MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14 điều cần biết về Fed (P1)

17-09-2013 - 12:16 PM | Tài chính quốc tế

Bài báo trên tờ Business Insider đưa ra 14 câu hỏi và tự trả lời chúng với mong muốn giúp người đọc hiểu rõ hơn về Fed cũng như về cuộc họp quan trọng sắp tới của Fed.

Thị trường tài chính toàn cầu đang “nín thở’ chờ đợi cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ diễn ra trong hai ngày 17 – 18/9 tới. Tuy nhiên, có không ít người chưa hiểu rõ hoặc hiểu lầm về Cục dự trữ liên bang (Fed). Bài báo trên tờ Business Insider đưa ra 14 câu hỏi và tự trả lời chúng với mong muốn giúp người đọc hiểu rõ hơn về Fed cũng như về cuộc họp quan trọng sắp tới của Fed. 

1. Fed là gì? 

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là NHTW của nước Mỹ. Hãy bắt đầu với câu hỏi NHTW là gì, bởi cơ quan này tồn tại ở hầu hết các nước. Trên thực tế, do chủ nghĩa cá nhân được đề cao khiến nước Mỹ không ưa chuộng các cơ quan chính phủ tập trung, NHTW của Mỹ “sinh sau đẻ muộn” so với các NHTW khác. 

Các NHTW có nhiệm vụ kiểm soát lãi suất, cung tiền và giám sát hệ thống ngân hàng.

2. Fed được tổ chức như thế nào ?

Có thể nói cấu trúc của Fed rất khác biệt so với các NHTW khác. Ở Fed tồn tại 4 cấp: Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường mờ (FOMC), 12 ngân hàng chi nhánh và các ngân hàng thành viên khác nhỏ hơn.  

Hội đồng Thống đốc là bộ phận chịu trách nhiệm về phần lớn các chính sách tiền tệ. 7 người nằm trong hội đồng này được đề cử bởi Tổng thống, phải được Thượng viện thông qua và đưa ra các quyết định tại Washington. Ben Bernanke hiện là Chủ tịch của hội đồng này. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 1 sắp tới và mọi người đang ráo riết dự đoán về việc ai sẽ là người thay thế ông Bernanke. 

Cấp tiếp theo là FOMC - ủy ban gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc cùng với chủ tịch của 5 ngân hàng chi nhánh. FOMC thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở.
 
12 ngân hàng chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ nhỏ nhặt hơn. Chúng được đặt ở Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco. Mỗi ngân hàng có một chủ tịch và kiểm soát hàng nghìn ngân hàng thành viên trong khu vực đó. 

3. Các thành phố được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ. Khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về Đạo luật Dự trữ liên bang năm 1913, đã có rất nhiều ý kiến trì hoãn. Ví dụ, thượng nghị sĩ đến từ bang Missouri chỉ đồng ý nếu bang của ông trở thành bang duy nhất có 2 ngân hàng chi nhánh. 

4. Điều này nghe có vẻ phức tạp và độc đoán. Tại sao nước Mỹ phải có Fed? 

Như đã đề cập ở trên, nước Mỹ đã không có Cục dự trữ liên bang trong một thời gian dài. Điều đó có nghĩa cuối thế kỷ 19 là thời kỳ của những cú sốc kinh tế không thể kiểm soát. Chỉ đến năm 1907, khi chứng khoán giảm 50% và người gửi tiền đổ xô đến ngân hàng để rút tiền, người ta mới “hâm nóng” lại ý tưởng thành lập NHTW và cuối cùng cũng được Thượng viện cũng thông qua.

5. Vậy thì, Fed sẽ kiểm soát các cú sốc kinh tế? Bằng cách nào?  

Chúng ta đều biết rằng khi bạn gửi một khoản tiền, tiền không nằm im trong két sắt của ngân hàng cho đến khi bạn cần tiền và muốn rút tiền. Hầu hết số tiền được đem đi đầu tư và đây cũng chính là cách các ngân hàng làm ra tiền. Tất nhiên, có những luật lệ quy định số tiền dự trữ ngân hàng buộc phải có. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ: điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả người gửi tiền đều muốn rút tiền tại cùng một thời điểm? 

Đây chính là lúc Fed phải thực hiện vai trò của nó: người cho vay cuối cùng. 

6. Bằng cách nào? 

Câu trả lời có thể làm bạn hoảng sợ. Fed có quyền lực đặc biệt: in tiền. Theo lý thuyết, Fed có thể in tiền để giải cứu cá nhân hoặc tổ chức. Với vai trò là đồng tiền pháp định, đồng bạc xanh không bị neo vào bất cứ thứ gì (chế độ neo đồng USD vào vàng kết thúc từ năm 1971). 

Nếu bạn nhận định Mỹ đang trở thành Hy Lạp, điều đó hoàn toàn sai. Hy Lạp không có đồng tiền của riêng họ và phải được cứu bởi NHTW châu Âu. Mỹ thì khác, Fed có thể in thêm tiền! 

7. Điều này không bền vững?

In thêm tiền không giống như việc chỉ ngồi một chỗ và đổ một xe tải chất đầy những tờ bạc 100 USD vào nền kinh tế. Rất nhiều chính phủ đã cố gắng làm như vậy và điều tồi tệ đã xảy ra. Tin tốt ở đây là Fed theo dõi lạm phát rất chặt chẽ. 

Ban đầu, Fed tồn tại chỉ để kéo dài thời gian cho các ngân hàng hoặc định chế tài chính khi họ bị rút tiền ồ ạt. Tất nhiên, đã 100 năm trôi qua và những sự kiện như khủng hoảng tài chính đã thúc đẩy Fed thực hiện thêm những nhiệm vụ mới. 

Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên