MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điểm mấu chốt trong kế hoạch cải cách của Trung Quốc

19-11-2013 - 12:28 PM | Tài chính quốc tế

Kế hoạch cải cách được nhìn nhận là sẽ mở đường cho những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngày 15/11 vừa qua, Trung Quốc chính thức công bố kế hoạch cải cách kinh tế trong dài hạn đã được thông qua tại hội nghị trung ương 3. Kế hoạch cải cách được nhìn nhận là sẽ mở đường cho những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang hướng về tiêu dùng. 

Dưới đây là một số điểm mấu chốt trong kế hoạch cải cách: 

1) Chính sách một con được nới lỏng 

Mỗi hộ gia đình chỉ được phép có một con là chính sách gây nhiều tranh cãi được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 với mục tiêu làm giảm tỷ lệ sinh. Giờ đây, Trung Quốc đang nới lỏng chính sách này, cho phép các cặp vợ chồng có hai con nếu như họ đều là con một. Các cổ phiếu liên quan đến sản phẩm chăm sóc trẻ em niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông (như cổ phiếu của Goodbaby International) đã tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (18/11).

Theo David Kuo – CEO của The Motley Fool Singapore, lý do dẫn đến thay đổi này là do dân số Trung Quốc đang bị già hóa. 

2) Cải cách hệ thống an sinh xã hội 

Trung Quốc cho biết sẽ nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu. Hiện nay, người nhập cư không được hưởng các chính sách xã hội khi họ chuyển đến sinh sống ở thành phố. Giới phân tích cho rằng thay đổi hệ thống đăng kí hộ khẩu là bước đi quan trọng để tiến tới việc tự do hóa thị trường lao động, cho phép lực lượng lao động dịch chuyển tự do và thúc đẩy đô thị hóa. 

Theo Evan Lucas, chiến lược gia đến từ công ty IG, chính sách này có thể được coi là cải cách lớn nhất kể từ 1958. Các thành phố lớn nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến vẫn sẽ áp dụng chính sách khá khắt khe. Tuy nhiên, chính sách này vẫn giúp lực lượng lao động của Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn. 

3) Nông dân có nhiều quyền hơn

Theo thông tin đăng tải trên Tân Hoa Xã, người nông dân Trung Quốc sẽ có quyền “sở hữu, sử dụng, hưởng lợi, chuyển nhượng và thế chấp” đất đai. Hiện nay, họ chỉ có quyền canh tác trên đất đai. Giới phân tích cho rằng đây là thay đổi quan trọng để thúc đẩy đô thị hóa và chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang dựa vào tiêu dùng. Chính sách này cũng sẽ tác động lên thị trường nhà đất Trung Quốc. 

4) Đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính

Trung Quốc sẽ thành lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi vào đầu năm 2014, cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu hơn trong bộ máy lãnh đạo ngân hàng, nới lỏng kiểm soát giá nước, điện và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách quản lý hoạt động IPO cũng được điều chỉnh. 

Giới phân tích cho rằng chế độ bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ người gửi tiền trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại người gửi tiền nhỏ lẻ gặp rủi ro khi các ngân hàng mở cửa mạnh hơn. Trước đó, NHTW Trung Quốc bỏ sàn lãi suất cho vay. 

5) Doanh nghiệp nhà nước

Đến năm 2020, các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) sẽ  phải trả lại 30% lợi nhuận cho chính phủ. Số tiền này được bổ sung vào quỹ an sinh xã hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. 

Theo hãng tin AFP, 113 doanh nghiệp nhà nước lớn hiện đang chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ thường trả từ 5 – 20% lợi nhuận cho chính phủ thông qua cổ tức.  Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nhà nước vẫn là lĩnh vực mà tiến độ cải cách sẽ ở mức chậm chạp. 

Thiên Bình

huongnt

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên