MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 quan điểm sai lầm về tiêu dùng Trung Quốc

28-06-2012 - 19:52 PM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm và môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, đây là điều rất quan trọng để có thể kinh doanh thành công ở Trung Quốc.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 13,8% trong tháng 5, thấp hơn nhiều so với mức từ 16% đến 18% mà các chuyên gia đã dự đoán trước đó. Con số này khiến giới phân tích cho rằng điều thần kỳ mà tiêu dùng ở Trung Quốc tạo ra đã kết thúc. 

Tuy nhiên, những lo ngại này đã bị thổi phồng quá đáng. Thực tế thì chi tiêu tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Trong tháng 5, số xe BMW và Audi được bán ra ở Trung Quốc đã tăng lần lượt 31,5% và 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và môi trường kinh doanh ngày càng gay gắt, để đạt được thành công, các nhà quản lý thương hiệu cần phải tránh được những ngộ nhận về tiêu dùng ở Trung Quốc. 

Người Trung Quốc không chi tiêu nhiều cho ngôi nhà của họ

Theo Tom Doctoroff, CEO của hãng quảng cáo J. Walter Thompson, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ muốn bỏ ra số tiền tối thiểu cho đồ gia dụng. Ông tin rằng người Trung Quốc sẽ không chi nhiều tiền để mua các đồ gia dụng có thương hiệu trừ khi chúng là phương tiện để họ thể hiện đẳng cấp. Thay vào đó, họ thường chọn các nhãn hiệu có giá rẻ hơn mà vẫn đủ tốt từ các nhà sản xuất trong nước, chẳng hạn như Haier hay Gree.

Tuy nhiên, những kết luận của Doctoroff hoàn toàn sai lệch với kết quả khảo sát được nhóm nghiên cứu China Market Research Group thực hiện trên 500 người Trung Quốc có tài sản từ 500.000 USD trở lên. Khảo sát này cho thấy 90% trong số này ưa chuộng các nhãn hiệu nổi tiếng từ nước ngoài như Samsung và Siemens và cho rằng những sản phẩm này có chức năng và công nghệ tốt hơn. 

Đặc biệt hơn nữa, người Trung Quốc ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho phòng ngủ. Họ đặc biệt ưa thích ga trải giường và đệm chất lượng cao và đây không phải là những sản phẩm có thể thể hiện đẳng cấp với bạn bè.

Các công ty muốn thành công ở đây không nên bỏ lỡ xu hướng dịch chuyển quan trọng này: người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để thỏa mãn ý thích của bản thân. 

Người tiêu dùng Trung Quốc bị ám ảnh bởi những thứ đồ "lấp lánh"

Tất nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc luôn muốn thể hiện đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, tầng lớp siêu giàu ngày càng trở nên tinh tế hơn. Theo kết quả khảo sát thực hiện trên những người giàu có tài sản lớn hơn 10 triệu USD, phần lớn trong số này cho biết họ không còn cảm thấy hứng thú với các sản phẩm của Louis Vuitton, đơn giản là vì chúng quá phổ biến và lòe loẹt. Tầng lớp giàu có thực sự ở Trung Quốc đã chán ngấy với các nhãn hiệu “lấp lánh” và chuyển sự chú ý sang những sản phẩm khó nhận biết hơn. 

Bottega Veneta, nhãn hiệu với các đường nét thiết kế đơn giản mà tinh tế đang ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc. Các sản phẩm mang thương hiệu này không hề có logo bắt mắt và không phải ai cũng quen thuộc nhưng lại có thể dễ dàng được những người đã từng biết đến nó nhận ra.    

Người tiêu dùng Trung Quốc không coi trọng trải nghiệm

Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực marketing cho rằng người Trung Quốc thích những thứ bình thường hơn là những trải nghiệm đặc biệt. Tuy nhiên, suy nghĩ của họ đang thay đổi nhanh chóng. Người giàu Trung Quốc đang khao khát thực hiện những thứ mới lạ và xây dựng phong cách sống từ nhiều trải nghiệm. 

Đối với rất nhiều người Trung Quốc, trải nghiệm có nghĩa là phiêu lưu – lái máy bay riêng, câu cá ở những vùng xa xôi hẻo lánh trên khắp thế giới hay những chuyến đi mạo hiểm. Các sản phẩm của những thương hiệu North Face, Columbia và Jeep ngày càng được tiêu thụ mạnh với sự phát triển của các hoạt động ngoài trời. 

Minh Anh

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên