MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ANZ: Việt Nam và Trung Quốc hưởng lợi khi Nhật tái thiết đất nước

06-04-2011 - 12:15 PM | Tài chính quốc tế

Ngoài ra, theo ANZ, tại châu Á các dòng tiền đã ở mức âm trong quý 1/2011, đặc biệt tại Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, đến cuối quý, tiền lại được đổ vào các thị trường châu Á.

Ông Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế trưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ, đưa ra một số nhận định về triển vọng và xu hướng của nhóm thị trường mới nổi tại châu Á trong buổi hội thảo với chủ đề “Cập nhật Tình hình Kinh tế & Một số Giải pháp trên Thị trường Vốn Nợ” tổ chức ngày 06/04 tại thành phố Hồ Chí Minh.

11 nền kinh tế mà ANZ nghiên cứu bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Indonexia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippin, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Đài Loan.

Theo ANZ, nhóm thị trường mới nổi châu Á vẫn là động lực chính cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của nhóm thị trường này phục hồi mạnh trong năm 2010, đặc biệt vào nửa đầu.

ANZ tính toán rằng hiện Trung Quốc đóng góp 50% GDP khu vực còn con số này với Ấn Độ là 20%.

ANZ chỉ ra 4/11 nền kinh tế mới nổi đã tăng trưởng chậm lại trong quý 3/2011 nhưng cùng lúc đó lạm phát tăng cao.

Dù vậy, sang quý 4/2010 và đầu năm 2011, tăng trưởng đã phục hồi (một phần lớn nhờ xuất khẩu vào Mỹ tăng lên).

Lạm phát tăng cao

ANZ nhận xét áp lực lạm phát đang tăng cao tại tất cả các nước châu Á, lạm phát tăng cao hơn lạm phát chung tại 11 nền kinh tế mà ANZ nghiên cứu.

Đối với vấn đề lạm phát, phân tích của ANZ cho thấy lạm phát thời gian qua hầu hết do giá lương thực tăng cao. Giá lương thực không gây ra lạm phát cơ bản, như vậy lạm phát cơ bản do nguyên nhân khác gây ra, ví như chính sách lỏng lẻo.

ANZ cho rằng so trong nhóm 11 nền kinh tế mà ngân hàng này nghiên cứu, Việt Nam và Ấn Độ dễ chịu tác động mạnh nhất từ việc giá dầu cao.

Việt Nam và Trung Quốc có lợi khi Nhật tái thiết đất nước

Nhật là nước xuất khẩu ròng sang các nước còn lại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nhật và các nước châu Á mới nổi đạt 734,4 tỷ USD trong năm 2010, thương mại Nhật – Trung Quốc chiếm hơn 40%.

ANZ dự báo thương mại của Nhật với châu Á sẽ giảm đi khi chi tiêu của người Nhật giảm và nguồn cung bị gián đoạn.

Các chuyên gia thuộc ANZ nhận định châu Á sẽ hưởng lợi từ việc tái thiết của Nhật bởi hơn 60% hàng xuất khẩu sang Nhật là thực phẩm, nguyên liệu và khoảng sản hay máy móc. Đối thủ cạnh tranh của Nhật như Đài Loan và Hàn Quốc sẽ được lợi.

Ấn Độ sẽ chịu ít tác động nhất từ thảm họa tại Nhật. Việt Nam và Trung Quốc hưởng lợi còn Philippin chịu tác động nặng nề nhất bởi nước này chủ yếu xuất hàng điện tử sang Nhật.

Dòng tiền vào châu Á đã đảo chiều

Tính toán của ANZ về dòng vốn vào châu Á phát đi thông điệp tương tự như một số nhận định gần đây. Theo ANZ, các dòng tiền đã ở mức âm trong quý 1/2011, đặc biệt tại Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên đến cuối quý 3/2011, sự đảo chiều dòng tiền đã diễn ra bởi các yếu tố rủi ro không quay lại. ANZ nhấn mạnh rằng yếu tố căn bản để hút dòng tiền vào châu Á vẫn được duy trì (sự khác biệt về tăng trưởng và lợi tức).

Ngọc Diệp – Hạnh Lệ
Theo ANZ


ngocdiep

Trở lên trên