MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 điều cần biết về thể trạng kinh tế Nga

12-11-2014 - 12:38 PM | Tài chính quốc tế

Dòng vốn bị rút ra ồ ạt, Nga đứng trước nguy cơ lạm phát cao đi kèm với kinh tế trì trệ ...

Trước sự kiện đồng nội tệ của Nga lao dốc mạnh và những biện pháp can thiệp của NHTW nước này gần như không có tác dụng, các tờ báo tài chính trên thế giới đều đồng loạt đăng tải những bài viết cảnh báo về khả năng khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra ở Nga. Thậm chí, một số chuyên gia còn so sánh tình trạng hiện nay với thời điểm tháng 8/1998, khi nước Nga vỡ nợ và khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng.

Dưới đây là 7 điểm đáng chú ý về thể trạng của nền kinh tế Nga hiện nay, theo Bloomberg:

1. Do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu ở mức thấp, nguồn thu ngoại tệ của Nga sụt giảm mạnh. Dòng vốn cũng bị rút ra ồ ạt và các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình đang tìm cách bán tháo đồng ruble để chuyển sang USD hay các đồng tiền mạnh khác. Kết quả là dự trữ ngoại hối của Nga cũng như giá trị của đồng ruble giảm mạnh, làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính ở trong nước. 


2. Cùng lúc đó, chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi nền kinh tế Nga phải đối mặt với tình trạng stagflationary trầm trọng hơn (stagflationary là trạng thái mà nền kinh tế trì trệ đi kèm với tỷ lệ lạm phát cao). Đồng ruble giảm giá quá mạnh chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, trong khi nguồn thu nhập từ thị trường nước ngoài giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế nội địa. 

3. Động thái mới nhất của NHTW Nga đối với đồng ruble cho thấy những khó khăn của nền kinh tế Nga. Phản ứng ban đầu của NHTW Nga là sử dụng lượng dự trữ ngoại hối dồi dào để đối phó với những hệ quả của lệnh trừng phạt. NHTW Nga đã can thiệp vào thị trường ngoại tệ cũng như nâng lãi suất. Tuy nhiên, những động thái này lại khiến niềm tin vào đồng ruble giảm mạnh hơn nữa. Giá dầu mỏ lao dốc không phanh và dòng vốn bị rút ra ồ ạt buộc NHTW Nga phải từ bỏ và thả nổi hoàn toàn đồng ruble từ tuần trước.


4. Bloomberg dự đoán trong vài tuần tới Nga sẽ phải phản ứng mạnh hơn với một loạt biện pháp can thiệp cả về mặt tài khóa và tiền tệ, trong đó có tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu. Cả hai cách tiếp cận này đều có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. 

5. Hiện Nga vẫn có trên 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng nếu tiếp tục như hiện nay, Nga sẽ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, khiến chi phí đi vay tăng lên và khả năng tiếp cận thị trường vốn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp và ngân hàng phải trả nhiều ruble hơn để có được lượng USD cần thiết nhằm đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài.  
6. Khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền đối với kinh tế thế giới trong trường hợp khủng hoảng tài chính xảy ra ở Nga thấp hơn nhiều so với năm 1998. Mặc dù một số ngân hàng và nhà đầu tư phương Tây sẽ bị ảnh hưởng, trong vài tháng gần đây, một số đã phản ứng với các lệnh  trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm nắm giữ tài sản Nga và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. 

7. Địa chính trị là yếu tố khó đoán nhất trong bức tranh kinh tế Nga. Tổng thống Vladimir Putin đang đối mặt với hai lựa chọn: giảm can thiệp vào Ukraine để hóa giải các lệnh cấm vận của phương Tây hoặc chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước sang Ukraine nhưng đối mặt với rủi ro khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đẩy châu Âu vào suy thoái.


Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên