MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple đã thành công tại Trung Quốc như thế nào?

03-08-2011 - 16:54 PM | Tài chính quốc tế

Người tiêu dùng cảm thấy Apple thật sành điệu và đáng đồng tiền. Người lao động Trung Quốc thấy Apple thật tàn nhẫn và vô trách nhiệm.

Gần đây, một người bạn nói với tôi về việc một người kỹ thuật viên thuộc China Telecom đã lắp đặt mạng Internet cho máy tính xách tay Apple của cô ấy như thế nào.

Người kỹ thuật viên lành nghề hết sức bối rối với thiết bị mỏng màu bạc. Anh ta làm việc với nó một cách dè dặt và cẩn thận. Sau đó anh trở nên hết sức bực bội khi không thể tìm thấy thiết bị kết nối phù hợp.

Câu chuyện này đã diễn ra từ 3 năm trước. Hiện nay, kỹ thuật viên của Trung Quốc đa phần sẽ không còn bối rối như vậy. Từ khi Apple mở cửa hàng chính hãng đầu tiên tại Bắc Kinh ngày 19/07/2008, công ty đã rất thành công trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng Trung Quốc.

Tại bất kỳ tiệm cà phê nào như Starbucks hay Costa Coffee ở Bắc Kinh cũng như Thượng Hải, tỷ lệ sử dụng thiết bị của Apple như iPhone, iPad, MacBook so với thiết bị hãng khác thường nhiều hơn 1 – 1.

Hiện nay, Apple có 4 cửa hàng chính hãng tại Trung Quốc, 2 cửa hàng tại Bắc Kinh, 2 cửa hàng tại Thượng Hải và có kế hoạch mở thêm cửa hàng tại Thượng Hải và Hồng Kông trong vòng 1 năm.

Ngoài ra còn hàng trăm đại lý được cấp phép của Apple tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc và số lượng tương đương các cửa hàng không được cấp phép (tính cả cửa hàng Apple Store nhái tại Côn Minh tuần trước bị phát hiện bởi một blogger Mỹ).

Nhóm cửa hàng này luôn đông chật khách. Ông Timothy Cook, giám đốc điều hành tạm quyền tại Apple, gần đây cho biết: “4 cửa hàng tại Trung Quốc của chúng tôi thường đón số lượt khách viếng thăm và mang lại nguồn doanh thu cao nhất thế giới.”

Mỗi cửa hàng đón khoảng 40.000 khách đến mỗi ngày. Cửa hàng của Apple tại Trung Quốc thường có quy mô lớn hơn tại Mỹ. Từ năm 2010 cho đến năm 2011, doanh thu của Apple tại Trung Quốc đại lục tăng khoảng 600% và đến 3 quý đầu năm tài khóa 2011 đạt 8,8 tỷ USD.

Vậy Apple đã thành công tại Trung Quốc như thế nào? Apple thành công vang dội tại Trung Quốc bởi hãng không chỉ đơn thuần đóng vai trò hãng sản xuất thiết bị mà đóng vai trò tạo nên những giấc mơ. Tuy nhiên, Apple cũng phải điều chỉnh giấc mơ của họ đôi chút để thích nghi với người Trung Quốc.

Hình ảnh của Apple ở Trung Quốc hiện nay nhấn mạnh đến sự xa xỉ chứ không phải sự nổi loạn. Các cửa hàng chính hãng thường đặt tại chuỗi cửa hàng cao cấp như Armani, Versace hay BMW. Apple được coi như lựa chọn hàng đầu của giới công chức. Lily Ou , quản lý bán hàng của một công ty phân phối thực phẩm quốc tế, nói: “Tôi muốn thể hiện rằng mình đang dùng sản phẩm của Apple.’’

Thương hiệu của Apple tại Trung Quốc cũng không ngừng được cập nhật mới, các dòng máy đời cũ ngày một rẻ hơn. Iphone và iPad có giá thấp hơn nhiều so với máy tính xách tay.

Hiện nay, một chiếc iPhone 4 16GB có giá 5.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 775USD. Tất nhiên, đây không phải số tiền nhỏ ở Trung Quốc. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc năm 2010 chỉ đạt 4.260USD. Một chiếc iPhone, chưa nói đến máy tính bảng iPad hay máy tính MacBook không phải món hàng tầm thường.

Thế nhưng cũng giống như bất kỳ loại hàng xa xỉ nào, giá cả và độ hiếm của nó, cũng như cảm giác riêng biệt mang đến sức hấp dẫn của sản phẩm. Trước khi sản phẩm của Apple được bán chính thức tại Trung Quốc, một số lượng nhất định đã được nhập lậu trên thị trường chợ đen.

Vào mùa hè năm 2010, vài tháng trước khi iPad được công bố tại Trung Quốc đại lục, tôi nhìn thấy một người phụ nữ trẻ mặc váy ngắn, đội mũ đỏ, khuôn mặt trang điểm cầu kỳ, chụp ảnh với máy tính bảng iPad (hàng nhập lậu) trên hành lang của một cửa hàng Starbucks tại Bắc Kinh. Cô ấy đang khoe mẽ với loại thiết bị mà mình ưa thích, cách chụp ảnh khiến người ta nhớ đến các quảng cáo ô tô xa xỉ.

Thế nhưng ở một phía khác của Apple tại Trung Quốc, anh Jia Jingchuan, người công nhân 27 tuổi đến từ một làng nhỏ thuộc tỉnh Sơn Đông có một cuộc sống khác hẳn. Anh không sở hữu iPhone, nhưng đã có hàng trăm ngàn chiếc iPhone qua tay anh.

Tháng 5/2011, anh chuyển đến thành phố Tô Châu 6 triệu dân thuộc tỉnh Giang Tô – Trung Quốc và làm việc tại nhà máy của công ty Wintek – Đài Loan chuyên sản phẩm linh kiện cho iPhone. Anh nói: “Ban đầu, khi tôi biết tôi được làm việc cho Apple tôi đã rất hạnh phúc và tự hào. Chúng tôi sẽ có nhiều đơn đặt hàng và tôi kiếm được nhiều tiền, khoảng 200USD/tháng và gửi được về nhà nhiều tiền hơn.”

Thế nhưng trong 2 năm, sự lạc quan của anh đã không còn. Thế nhưng khi số lượng đơn đặt hàng tăng quá cao, người chủ của các nhà máy bắt đầu yêu cầu công nhân lau màn hình với loại chất tẩy rửa mới nhưng loại này có mùi rất ghê và có thể gây ức chế thần kinh.

Sau khi sức khỏe chịu tác động quá tồi tệ đến mức không thể làm được việc, Jia đã phải nằm viện 10 tháng, suốt từ tháng 8/2009 và 136 công nhân khác làm cùng nhà máy với anh cũng bị bệnh nặng do chất độc.

Wintek chi trả viện phí cho Jia, công ty này tuyên bố trả 1,5 triệu USD tiền viện phí cho các công nhân bị nhiễm độc, thế nhưng sau khi xuât viện, anh và nhiều công nhân khác đồng thời mất việc và phải ký một cam kết mà theo đó công ty sẽ không chi trả bất kỳ khoản viện phí nào trong tương lai.

Tháng 7/2011, Jia không có việc làm, chi phí chữa bệnh ngày một nhiều hơn, anh có thể không còn đủ sức khỏe để làm việc trở lại. Ngày 07/06/2011, gia đình anh chi tiền cho anh đi khám tại bệnh viện ở Bắc Kinh, anh có triệu chứng bị tổn hại thần kinh nặng.

Anh chia sẻ: “Là đứa con duy nhất trong gia đình, tôi được đi học đại học, người ta đã từng coi nó như một sự thành công. Gia đình tôi đã rất tự hào. Thế nhưng lúc này mọi chuyện đã khác, con gái tôi 1 tuổi rưỡi, tôi muốn mang đến cho cháu một cuộc sống tốt nhưng tôi chẳng thể làm được gi bởi sức khỏe không còn tốt.”

Phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận trực tiếp, thế nhưng nói đến báo cáo về trách nhiệm của bên cung cấp linh kiện trong báo cáo năm 2011: “Chúng tôi đã yêu cầu Wintek ngừng sử dụng chất hexane và cung cấp bằng chứng họ không còn sử dụng chất hóa học trong dây chuyền sản xuất của mình.”

Trong khi đó, Apple tuyên bố các công nhân bị chịu ảnh hưởng của chất hóa học đã được điều trị thành công và tuyên bố sẽ tiếp tục kiểm soát các báo cáo y tế. Dù thực tế nhà máy của Wintek đã dừng sử dụng n-hexane, thế nhưng câu chuyện của Jia cũng đủ khiến người ta đặt câu hỏi về tuyên bố của Apple về việc họ vẫn đang theo dõi quá trình phục hồi bệnh tật của những người công nhân bệnh tật.

Hiện nay, anh đang tốn mỗi tháng 400 đến 500 nhân dân tệ tương đương từ 60 đến 80USD tiền thuốc/tháng: “Tôi cảm thấy thực sự thất vọng. Apple thật lạnh lùng và vô trách nhiệm đối với chúng tôi, công nhân sản xuất sản phẩm của hãng.”

Tệ hơn, việc lạm dụng lao động, rủi ro sức khỏe và ô nhiễm tại các nhà máy của Trung Quốc không phải mới. Về các vấn đề trên, Trung Quốc có tiêu chuẩn thấp hơn phương Tây và các quy định thường không được tuân thủ hoàn toàn chặt chẽ.

Đình Hảo

ngocdiep

ForeignPolicy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên