MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 đối tượng chịu tác động nặng nề nhất nếu trần nợ Mỹ không được nâng

18-07-2011 - 07:59 AM | Tài chính quốc tế

Thật khó để hình dung ra tác động sẽ ở quy mô nào nếu nhà đầu tư thế giới phản ứng khi trật tự tài chính thế giới đột ngột đảo lộn.

Họ có nói dối không? Hoặc các chính trị gia tại Washington có thể làm tê liệt nền kinh tế bằng cách từ chối không nâng trần nợ của nước Mỹ?

Thông thường người ta cho rằng kịch bản tranh cãi về nâng trần nợ chẳng qua chỉ coi như màn kịch về chính trị. Một khi quan điểm đã rõ ràng, suy nghĩ thông suốt, đại diện Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sau khi tranh cãi về chương trình chi tiêu của chính phủ sẽ đi đến một số sự thống nhất, nâng trần nợ và cho phép chính phủ hoạt động bình thường. Tuy nhiên doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt đầu lo lắng.

Khả năng vay tiền của chính phủ Mỹ sẽ lên kịch trần vào đầu tháng 8/2011 và nhiều khả năng chính phủ sẽ phải giảm mạnh chi tiêu nếu không được phép vay tiền nhiều hơn. Doanh thu từ thuế và nhiều nguồn thu khác chiếm khoảng 60% tổng tiền chi tiêu của chính phủ Mỹ.

40% còn lại đến từ tiền vay thông qua phát hành trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Các chuyên gia kinh tế đang cố gắng phán đoán về điều gì sẽ xảy ra nếu tình thế bế tắc hiện nay tiếp tục và chính phủ Mỹ phải ngừng vay tiền.

Người ta nói quá nhiều về việc chính phủ vỡ nợ thế nhưng cuối cùng mọi chuyện sẽ không xảy ra. Chính phủ Mỹ thu được khoảng 200 tỷ từ thuế và doanh thu khác hàng tháng, dòng tiền này sẽ vẫn tiếp tục chảy vào ngân sách. Mỗi tháng, chính phủ Mỹ vay khoảng 130 tỷ USD và sẽ vẫn cần phải tiếp tục vay. Tiền lãi phải trả hàng tháng với các khoản vay để tránh tình trạng vỡ nợ khoảng 30 tỷ USD tương đương khoảng 1 tỷ USD/ngày.

Nếu buộc phải chọn, chính phủ Mỹ chắc chắc sẽ phải ưu tiên trả nợ bởi việc thất hẹn trả nợ đối với trái phiếu được coi như an toàn nhất thế giới sẽ nhấn chìm các thị trường tài chính thế giới. Bộ Tài chính Mỹ sẽ luôn có đủ tiền để trả nợ và duy trì tình trạng tài chính tốt.

Ngoài các khoản trên ra, có một số nhóm sẽ chịu tác động nặng nề nhất khi chính phủ Mỹ giảm mạnh chi tiêu:

Đối tượng thụ hưởng các chương trình phúc lợi xã hội: Tính toán của IHS Global Insight cho thấy chính phủ phải trả khoản tiền phúc lợi xã hội khoảng 23 tỷ USD vào ngày 03/08/2011. Nếu chính phủ Mỹ giảm khoảng 40% tiền chi tiêu cho lĩnh vực này, nhiều người Mỹ sẽ khốn khổ.

Việc các cuộc chiến chính trị tại Washington tác động tiêu cực đến túi tiền của người Mỹ bình thường quá lớn như vậy khiến nhiều chuyên gia phân tích khẳng định rằng bất kỳ sự bế tắc nào xung quanh vấn đề trần nợ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhưng dù sao nó vẫn gây tác động cực kỳ tồi tệ.

Viên chức chính phủ: Nhiều văn phòng của chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa và nhân viên tạm thời nghỉ phép. Ai cũng muốn giảm bớt quyền lợi của nhóm viên chức nhà nước này thế nhưng họ là một phần rất có ý nghĩa của kinh tế Mỹ, trong đó bao gồm 4,4 triệu người hiện đang làm việc và nhóm người thuộc quan đội. Họ sẽ không được nhận lương, buộc phải thắt chặt chi tiêu và kinh tế Mỹ như vậy chịu tác động lớn hơn nữa.

Các công viên quốc gia, văn phòng cấp hộ chiếu, văn phòng phụ trách vấn đề cựu chiến binh và nhiều cơ quan chính phủ khác bị đóng cửa. Dịch vụ bưu chính viễn thông cũng sẽ chịu tác động. Chính phủ Mỹ sẽ vẫn duy trì quân đội và một số dịch vụ thiết yếu khác, tuy nhiên những người lính chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực nếu cuộc chiến nợ kéo dài.

Người thất nghiệp: Chính phủ Mỹ hiện đang cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho gần 4 triệu người đã không còn được hưởng phúc lợi khác của liên bang, thời gian khoảng 26 tuần tại phần lớn các bang. Nếu trần nợ Mỹ không được điều chỉnh tăng, các khoản tiền này cũng sẽ bị cắt giảm.

Việc này tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ bởi người nhận được tiền sẽ chi tiêu phần lớn số tiền và tạo ra cú huých không nhỏ với nền kinh tế. Khi người thất nghiệp khó khăn hơn về tài chính, tỷ lệ thu hồi nhà chắc chắn cao hơn và người tiêu dùng sẽ vỡ nợ nhiều hơn.

Nhà đầu tư: Không ai chắc chắn được việc chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu liên bang tác động ra sao đến thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới. Trong bài phát biểu mới đây, chủ tịch Fed phát biểu với Quốc hội Mỹ rằng khi nợ lên kịch trần, sẽ có các đợt sóng mạnh đánh vào toàn bộ hệ thống tài chính.

Chính phủ Mỹ là nước chi tiêu lớn nhất thế giới và dòng tiền từ Washington tác động đến gần như mọi thị trường tài chính trên thế giới thông qua tiền trả cho bên bán hàng và kinh doanh theo hợp đồng, lãi suất đối với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và các quyết định của Fed.

Thật khó để hình dung ra tác động sẽ ở quy mô nào nếu nhà đầu tư thế giới phản ứng khi trật tự tài chính thế giới đột ngột đảo lộn.

Ngọc Diệp
Theo USNews

ngocdiep

Trở lên trên