tại các thành phố lớn, trong đó bao gồm Bắc Kinh và Quảng Châu.

Chó cũng được coi như biểu tượng của người giàu có Trung Quốc. Đầu năm 2011, một tỷ phú than đá ở khu vực miền Bắc Trung Quốc mua một con chó Tây Tạng với giá 1,6 triệu USD trong khi một phụ nữ Trung Quốc mua một con tương tự với giá 600.000USD vào năm 2009. Một số giống chó phổ biến nhất thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc.

Du học

Trung Quốc có số lượng du học sinh lớn nhất thế giới. Ở thời điểm cuối năm 2010, khoảng 1,27 triệu sinh viên Trung Quốc đang học ở nước ngoài; cao hơn 24% so với năm 2009. Phần lớn sinh viên muốn học đại học ở nước ngoài để tránh các đợt thi tuyển đầu vào đầy căng thẳng tại đại học Trung Quốc.

Trưởng đại học Cambridge của Anh vào năm 2010 có 1.000 sinh viên Trung Quốc, tương đương khoảng 8,3% tổng sinh viên của trưởng.

Nhiều gia đình trung lưu Trung Quốc hiện đủ khả năng chi trả cho học phí của con họ ở nước ngoài. Trên thực tế, 93% du học sinh Trung Quốc đi học bằng tiền của gia đình.

Một số bậc cha mẹ Trung Quốc muốn con họ được tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, họ sẵn sàng chi 5.000USD để con học trại hè ở nước ngoài. Khoảng 60.000 trẻ Trung Quốc sẽ tham gia chương trình trại hè tại Mỹ năm nay.

Hàng xa xỉ

Thế giới hẳn không quá ngạc nhiên với việc nhu cầu hàng xa xỉ tại Trung Quốc tăng cao và các hãng kinh doanh đồ xa xỉ trên thế giới đổ xô đến thị trường nước này.

Tiêu thụ hàng xa xỉ tại Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 18%/năm từ năm 2010 đến năm 2015 và lên mức 27 tỷ USD vào năm 2015. Nếu dự báo này chính xác, Trung Quốc sẽ chiếm 20% thị trường hàng xa xỉ thế giới vào năm 2015.

Đối với nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, ví như Tiffany, thị trường Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc quý 2/2011 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2010.

Bất chấp suy thoái kinh tế năm 2009, nhu cầu đối với hàng xa xỉ tại Trung Quốc vẫn tăng tới 16% vào năm đó. Các hãng sản xuất hàng xa xỉ lập tức không bỏ qua xu thế này. Năm 2006, Gucci có 6 cửa hàng tại Trung Quốc nhưng hiện con số này đã lên mức 39. Hermes đã tăng gấp 4 lần số cửa hàng tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến nay.

Trung Quốc không chỉ hấp dẫn các hãng bán lẻ, Trung Quốc còn đang trở thành trung tâm sản xuất hàng xa xỉ. Khoảng 20% sản phẩm hàng xa xỉ của Prada được sản xuất tại Trung Quốc, trong khi đó LVMH dự kiến sẽ khởi động sản xuất rượu tại tỉnh xa xôi Ningxia Hui của Trung Quốc.

Công nghệ xanh

Dù Trung Quốc gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, người tiêu dùng giàu có Trung Quốc cũng quan tâm đến vấn đề môi trường như người tiêu dùng phương Tây.

Khoảng 84% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng chi tiêu thêm tiền để mua sản phẩm và dịch vụ mà họ coi như sạch và xanh. Cũng trong cuộc khảo sát mới đây, khoảng 74% cho biết họ đã mua sản phẩm xanh.

Doanh số bán các sản phẩm phương tiện chạy bằng điện, xe tiết kiệm nhiên liệu sẽ chiếm khoảng 7% tổng doanh số phương tiện tại Trung Quốc vào năm 2020 trong khi đó con số này tại Bắc Mỹ chỉ là 2%.

Xu thế này nhìn chung không chỉ giới hạn với người tiêu dùng: Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh với kế hoạch phát triển công nghệ xanh để giúp nước này trở thành nước sản xuất năng lượng tái sinh hàng đầu. Trung Quốc đầu tư 34,6 tỷ USD vào năng lượng tái sinh vào năm 2009, gấp đôi so với Mỹ.

Đầu tư bất động sản

Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế đầu tư vào thị trường bất động sản sau khi thị trường này tăng trưởng quá nóng trong nhiều năm, nhà đầu tư vì thế đang chuyển hướng ra nước ngoài.

Người Trung Quốc cho đến nay đã mua mạnh bất động sản tại nước như Mỹ, Canada, Úc và Anh. Các công ty bất động sản quốc tế như CBRE đã lập ra các chi nhánh để giúp người châu Á mua nhà ở nước ngoài.


Trang web bất động sản lớn nhất Trung Quốc Soufan Holdings đã liên tục tổ chức các tua đưa nhà đầu tư đến thành phố của Mỹ trong suốt 2 năm qua.

Người Trung Quốc thuộc nhóm nhà đầu tư mua nhiều bất động sản nhất tại London năm 2010, tương đương khoảng 11%.

Xu thế này không khỏi khiến thế giới ngạc nhiên bởi chính phủ Trung Quốc cấm công dân nước này mua nhiều hơn 50.000USD ngoại tệ/năm. Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn tìm cách lách luật, họ cùng với họ hàng gom tiền lại hoặc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Ngọc Diệp
Theo CNBC

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên