MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

61% người dân Hy Lạp nói "Không" với thắt lưng buộc bụng

06-07-2015 - 07:54 AM | Tài chính quốc tế

Người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chủ nợ đưa ra. Giờ đây các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải quyết định quốc gia này có thể ở lại khối đồng tiền chung châu Âu hay không.

Kết quả bỏ phiếu cuối cùng cho thấy 61% số phiếu ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras, qua đó từ chối cắt giảm chi tiêu hơn nữa. Cuộc trưng cầu dân ý chưa từng có tiền lệ này cũng đẩy Hy Lạp đến bên bờ sụp đổ về tài chính.

Tsipras miêu tả kết quả này là “chiến thắng vĩ đại”, đồng thời cho rằng người dân Athens sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào hôm nay với vị thế mạnh mẽ hơn.

Đồng euro giảm giá ở châu Á, trong khi những người ủng hộ Tsipras tụ tập ở quảng trường Syntagma ở trung tâm của Athens với những lá cờ Hy Lạp ngập trời. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 7/7 tới.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý khiến giờ đây tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào bà Merkel và các chủ nợ khác của Hy Lạp – những người phải quyết định có cứu trợ tiếp cho đất nước nặng nợ nhất của khu vực hay không. Kết quả trên cũng khiến khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone tăng vọt trong bối cảnh các ngân hàng của nước này đã cạn kiệt tiền mặt và nền kinh tế trong trạng thái tồi tệ.

Hôm nay NHTW châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp bàn về việc tung ra phao cứu trợ mới cho các ngân hàng Hy Lạp. Hệ thống này đã đóng cửa suốt tuần trước, sau khi Tsipras triển khai các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn dòng vốn tháo chạy.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Tôi tin rằng ECB nhận thức được đầy đủ về khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp”, Tsipras nói.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời một quan chức châu Âu cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu không hề sẵn sàng thỏa hiệp. trước tiên họ muốn đợi xem Tsipras sẽ đưa ra lời đề nghị như thế nào để giữ Hy Lạp ở lại eurozone.

Giờ đây câu hỏi là liệu họ có thể đàm phán được với một chính phủ đã từ chối các điều kiện mà họ đưa ra hay không. Bồ Đào Nha và Ireland đã chấp nhận các biện pháp tương tự và có thể thoát ra khỏi khủng hoảng nhờ các chương trình cứu trợ.

Tsipras và đảng Syriza đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra từ tháng 1 và lên cầm quyền. 5 tháng tiếp theo là những cuộc đàm phán gay gắt và triển vọng về một thỏa thuận bỗng chốc tan vỡ khi Hy Lạp kêu gọi trưng cầu dân ý.

Cầm trong tay lá cờ có hai màu xanh trắng, John Govesis (26 tuổi) cho biết anh và cả gia đình đã chọn nói không với thắt lưng buộc bụng. “Tôi thích tự do và không cần đến những đồng tiền đến từ châu Âu. Đây là cách duy nhất để tiến lên. Hôm nay tôi có việc làm nhưng có thể ngày mai sẽ thất nghiệp”, anh nói.

Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ xóa sạch những gì đã đạt được sau 4 thập kỷ hòa nhập với kinh tế châu Âu. Nền kinh tế nước này đã suy giảm 25% trong 6 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong eurozone.

Các ngân hàng Hy Lạp sẽ khó có thể mở cửa trở lại nếu như không nhận được trợ giúp mới từ ECB, trong khi các nhà nhập khẩu lo ngại về khả năng thanh toán và người già có thể không nhận được tiền lương hưu.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên