MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảo ảnh Trung Hoa

02-04-2011 - 09:37 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc không hoàn hảo như các CEO Tây phương vẫn tưởng tượng.

Không nên “làm phức tạp tình hình”

Nhiều người tức giận với chất lượng các dịch vụ công, Yang Jianchang nói. Ông đang phụ trách Cơ quan quản lý thị trường Quận Luoho (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp) chuyên đối phó với nạn làm hàng giả.

Nhưng ông Yang nổi tiếng với tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thâm Quyến và hiện được coi là vị đại biểu đáng tin cậy nhất Trung Quốc.

Năm 2005, ông có một bước đi táo bạo là mở văn phòng cá nhân. Thư từ và dân chúng đổ xô đến, chủ yếu là để khiếu nại về chính phủ.

Trong vòng 5 năm qua, ông đã nhận 3.000 vụ, đại diện cho khoảng 20.000 người. Ông đã bị đe dọa và hành hung; sức khỏe của ông không được tốt. Một số tội phạm và quan chức mà ông đeo đuổi, ví dụ như bán thực phẩm không an toàn, đã phải vào tù.

Nhưng rất nhiều kẻ khác vẫn nhởn nhơ (nhờ sự can thiệp của những người mà dân Thâm Quyến vẫn gọi là “các nhóm lợi ích quyền lực”), nhưng thường thì Yang cũng gây đủ rắc rối để khiến họ phải dừng tay.

Yang là một đảng viên đáng tự hào: văn phòng của ông được trang trí bởi những tấm hình ông mặc đồng phục và danh ngôn của nhiều quan chức cao cấp của Đảng.

Bạn có thể nghĩ ắt hẳn một chính quyền đang nỗ lực chống tham nhũng sẽ lấy con người này làm điển hình cho toàn chính phủ. Nhưng tháng 10 năm ngoái Quốc hội thông qua một đạo luật cấm các đại biểu mở văn phòng cá nhân.

Luật này được áp dụng trên toàn quốc nhưng dường như nó được thảo ra để ngăn những người như ông Yang.

Ông đã đóng cửa văn phòng cá nhân của mình nhưng thư từ vẫn tiếp tục đổ tới, phần lớn là có yêu cầu xác nhận để mọi người biết ông đã nhận được thư và sẽ gửi chúng đến cơ quan có thẩm quyền.

Tất cả những điều trên cho thấy sự thờ ơ khủng khiếp của chính quyền.

Sếp lớn của một tập đoàn phương Tây muốn gặp một quan chức cấp cao tương đối dễ, nhưng để một công dân Trung Quốc làm mất vài phút ít ỏi của một quan chức cấp thấp lại thực sự là một thử thách: anh ta phải chạy lòng vòng qua vài văn phòng, bảo vệ và những trợ lý lãnh đạm thường có ý đuổi anh ra ngoài.

Đôi khi các quan chức địa phương cũng dùng thái độ ấy để hành xử với Bắc Kinh.

Chính quyền trung ương có chế tài để buộc giới quan chức phải làm việc thật nhanh với các vấn đề tầm cỡ quốc gia như đầu tư nước ngoài hay ứng phỏ với dịch SARS bùng phát; nhưng chính quyền địa phương đánh bài “lờ” trên rất nhiều vấn đề khác.

Với những nhà kỹ trị trẻ thông minh trên trung ương, tương lai của nhà nước Trung Quốc trong trung hạn hẳn là khá nhiều thách thức.

Đất nước này cần tìm ra một cách thu ngân sách cho chính quyền địa phương bền vững hơn. Họ phải cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, đặc biệt là để đối phó với dân số già đi và nhu cầu của dân chúng vốn ngày càng giàu có.

Phần lớn dân chúng đã đạt được một nửa mức thu nhập khoảng 12.000 đôla/năm (tính theo sức mua tương đương).

Ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đáng chú ý có Đài Loan và Hàn Quốc, khi dân chúng đã đạt tới mức thu nhập này, họ có xu hướng yêu cầu được hưởng dịch vụ công thích đáng.

Vạn lý trường chinh

Trong chuyến thăm Thâm Quyến nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố cảnh báo chính phủ về những nguy cơ hiện nay.

“Nếu không cam kết cải cải cách chính trị,” Thủ tướng nói, “thì những thành tựu đạt được nhờ cải cách hệ thống kinh tế có thể tiêu tan, và mục tiêu hiện đại hóa có thể không thực hiện được.”

Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, chương trình “chính phủ nhỏ, xã hội lớn” của Thâm Quyến tương đối ấn tượng.

Thành phố đã giải tán một phần ba số sở ban ngành và bãi bỏ cam kết đảm bảo công ăn việc làm cả đời cho các công chức mới vào biên chế; và qua văn phòng của Ma Hong, thành phố đang thuê NGO (tổ chức phi chính phủ) đảm nhiệm nhiều phần việc.

Sunny Lee, sáng lập viên trường Ciwei, chỉ ra rằng cho đến gần đây việc một người ngoài đảng như ông mở trường vẫn là điều không thể tưởng tượng được.

Ông nói Thâm Quyến đúng là “thiên đường của các NGO”. Biểu ngữ giăng khắp thành phố viết: “Xã hội dân sự: Cùng phát triển”.

Nhưng mọi việc tiến triển khá chậm. Dù một số cơ quan đã bị giải tán, nhưng các quan chức cao cấp vẫn giữ được ghế của mình, nên số phó giám đốc sở tăng đột biến.

Cơ cấu chính quyền vẫn phức tạp: về mặt kỹ thuật mà nói thì chỉ có 40.000 người làm việc cho thành phố (không tính tới những người như giáo viên).

Li Louli từ Tổ chức Cải cách kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng các sở ngành và nhà thầu địa phương có thể “lờ” được Bắc Kinh vì không có cơ quan nào giám sát họ.

Báo cáo về phương án cải thiện hội đồng nhân dân địa phương đã bị cho vào ngăn kéo và những bàn luận về ủy ban chống tham nhũng cũng nhạt dần.

Trung Quốc có thể khao khát có được sự hiệu quả như Singapore và Hong Kong nhưng họ lại không thích ý tưởng về một nhà nước nhỏ.

Sự chần chừ này dường như còn xuất hiện ở những cấp cao nhất. Dù cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo có kêu gọi Thâm Quyến dẫn đầu cải cách nhưng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không lập lại luận điểm này khi tới thăm thành phố vài tuần trước.

Áp lực từ phía dưới không hề giảm đi. Văn phòng của ông Yang có thể đóng cửa nhưng các diễn đàn trực tuyến nay nêu tên những “thảm họa” trong số các cơ quan nhà nước, dù cho họ hiếm khi chỉ mặt điểm tên người nào cụ thể.

Rút cục thì Bắc Kinh cũng sẽ phải cải tổ hệ thống các cơ quan công vụ giống như Đặng Tiểu Bình đã cải cách kinh tế trước đây.

Cho đến khi ấy, bất chấp những người ở Davos nghĩ gì, các chính phủ khác trên thế giới vẫn sẽ không học hỏi được gì nhiều ở Trung Quốc. Nếu phương Tây muốn cải thiện hệ thống chính quyền của mình, tốt hơn họ nên tìm hiểu công nghệ và quản lý.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên