MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 bài học từ Nhật để giải quyết khủng hoảng tài chính Mỹ

08-01-2009 - 18:31 PM | Tài chính quốc tế

Bài học lớn nhất cho Mỹ: hành động cứng rắn hơn với các tổ chức tài chính, nên để các tổ chức tài chính ra đi nếu cần, dù tốn kém và gây ra tác động chính trị.

Mỹ có thể học được 4 bài học từ Nhật để tránh sai lầm và đưa nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.

 

Bài học 1: Hành động cứng rắn với các tổ chức tài chính

 

Từ khi khủng hoảng tài chính Mỹ bắt đầu vào tháng 8/2008, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã an ủi thị trường rằng họ sẽ không lặp lại sai lầm giống như Nhật trước đây.

 

Sức khoẻ của ngành tài chính Nhật khiến kinh tế nước này đi xuống trong nhiều năm. Tuy nhiên hiện nay khi ngân hàng Mỹ thiên về tích trữ tiền hơn cho vay, người ta đang lo ngại về khả năng Mỹ sẽ đi theo “vết xe đổ” của Nhật trước đây.

 

Thông điệp từ chính phủ Mỹ đã rõ ràng: phát triển kinh tế là ưu tiên số 1. Chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ Mỹ nên đưa ra một kế hoạch để vực dậy hệ thống tài chính càng nhanh càng tốt để nền kinh tế sớm vận hành bình thường.

 

Chìa khoá đưa đến sự hồi phục của ngành tài chính sẽ là bơm vốn vào các ngân hàng mạnh và đóng cửa ngân hàng yếu. Khi làm như vậy, nhà đầu tư sẽ có niềm tin tốt hơn vào ngân hàng còn tồn tại và tiếp tục đầu tư vốn vào các ngân hàng, ngân hàng lại có tiền cho vay.

 

Bài học lớn nhất từ Nhật là chính sách tiền tệ và tài chính tốt là cần thiết những không đủ để giúp kinh tế hồi phục. Chính phủ cần cứng rắn hơn trong việc đóng cửa ngân hàng dù có quy mô lớn nhưng hoạt động không hiệu quả. Chiến dịch này nên được bắt đầu với việc xem xét thật chặt chẽ sổ sách kế toán của từng tổ chức tài chính.

 

Ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại đại học Harvard và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhận xét:”Chúng tôi chỉ trích Nhật vì họ không quyết liệt với các tổ chức tài chính, tuy nhiên chính chúng tôi cũng khó khăn khi làm điều đó.”

 

Bài học 2: Không được tiến hành biện pháp ứng cứu theo kiểu “nửa vời”

 

Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp tài chính và tiền tệ. Tháng 12/2008, FED hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp chưa từng có là 0% đến 0,25%.

 

FED đồng thời cũng đưa ra chiến dịch dùng 600 tỷ USD để mau lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. FED còn cân nhắc tiến hành đặt mục tiêu lạm phát ở môt mức cố định trên mức 0%, điều này sẽ hiệu quả trong việc ngăn khả năng giảm phát.

 

Xét đến chính sách tiền tệ, Tổng thổng đắc cử Obama đang đưa ra kế hoạch giải cứu nền kinh tế trị giá 775 tỷ USD, tạo ra 3 triệu việc làm và tăng chi tiêu của chính phủ trong suốt 2 năm. Ngoài ra chính phủ còn ưu đãi thuế trong 1 năm nếu công ty đó có tuyển mới nhân công.

 

Kế hoạch của Tân tổng thống còn dành 300 tỷ USD để giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp. Một số người trong Quốc hội Mỹ lo ngại về khả năng thâm hụt ngân sách lớn, tuy nhiên bài học tiếp theo từ Nhật là những biện pháp ứng cứu nửa chừng sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế kém. Hậu quả tiếp theo sau đó là thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn.

 

Bài học 3: Thanh lọc để giúp thị trường phát triển

 

Năm 2002, khi Nhật bắt đầu tiến hành tái cơ cấu các ngân hàng, họ đã làm khá cương quyết. Thời điểm đó, chuyên gia kinh tế học Heizo Takenaka được bầu làm chủ tịch của nhóm cải cách tài chính của Chính phủ.

 

Kế hoạch của Takeneka thắt chặt việc kiểm toán các ngân hàng, buộc họ công bố số liệu tài chính minh bạch và tăng thêm vốn. Ngân hàng mạnh thâu tóm các ngân hàng yếu hơn.

 

Câu chuyện tại Nhật năm 2002 cũng được bàn luận sôi nổi tại một buổi hội thảo ở San Francisco Mỹ với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế học danh tiếng, học giả lâu năm nghiên cứu về ngành ngân hàng Nhật.

 

Chuyên gia kinh tế học Anil Kashyap của University of Chicago Booth School of Business cho rằng Mỹ đang đi theo con đường của Nhật, nhưng theo một cách không tích cực. Mùa thu năm 2008, chính phủ phải gấp rút giải cứu một loạt tổ chức tài chính lớn như Fannie Mae, Freddie Mac, AIG, Citigroup.

 

Bao lâu nay người ta đổ lỗi cho chính phủ về việc đã để cho Lehman Brothers sụp đổ, tuy nhiên theo ông Kashyap cho rằng:”Nếu chính phủ không để cho Lehman ra đi, sẽ không có ngân hàng lớn nào chịu đóng cửa.”

 

Lỗi lớn nếu không để cho các tổ chức lớn đi đến “hồi cáo chung” hơn là việc để cho nhà đầu tư bối rối về việc tổ chức nào là đáng tin cậy để rót tiền đầu tư, hoạt động tăng vốn nói chung vì thế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

 

Bài học 4: Kiên nhẫn

 

Chuyên gia kinh tế Nhật nhìn nhận tình hình hiện nay của ngành tài chính Mỹ hết sức khó khăn. Ông Eisuke Sakakibara, một quan chức Bộ Tài Chính Nhật, phát biểu như sau:”Nếu người Mỹ muốn học được điều gì đó từ Nhật, đó là sẽ mất nhiều thời gian mọi chuyện mới có thể trở lại bình thường.”

 

Câu chuyện từ Nhật cho ta thấy ngay cả những ngân hàng mạnh cũng cần thêm vốn mới có thể bù lại được những thiệt hại họ phải gánh chịu. Mỹ cần đóng cửa ngân hàng hoạt động yếu và tái cơ cấu cả tổ chức phi tài chính như hãng xe hay công ty bán lẻ.

 

Tất cả những biện pháp trên sẽ rất tốn kém và gây ra nhiều căng thẳng chính trị. Câu chuyện từ Nhật cho thấy chính phủ cần tạo ra việc làm cho người mất việc do các công ty đóng cửa. Kế hoạch của ông Obama như vậy là phù hợp.

 

Mỹ đã tiến hành nhanh gọn hơn Nhật, một phần bởi khủng hoảng tại Mỹ diễn ra nhanh và mức độ ảnh hưởng sâu hơn. Điều thị trường chờ đợi hiện nay là liệu kinh tế Mỹ có hồi phục nhanh hơn Nhật trước đây không.

 

Ngọc Diệp
Theo Businessweek

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên