Ấn Độ là quốc gia thứ 13 và là nước không thuộc Tổ
chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tiên ký kết Hiệp định Đa
phương về Hỗ trợ Quản lý Thuế. Đây là một trong những nỗ lực cải thiện
tính minh bạch và trao đổi thông tin liên quan đến thuế nhằm ngăn chặn
nạn "tiền đen" đang là vấn nạn lớn của nền kinh tế nước này.
Bộ Tài chính Ấn Độ cũng cho rằng: “Hiệp định này có
thể sẽ giúp lấy lại những khoản tiền bất hợp pháp của Ấn Độ đang được
cất giấu ở nước ngoài”. Hiệp định cũng cho phép Ấn Độ tìm kiếm những
thông tin về tội phạm trốn thuế trước đây. “Một điều khoản nêu rõ việc
trao đổi thông tin về tiền trốn thuế ít nhất ba năm về trước”, Bộ Tài
chính cho biết. Hiệp định này yêu cầu các bên tham gia cùng trao đổi
thông tin và cho phép các cán bộ thuế của một nước có thể ra vào lãnh
thổ của nước khác để điều tra cá nhân và những ghi chép về dòng tiền
liên quan đến nước mình.
Lâu nay, chính phủ Ấn Độ luôn phải đau đầu trước vấn
nạn tiền bị đưa ra nước ngoài nhằm trốn thuế. Ông A.P. Singh, Giám đốc
Cục điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) cho biết trong thời gian qua giới
thượng lưu nước này đã tẩu tán được khoảng 500 tỷ USD ra nước ngoài.
Theo ước tính của ông N.Vittal, Chủ nhiệm Ủy ban Giám
sát Ấn Độ, khoản trốn thuế chiếm đến 40% GDP của Ấn Độ. Ông cho biết,
bốn ngành tai tiếng nhất về tham nhũng, rửa tiền là hải quan, cơ quan
thu thuế môn bài, thuế thu nhập và cơ quan thực thi pháp luật. Theo số
liệu của Ngân hàng Thuỵ Sĩ, lượng "tiền đen" của Ấn Độ hiện ở mức cao
nhất trên thế giới vào khoảng 1.400 - 1.500 tỷ USD.
Ấn Độ đã chính thức thông qua hiệp định này vào ngày
21/2 vừa qua. Trong số 34 quốc gia đã ký kết hiệp định, cho đến nay chỉ
có 13 nước chính thức thông qua, trong đó có Ấn Độ, Pháp, Italy, Nauy,
Thụy Điển và Anh. Những nước chưa thông qua hiệp định gồm có Australia,
Đức, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Theo Tuyến Nguyễn
Vnexpress