MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điểm mấu chốt trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

17-11-2013 - 22:53 PM | Tài chính quốc tế

1/ Dự thảo TPP được giữ bí mật đối với công chúng. Vậy những ai được tiếp cận với dự thảo này?

Những văn kiện này đã được Đại diện Thương mại Mỹ và chính quyền Obama giữ bí mật với công chúng. Tuy nhiên, chúng đã được chia sẻ với khoảng 700 cố vấn đến từ ngành công nghiệp sở hữu trí tuệ. 

Các thành viên của Ủy ban Tư vấn Công nghiệp và Thương mại về quyền sở hữu trí tuệ cũng được phép tiếp cận với dự thảo. Các thành viên này bao gồm các đại diện của Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất dược phẩm Mỹ, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ, Hiệp hội phần mềm giải trí, cùng các công ty như Gilead Sciences, Johnson and Johnson, Verizon, Cisco Systems và General Electric.

Ngày 13/11 vừa qua, WikiLeaks tiết lộ phần dự thảo cho chương bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP. Sự kiện này diễn ra trước thềm hội nghị các nhà đàm phán. Đây là hội nghị có tính chất quyết định, diễn ra tại Salt Lake City, Utah trong các ngày 19 - 24/11/2013. Phần bị rò rỉ cũng là chương gây tranh cãi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP.

Sau khi các tài liệu về dự thảo bị rò rỉ trên Wikileak hôm thứ năm vừa rồi, có thể hiểu được vì sao chính quyền Obama lại quan trọng việc giữ bí mật đến vậy. Có vẻ như chính quyền Mỹ đang đàm phán những quy định sở hữu trí tuệ mà họ biết chắc sẽ không thể đạt được thông qua bỏ phiếu tại Quốc hội. 

Các quy định này tương tự như Đạo luật chống vi phạm bản quyền trên internet (SOPA), Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (PIPA) và Hiệp định thương mại chống hàng giả (ACTA) đã từng thất bại trước đó. Mỹ dường như đang cố gắng sử dụng các thỏa thuận trong TPP để kết thúc một cách có chủ ý những tranh luận ở Quốc hội về vấn đề sở hữu trí tuệ

2/ Có gì đặc biệt trong những thông tin rò rỉ lần này?

Một trong những thông tin thú vị nhất được tiết lộ là việc quốc gia nào đồng ý hoặc phản đối với những quy định cụ thể. Mỹ cùng với Úc và Nhật Bản là những nước có thái độ cứng rắn trong việc phản đối các mục tiêu liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, cân bằng lợi ích giữa chủ thể sở hữu trí tuệ và người sử dụng, bảo vệ tên miền công cộng, thủ tục kiểm tra chất lượng và tiếp cận giá dược phẩm ở mức hợp lý. 

Có một sự ngạc nhiên khi các quốc gia khác phản đối mạnh mẽ các đề xuất của Mỹ liên quan đến việc tiếp cận giá thuốc, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet hay bản quyền kĩ thuật số.

3/ Người ta gọi đó là ‘danh sách yêu thích’ của Hollywood. Tại sao lại như vậy?

Ngành công nghiệp giải trí (phim ảnh và âm nhạc) tìm cách bênh vực SOPA và PIPA nhằm tìm kiếm một sự bảo vệ mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực kĩ thuật số. Họ đã rất ngạc nhiên khi những SOPA, PIPA và ACTA thất bại. Chỉ có Mỹ và New Zealand phản đối một điều khoản yêu cầu bồi thường cho bên bị buộc tội sai. Trong khi đó, một mình Mỹ ủng hộ đề xuất truy cứu hình sự và loại bỏ các thương hiệu cố tình vi phạm bản quyền tác giả.

4/ Tác động lên thị trường dược phẩm toàn cầu sẽ như thế nào?

Mỹ đang đề xuất một số quy định nhằm tăng cường và mở rộng việc độc quyền thương hiệu trong lĩnh vực dược phẩm. Ví dụ, một công ty nắm giữ bằng sáng chế về thuốc dưới dạng viên nén, sau đó có thể có thêm bằng sáng chế khác về loại thuốc đó dưới dạng gel và viên nang. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ của bằng sáng chế mặc dù không có bất kỳ hiệu quả về mặt y tế.

Mỹ đề nghị số tiền bồi thường thiệt hại cho vi phạm bản quyền tương đương ba lần tổn thất bên chịu thiệt hại phải gánh chịu. Mỹ cũng đề xuất cho các quan chức hải quan được phép tạm giữ hàng hóa bị nghi là giả. Một đề xuất khác của Mỹ sẽ tạo ra độc quyền với các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.

Nhìn chung, những quy định này sẽ làm giảm sự cạnh tranh, giảm việc tiếp cận với các nguồn dược phẩm, qua đó làm tăng giá dược phẩm. Điều này có vẻ nghịch lý với những cam kết trước đó của ông Obama trong việc đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng.

5/ Tác động chính trị của những thông tin này ra sao?

Nếu những quy định này được công bố rộng rãi, tranh cãi quyết liệt sẽ nổ ra. Các nhóm phản đối đang hi vọng một sự thất bại nữa giống như SOPA, PIPA và ACTA. Trong ngắn hạn, việc dự thảo TPP được công bố sẽ làm gia tăng sự phản đối trong Quốc hội. Cơ quan này đã bày tỏ sự không hài lòng khi bị gạt ra ngoài quá trình đàm phán TPP.

huongnt

Theo Dân Việt

Trở lên trên