MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai nắm quyền năng ngăn kinh tế Mỹ suy thoái?

09-08-2011 - 06:03 AM | Tài chính quốc tế

Người có khả năng cứu nước Mỹ tránh khỏi khả năng suy thoái lần 2 chắc chắn không phải những chính trị gia sẵn sàng đưa số phận nền kinh tế vào vòng nguy hiểm.

Một thỏa thuận nợ gây tranh cãi, rủi ro suy thoái kinh tế lần 2 và rủi ro kinh tế trì trệ trong thời gian dài: triển vọng kinh tế Mỹ quá u ám.

Tuần qua, lẽ ra kinh tế Mỹ có một tuần tốt đẹp. Lãnh đạo kinh tế Mỹ cuối cùng cũng đã chấm dứt chính sách tài khóa gây hủy diệt và đồng ý nâng trần nợ liên bang. Thế nhưng sự yên lòng chẳng thấy đâu, nhà đầu tư chỉ ngày một căng thẳng hơn. TTCK thế giới đồng loạt đổ dốc.

Ngày 02/08/2011, ngày mà thỏa thuận nợ được ký, chỉ số S&P 500 có ngày giảm điểm mạnh nhất trong 1 năm và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hạ xuống mức 2,6%, thấp nhất trong 9 tháng, bởi nhà đầu tư tìm kiếm công cụ đầu tư an toàn.

Tất nhiên, người ta bi quan không chỉ bởi nước Mỹ, châu Âu cũng đang trong mớ hỗn độn, sản xuất trên toàn thế giới đi xuống. Nhưng triển vọng của nước Mỹ bất ngờ đi xuống quá nhanh.

Số liệu thống kê điều chỉnh mới đây cho thấy quá trình phục hồi dường như đã ngưng lại. Một khi đã như vậy, kinh tế có thể nhanh chóng rơi vào suy thoái, đặc biệt nếu kinh tế phải chịu thêm một cú sốc mới, và Mỹ có thể sớm đương đầu bởi đã công bố áp dụng quá nhiều chính sách thắt chặt tài khóa.

Rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái lần 2 trong khoảng thời gian 1 năm tới có thể đã lên tới 50%.

Kinh tế Mỹ đang phục hồi rất chậm sau thời kỳ suy thoái vừa qua. Không phải khu vực nào trên thế giới cũng có nền kinh tế tăng trưởng kém như Mỹ, kinh tế nhóm nước mới nổi vẫn lên mạnh.

Thế nhưng sự thiếu suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối với thỏa thuận nợ, đặc biệt khi họ không giải quyết được tận gốc nguồn gốc các vấn đề tài khóa hiện nay, ví như một số chương trình chi tiêu bắt buộc, khiến người ta không khỏi lo lắng hơn.

Giới chính trị gia Mỹ, vốn quá chia rẽ về quan điểm và sẵn sàng mang nền kinh tế ra để đánh bạc, có đáng để tin rằng họ sẽ không biến thời kỳ kinh tế tăng trưởng khó khăn thành quá trình trì trệ kéo dài.

Hãy bắt đầu với tình trạng của nền kinh tế. Ngày 29/07/2011, số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy tăng trưởng GDP thực trong vài năm qua. Suy thoái kinh tế năm 2008 tồi tệ hơn so với tính toán ban đầu và tốc độ phục hồi của kinh tế sau đó chậm hơn.

Sản lượng của nền kinh tế hiện chưa quay lại mức trước suy thoái. Và kinh tế đang hồi phục yếu dần. Trong năm qua, sản lượng kinh tế chỉ tăng 1,6%, dưới mức cần thiết theo tính toán của giới chuyên gia và thông thường khi kinh tế tăng trưởng với tốc độ này, suy thoái kinh tế sẽ đến.

6 tháng đầu năm 2011, sản lượng của nền kinh tế chỉ tăng 0,8% (tính theo trung bình năm). Các nhà quan sát, dù bi quan đến cỡ nào, cũng không thể tin kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp đến như vậy.

Tất nhiên phải kể đến một số yếu tố nhất thời tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Giá dầu cao khiến người tiêu dùng không dám chi tiêu. Động đất tại Nhật gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm. Trong một số ngành, đặc biệt ngành sản xuất ô tô, sự phục hồi đã đến. Tuy nhiên nhìn chung, tình hình nền kinh tế u ám đến nỗi sẽ phải còn rất lâu tốc độ tăng trưởng mới trở lại mức hợp lý.

Tuy nhiên có dấu hiệu cho thấy những cú sốc hiện tại có thể gây ra tác động tâm lý lên các công ty và người tiêu dùng lâu hơn so với tính toán.

Số liệu kinh tế mới nhất gây thất vọng tràn trề: tháng 6/2011, chi tiêu tiêu dùng giảm; tháng 7/2011, niềm tin người tiêu dùng đi xuống; số lượng đơn đặt hàng trong lĩnh vực sản xuất đi xuống.

Có dấu hiệu sớm về khả năng kinh tế Mỹ có thể suy thoái lần 2 trong năm tới; khả năng này cách đây 1 tháng vẫn còn khá thấp và đã tăng chóng mặt trong thời gian qua.

Nếu điều đó xảy ra, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm. Phương thuốc để “cứu chữa” cho nền kinh tế Mỹ yếu kém chỉ toàn các biện pháp thắt chặt chi tiêu.

Xứ mù, Fed “chột” làm vua?

Tổng thống Obama và nghị sỹ Đảng Cộng hòa chưa đủ dũng khí để nói sự thật về kinh tế Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012. Thế nhưng xét đến sự vô dụng của giới chính trị gia Mỹ hiện nay, tổ chức duy nhất nằm quyền năng ngăn khủng hoảng chính là Fed.

Khi lãi suất cơ bản đang ở mức quá thấp, điều này đồng nghĩa với thêm chính sách nới lỏng định lượng sẽ được đưa ra. Việc in thêm tiền có thể phù hợp tuy nhiên nó vẫn được coi như công cụ chỉ dẫn đến lợi nhuận giảm dần. Việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa mang lại hiệu quả nhiều hơn.

Nếu nước Mỹ thoát khỏi suy thoái kinh tế và dần thoát khỏi mỡ hỗn độn hiện nay, đó có thế là minh chứng cho sức mạnh tiềm tàng của nước Mỹ. Dù sao đi nữa, nước Mỹ vẫn có quá nhiều lợi thế: cộng đồng lực lượng lao động trẻ, nền kinh tế đổi mới và ít nhất hiện tại đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới. Giá mà nước Mỹ có những chính trị gia tốt hơn, khả năng tránh được suy thoái sẽ cao hơn.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên