MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

70 năm nay, chẳng mô hình kinh tế nào đếm xỉa tới ngân hàng

11-02-2013 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Paul Samuelson và các môn đồ cho rằng hệ thống tài chính chỉ đơn giản kết nối giữa người tiết kiệm và người đi vay, chứ không phải các công ty vị lợi nhuận.

Ngày nay tiếng tăm của kinh tế học vĩ mô dòng chính chẳng tốt đẹp gì, cả trong mắt công chúng lẫn giới nghiên cứu kinh tế ở các phân ngành khác. Không có gì bất ngờ, vì ngay cả những câu hỏi cơ bản nhất của kinh tế vĩ mô mà cũng không đồng thuận nổi.

Cứ hỏi các nhà “khoa bảng” vì sao lần này phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng tại Mỹ lại chậm thế, là bạn sẽ có hàng tá những câu trả lời đối nghịch nhau. Nhưng kinh tế vĩ mô bị coi thường chủ yếu là vì trong giới còn chẳng buồn để ý đến khả năng xảy ra đợt suy thoái lớn nhất và đau đớn nhất kể từ thời Đại suy thoái.

Hiện nay, vài nhóm kinh tế gia đang thử “tái tạo” ngành kinh tế vĩ mô, thường là nhờ kết hợp các tư tưởng trước đây bị bỏ qua với các kỹ thuật toán học và vi tính mới.

Kinh tế vĩ mô có không ít thăng trầm. Một mô hình cứ tồn tại cho đến khi có “lỗi” và buộc người ta nghĩ lại. Thế rồi giới hàn lầm lại chắp vá ra một mô hình mới cho đến khi thực tế lại phát hiện ra những “lỗi” tiếp theo.

Những người khổng lồ đãng trí

Sau thời Đại suy thoái, John Maynard Keynes đưa ra một ý tưởng đột phá rằng các hành vi tư lợi có thể gây ra hậu quả không mong muốn nếu tất cả mọi người đều cố thực hiện chúng cùng một lúc.

Irving Fisher giải thích rằng nợ nần nhiều khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước vòng xoáy giảm phát và vỡ nợ.

Paul A. Samuelson

Simon Kuznets không phát kiến ra lý thuyết nào mới nhưng ông đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra hệ thống tài khoản sản phẩm và thu nhập quốc gia.

Trước thời ông, giới hoạch định chính sách, nhà đầu tư và dân chúng hầu như không cách nào biết được nền kinh tế đang tăng trưởng hay suy thoái. Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt từng phải dựa vào các chỉ báo như giá gang hay số toa tàu hàng, thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cho đến cuối những năm 1940, Đại suy thoái hết mà Keynes cũng đã chết. Paul Samuelson là người định hình tư duy kinh tế trong những thập kỷ tiếp theo.

Ông này lấy một số ý tưởng trong cuốn “Lý thuyết chung về Việc làm, Lãi suất, và Tiền tệ” của Keynes rồi diễn giải chúng bằng mô hình toán học. Đóng góp của Samuelson rất quan trọng nhưng đáng tiếc ông lại bỏ quên mất nhiều thứ, đặc biệt là góc nhìn của Keynes về bản chất của hệ thống tài chính.

Với Samuelson và các môn đồ của ông, ngân hàng các trung gian tài chính khác chỉ là “mạch máu” nối người tiết kiệm và người đi vay của khu vực phi tài chính, thay vì các công ty vị lợi nhuận cho vay một cách cơ hội.

Dù ngay thời gian đó đã có một số người phê phán Samuelson, đáng chú ý có John Gurley và Edward Shaw, nhưng đến ngay trước khủng hoảng, phần lớn giới kinh tế vẫn tin hệ thống tài chính không quan trọng lắm.

"...mô hình kinh tế vĩ mô cho giai đoạn hậu thế chiến đã “lờ mất” hệ thống tài chính..."

Nhiều nhà kinh tế vĩ mô “vui vẻ” bỏ qua ngành tài chính vì họ chỉ nghiên cứu có mỗi nước Mỹ, quốc gia không có bất kỳ cuộc khủng hoảng đáng kể nào kể từ những năm 1930. Chính phủ đã cho ra đời hệ thống bảo hiểm tiền gửi và từ bỏ hệ thống bản vị vàng, nên nhiều nhà kinh tế kết luận sẽ không thể có khủng hoảng ở các nước giàu.

Hàng thập kỷ liền mọi bằng chứng đều ủng hộ giả thuyết này, dù những con mắt sắc sảo vẫn thận trọng khi chứng kiến những gì xảy ra với khu vực Bắc Âu và Nhật Bản.

Vì thế mô hình kinh tế vĩ mô cho giai đoạn hậu thế chiến đã “lờ mất” hệ thống tài chính. Thế thì nó tính tới cái gì? Các mô hình “thực chứng” chuẩn tạm giả định những gì xảy ra trong quá khứ sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Tư duy ấy không phải không có lý. Ví dụ, thay đổi số người có việc làm tương quan tương đối chính xác với thay đổi tỷ lệ thất nghiệp. Hàng ngàn phương trình tuyến tính dựa trên những quan hệ kiểu này được tổng hợp thành một hệ thống khổng lồ.

Trong vài thập kỷ liền, những mô hình ấy thực sự đã rất hữu dụng. Nổi tiếng nhất là khi giới kinh tế tiên đoán chính xác đề xuất giảm thuế của TT John Kennedy đầu những năm 1960 sẽ không tăng thâm hụt ngân sách vì nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn.

"Vấn đề là các mối liên hệ quan sát thấy trong quá khứ không còn giá trị nữa nếu giới hoạch định chính sách cố lợi dụng chúng."

Nhưng đến thập kỷ 1970 thì mô hình ấy có vấn đề. Người ta nghĩ không có chuyện giá tăng nhanh mà thất nghiệp vẫn cao, hay “đình lạm”, thế mà nó vẫn hiện hữu ở tất cả các nước giàu.

Vấn đề là các mối liên hệ quan sát thấy trong quá khứ không còn giá trị nữa nếu giới hoạch định chính sách cố lợi dụng chúng.

Trong trường hợp này, giới hoạch định chính sách đã dựa quá nhiều vào Đường cong Phillips (theo đó, tăng lương danh nghĩa nhanh hơn khiến số việc làm tăng, trong khi nếu lương tăng chậm tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng).

Trước đó, Irving Fisher đã phát hiện thấy mối quan hệ tương tự giữa thay đổi mức lương danh nghĩa và thay đổi số việc làm ở Mỹ. Dù chính Phillips cũng không nghĩ mối liên hệ ông phát hiện là “quy luật bất biến” trong kinh tế học nhưng các nhà kinh tế khác như Paul Samuelson lại nghĩ vậy.

Họ cho rằng các nhà hoạch định chính sách chỉ phải đối diện với một sự đánh đổi đơn giản giữa thất nghiệp và lạm phát mà đường cong Phillips là đại diện. Giới chính trị có thể chọn bất kỳ điểm nào mà họ muốn trên đường cong này.

Kỳ sau: Kỳ vọng không hợp lý

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

Trở lên trên