MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 vấn đề lớn của hội nghị thượng đỉnh G20

02-04-2009 - 11:27 AM | Tài chính quốc tế

G20 sẽ bàn thảo về việc cơ cấu lại IMF, kế hoạch cứu kinh tế, điều tiết hệ thống tài chính, bảo hộ và khả năng liệu có thay đồng USD trong dự trữ tiền tệ thế giới.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhóm họp ngày hôm nay tại London để bàn thảo về việc làm sao để giải quyết khủng hoảng tài chính.

 

Gần đây, Tổng thống Pháp đe dọa sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 nếu không có thỏa thuận nào về điều tiết chặt chẽ hệ thống tài chính quốc tế được đưa ra.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel hết sức giận dữ với việc nhiều nước khác cho rằng Đức sẽ tiếp tục đưa ra kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế với chi phí lớn hơn.

 

Nga và Trung Quốc muốn có tiếng nói hơn trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và hẳn các nhà lãnh đạo sẽ đồng thuận rằng chính hệ thống tài chính được điều tiết tệ hại của Mỹ là nguyên nhân đằng sau tất cả rắc rối hiện nay.

 

Một số vấn đề lớn các nhà đứng đầu 20 nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đương đầu:

 

G20 có cơ cấu lại Quỹ tiền tệ quốc tế không?

 

4 nhóm làm việc đã tích cực chuẩn bị cho việc bàn thảo về Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nỗ lực của họ nhiều khả năng sẽ gặt hái thành công tại London.

 

Những lĩnh vực chính sẽ được bàn thảo là sự điều tiết và vấn đề minh bạch của hệ thống tài chính, hợp tác quốc tế, sự tích hợp các thị trường tài chính, cải tổ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như nhiều tổ chức cho vay khác.

 

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo đã thống nhất với nhau về việc cần phải có hệ thống tiêu chuẩn vốn dành cho các ngân hàng, cách giảm thiểu rủi ro của hệ thống tài chính.

 

Việc cải tổ IMF và các cơ quan trực thuộc tổ chức này có thể sẽ diễn ra êm xuôi hơn, thế nhưng điều đó sẽ còn liên quan nhiều đến chính trị. Các nhà lãnh đạo G20 cho đến nay đã thống nhất về khả năng IMF sẽ có vai trò lớn hơn trong điều phối kinh tế thế giới. G20 có thể sẽ tăng gấp đôi thậm chí gấp ba lần tiền dành cho IMF.

 

Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil cho rằng IMF sẽ chỉ có thể có vị thế lớn hơn nếu cấu trúc của tổ chức phản ảnh tốt hơn sức mạnh các cường quốc trên thế giới.

 

Nói cách khác, 4 nước này muốn có tiếng nói lớn hơn trong IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác.

 

Tổng thống Obama cũng sẽ chịu áp lực từ bỏ đặc quyền chọn chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

 

Nếu một thỏa thuận về việc cải tổ IMF được đưa ra, đây sẽ là chủ đề gây sự chú ý nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nếu không, chắc hẳn Nga và Trung Quốc sẽ hết sức tức giận.

 

Đức sẽ tiếp tục tung thêm tiền cứu kinh tế?

 

Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn. Tuần này, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo đưa ra kết sức u ám về kinh tế, GDP Mỹ năm 2009 sẽ là -4%, châu Âu là -4,1%; và Nhật là -6,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

 

Phần lớn các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra kế hoạch giải cứu, một vài tuần trước, người ta đã từng hi vọng các kế hoạch cứu kinh tế của chính phủ nhiều nước sẽ được bàn thảo để phối hợp hiệu quả hơn trong buổi họp tại London hôm nay.

 

Hiện nay, nền kinh tế lớn của thế giới vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngay trong nội bộ châu Âu, Đức cho rằng họ cứu kinh tế như vậy là đủ. Nước còn lại thuộc G20 thì cho rằng châu Âu cần mạnh tay cứu kinh tế hơn nữa.

 

Đại diện đến tham dự hội nghị thể hiện lo ngại về việc liệu có hội nghị có nhất trí về kế hoạch cứu kinh tế hay điều tiết hệ thống tài chính hay không. Nếu Đức đồng ý đưa ra kế hoạch cứu kinh tế mới, châu Âu và Mỹ hẳn sẽ rất vui mừng.

 

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và vấn đề điều tiết hệ thống tài chính

 

Đức và Pháp cho đến nay vẫn bất bình về việc cách đây vài năm họ đã kêu gọi điều tiết hệ thống tài chính chặt chẽ hơn, đề nghị này sau đó vấp phải sự phản đối của Mỹ. Nay có thể họ muốn trả đũa.

 

Họ sẽ cố gắng đưa vấn đề điều tiết các quỹ đầu cơ và một số hoạt động của thị trường tài chính vào chủ đề bàn thảo. Chắc chắn họ sẽ ủng hộ việc phối hợp điều tiết hệ thống tài chính toàn cầu.

 

G20 và vấn đề bảo hộ

 

Vấn đề bảo hộ sẽ được quan tâm rất nhiều. Chắc chắn các nhà lãnh đạo sẽ lại đưa ra một loạt cam kết về làm sao để ngăn bảo hộ. Tuy nhiên, mỗi ngày qua, trên thế giới lại có thêm nhiều biện pháp mới được áp dụng và cùng lúc đó họ tuyên bố họ hết sức sửng sốt với những gì nước khác đang làm.

 

Đồng USD

 

Vấn đề rất nóng hiện nay chính là câu chuyện liên quan đến đồng USD. Trung Quốc, Nga gần đây đã chỉ trích USD và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thế giới nên có một đồng tiền dự trữ ổn định hơn. Nói cách khác, họ phát ngán với biến động của USD thời gian gần đây – họ không thể làm gì để gây ảnh hưởng lên việc đó.

 

Cho đến nay, thật khó để tìm ra một đồng tiền nào có thể thay thế được USD. Tổng thống Obama chắc chắn sẽ không nhượng lại việc điều tiết chính sách tiền tệ của Mỹ cho Nga hay Trung Quốc.

 

Tuy nhiên trong lúc chờ đợi một sự nhất trí cho vấn đề này, thị trường ngoại hối hẳn sẽ biến động rất mạnh.

 

Ngọc Diệp

Theo CNN

 

ngocdiep

Trở lên trên