MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 trận động đất gây thiệt hại tài chính lớn nhất trong lịch sử nhân loại

16-03-2011 - 08:56 AM | Tài chính quốc tế

Tuy nhiên, khi con số cuối cùng được công bố, dự kiến trận động đất tại Nhật tuần trước sẽ đứng đầu về tổn thất tài chính. Nhật dự kiến mất tới gần 200 tỷ USD tương hơn 3% GDP.

Phân tích của CNBC cho thấy trận động đất tháng 3/2011tại Nhật đã khiến thị trường quốc tế chấn động. Thế giới cố gắng đánh giá ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần lên con người và kinh tế Nhật.

Theo Cơ quan địa chất Mỹ, trận động đất 9 độ richte tại Nhật là hiện tượng hiếm xảy ra. Trên toàn cầu, trung bình chúng ta thường phải đương đầu với một trận động đất trên 8 độ richte/năm.

Tất nhiên con số này thay đổi theo năm. Năm 2007, thế giới chứng kiến tới 4 trận động đất cường độ trên 8,0 độ richte tuy nhiên đến năm 2008, không có trận động đất nào như vậy.

Thiệt hại về con người và kinh tế của các trận động đất khá nhau, ngay cả với trận động đất cường độ lớn nhất. Thiệt hại lớn nhất thường xảy ra ở khu vực đông dân cư và tác động của nó trầm trọng hơn nếu người ta không được cảnh báo trước về khả năng sóng thần, dư chấn hay lở đất. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi thiệt hại về tài sản và sinh mạng bởi hệ thống cảnh báo hiện đại nhất cũng chỉ cho người ta có thêm vài phút để kiếm nơi an toàn.

Hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại từ động đất tại Nhật, thế nhưng chắc chắn đây sẽ là trận động đất gây thiệt hại tài chính lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Dưới đây đưa ra danh sách những trận động đất tốn kém nhất trong lịch sử (tính đến trước trận động đất tại Nhật vào thứ Sáu tuần trước):

1. Northridge, California, Mỹ (1994)

Thiệt hại của các công ty bảo hiểm: 15,3 tỷ USD

Tổng thiệt hại: 44 tỷ USD

Số người chết: 60

Ngày 17/01/1994, trận động đất 6,7 độ richte xảy ra tại thung lũng San Fernando phía Bắc Los Angeles. Cách 85 dặm so với tâm động đất, người ta vẫn phải chịu thiệt hại. Trận động đất cướp đi sinh mạng của 60 người, làm 7.000 người bị thương, phá hủy 40 tòa nhà và khiến hơn 20.000 người mất nhà cửa.

Ngành công nghiệp giải trí của California chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng loạt show truyền hình đã bị ngưng lại. Micheal Jackson, đang tiến hành thu album ở thời điểm đó, đã chuyển công việc sang thành phố New York để tránh hậu quả nghiêm trọng.

2. Christchurch, New Zealand (2011)

Thiệt hại của các công ty bảo hiểm: 10 tỷ USD

Tổng thiệt hại 20 tỷ USD

Số người chết: 166

Được coi như dư chấn của trận động đất tại Canterburry năm 2010, trận động đất tại New Zealand vào ngày 22/02/2011 mang tính phá hủy tồi tệ hơn rất nhiều so với trận động đất năm 2010 bởi nó xảy ra ở khu vực đông dân cư của Christchurch. Số lượng người chết vì trận động đất này lên tới 166, dù đến cuối cùng người ta ước tính con số lên trên mức 200.


Dù cơ quan thông tin công bố mức thiệt hại của các công ty bảo hiểm ở mức 10 tỷ USD. JP Morgan cho rằng các công ty bảo hiểm mất tới 12 tỷ USD. Nhiều tòa nhà bị sụp đổ và ở trong tình trạng nguy hiểm đến nỗi 2 tuần sau động đất, nhiều tòa nhà vẫn trong diện cấm ra vào.

3. Canterbury, New Zealand (2010)

Thiệt hại của các công ty bảo hiểm: 5 tỷ USD

Tổng thiệt hại: 6,5 tỷ USD

Số người chết: 0

Cũng giống như California và Nhật, New Zealand nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nơi tập trung các chấn động địa chấn và núi lửa. Trận động đất năm 2010 diễn ra ở khu vực cách thành phố lớn thứ 2 của New Zealand khoảng 25 dặm.

Tại Christchurch, lửa cháy khắp thành phố. Nguồn cung nước bị lo ngại đã nhiễm độc. Tại các khu vực hẻo lánh, người dân phải sống trong tình trạng mất điện nhiều ngày dù không có ai thiệt mạng do hệ thống cảnh báo sớm đã hoạt động tốt. Dư chấn của trận động đất này kéo dài trong suốt khoảng thời gian còn lại trong năm 2010 và sang đến tận năm 2011.

4. Kobe, Nhật (1995)

Thiệt hại của các công ty bảo hiểm: 3 tỷ USD

Tổng thiệt hại: 100 tỷ USD

Số người chết: 5.502

Dù Nhật trải qua nhiều trận động đất, xét về mặt kinh tế, chưa có trận động đất nào gây thiệt hại kinh tế lớn hơn trận Kobe năm 1995. Với tổng thiệt hại lên tới 100 tỷ USD, trận động đất gây tổn thất tài chính lớn nhất trong lịch sử (tính đến trước ngày thứ Sáu tuần trước). Nhật mất 2,5% GDP ở thời điểm đó.

Sở dĩ mức thiệt hại của các công ty bảo hiểm thấp bởi số phần trăm bất động sản được bảo hiểm tại Kobe chỉ 3% trong khi con số này tại Tokyo là 16%. Ngay sau trận động đất, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 8% trong 5 ngày giao dịch kế tiếp. Dù trong tuần sau đó, chỉ số hồi phục 6% nhưng áp lực đi xuống của nền kinh tế quá lớn. Trước trận động đất, Kobe được coi như cảng chính tại Nhật và nằm trong nhóm cảng sôi động nhất thế giới. Dù quá trình tái thiết đã được thực hiện mạnh tay, thành phố không bao giờ lấy lại được danh hiệu trên.

5. Ấn Độ dương (2004)

Thiệt hại của các công ty bảo hiểm: 1 tỷ USD

Tổng thiệt hại: 10 tỷ USD

Số người chết: 227.898

Trận động đất này được coi như khủng khiếp nhất trong 50 năm qua với cường độ lên tới 9,1 độ richte và giết chết 227.898 người. Trận động đất này gây ra nhiều chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. 1,7 triệu người tại 14 nước tại châu Á, Đông Phi đã phải tháo chạy sóng thần cao tới 100 feet.

Sức mạnh của trận động đất được tính toán gấp 1.500 lần bom nguyên tử tại Hiroshima và dù đã có cảnh báo sóng thần trước đó vài giờ, hệ thống cảnh báo sóng thần và liên lạc không hoạt động tại thời điểm đó.

Liên hợp quốc sau đó đã buộc phải lập ra hệ thống cảnh báo sóng thần tại Ấn Độ dương.


Dù số người chết cao nhất trong lịch sử, trận động đất không gây nhiệt hại nhiều về kinh tế bởi nó xảy ra ở khu vực không có trình độ phát triển cao. Các công ty bảo hiểm chỉ thiệt hại 1 tỷ USD song chính phủ trên khắp thế giới tính toán mức thiệt hại đối với các khu vực và tiền chi ra để hỗ trợ quân đội cũng như tiền tệ lên tới 14 tỷ USD.

Các nước đã quyên góp rất nhiều tiền hỗ trợ cho nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn không rõ một khoản tiền 4 tỷ USD đã đi đâu.

Trong danh sách các trận động đất gây thiệt hại tài chính lớn nhất, còn có trận động đất tại Lome Pireta – Mỹ năm 1989; Niigata – Nhật năm 2004; Nantou – Đài Loan năm 1999 và New Castle – Úc năm 1989.

Ngọc Diệp


ngocdiep

Trở lên trên