MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple "nhắm mắt làm ngơ" với số phận của công nhân lắp ráp?

28-01-2012 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Hiện có tồn tại tâm lý nghi ngờ về việc Apple không muốn ngăn chặn tình trạng lạm dụng lao động mà chỉ làm mọi cách để không xấu mặt.

Năm 2005, một số điều hành cao cấp của Apple đã nhóm họp tại Cupertino, California để họp khẩn cấp. Nhiều công ty đã đưa ra nguyên tắc áp dụng với các bên cung cấp, Apple quyết định làm theo họ. Cụ thể, Apple áp dụng nguyên tắc: “Điều kiện làm việc tại dây chuyền cung cấp sản phẩm của Apple phải an toàn, người công nhân được tôn trọng, quá trình sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường.”

Ngay năm sau đó, phóng viên tờ The Mail của Anh đã bí mật đến thăm nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến, Trung Quốc nơi iPod được lắp ráp và đưa tin về tình trạng người công nhân phải làm việc nhiều giờ, bị trừng phạt và sống chật chội. Giới điều hành của Apple choáng. Một cựu nhân viên của Apple tuyên bố: “Apple toàn những người tốt và không hề biết điều gì đang xảy ra. Chúng tôi muốn mọi chuyện phải lập tức thay đổi.”

Apple lập tức tiến hành kiểm toán nhà máy ở Thâm Quyến và yêu cầu thay đổi. Nhà điều hành đưa ra nhiều sáng kiến trong đó bao gồm việc đưa ra báo cáo kiểm toán hàng năm. Đến năm 2011, Apple đã kiểm tra khoảng 396 cơ sở, trong đó có cả các nhà cung cấp trực tiếp. Apple thực hiện chương trình kiểm tra lớn nhất trong ngành điện tử.

Kết quả kiểm toán thật đáng kinh ngạc. Năm 2007, với kết quả kiểm tra từ khoảng hơn 30 nhà máy, công nhân tại 2/3 trong số các nhà máy này làm việc hơn 60 tiếng/tuần. Cá biệt ở nhà máy, có đến 6 trường hợp đã tuyển dụng cả trẻ em 15 tuổi và đưa ra thông tin giả mạo.

3 năm sau đó, Apple tiến hành 312 cuộc kiểm toán và mỗi năm, kết quả cho thấy khoảng hơn 50% nhà máy yêu cầu lao động làm việc hơn 6 ngày/tuần và kéo dài thời gian làm thêm giờ. Nhiều công nhân bị hạ lương hoặc bị giữ lương để trừng phạt.

Apple còn phát hiện ra hơn 70 trường hợp lao động cưỡng ép, sử dụng lao động chưa đủ tuổi, báo cáo thông tin sai lệch, xả thải độc hại và hơn 100 công nhân nhiễm độc.

Năm 2011, 229 đợt kiểm toán lại được thực hiện. Tình hình có cải thiện đôi chút, số lượng các vụ vi phạm giảm. Thế nhưng tại khoảng 93 cơ sở sản xuất, hơn một nửa công nhân làm việc hơn 60 tiếng/tuần. Hơn 50% công nhân làm việc quá 6 ngày/tuần. Vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm đến an toàn, trốn trả lương thêm giờ. Năm 2011, 4 công nhân mất mạng và 77 người khác bị thương do các vụ nổ tại nơi làm việc.

Cựu điều hành tại Apple, người nắm rất rõ trách nhiệm của nhà cung cấp nói: “Nếu bạn nhìn thấy cùng một vấn đề năm này qua năm khác, rõ ràng công ty đang lờ đi vấn đề chứ không phải giải quyết nó. Có thể chấp nhận được việc không tuân thủ, miễn nhà cung cấp hứa sẽ cố gắng cải thiện tình hình.”

Apple cho biết mỗi khi kiểm toán phát hiện ra vụ việc, công ty yêu cầu nhà cung cấp giải quyết vấn đề trong 90 ngày và thay đổi chính sách lập tức: “Nếu nhà cung cấp không muốn thay đổi, chúng tôi lập tức ngưng hợp tác.”

Thực tế lời đe dọa đến đâu chưa thể biết được bởi Apple đã phát hiện trường hợp vi phạm trong hàng trăm trường hợp nhưng từ năm 2007, chỉ chưa đầy 15 nhà cung cấp bị ngưng hợp đồng.

Ông Li, cựu quản lý tại Foxconn nói: “Một khi thỏa thuận được ký và Foxconn trở thành nhà cung cấp chính thức cho Apple, Apple sẽ không quan tâm đến điều kiện làm việc của công nhân hay bất kỳ điều gì khác không liên quan đến sản phẩm của Apple.” Ông Li đã làm việc 7 năm tại nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến và Thành Đô. Đến tháng 4/2011, ông bị sa thải sau khi từ chối đến làm việc tại Thành Đô. Foxconn bác bỏ những gì ông nói và khẳng định luôn nghiêm túc quan tâm đến từng công nhân.

Nỗ lực của Apple dù sao cũng mang lại một số thay đổi. Cơ sở sản xuất nào khi được kiểm toán lại đều đã thực hiện một số thay đổi và mang lại điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân. Ngoài ra, số lượng nhà máy được kiểm toán tăng qua các năm.

Apple đồng thời cũng đào tạo hơn 1 triệu công nhân về quyền lợi của họ cũng như cách ngăn chấn thương và phòng bệnh. Cách đây vài năm, sau khi kiểm toán nhất định đòi nói chuyện với một số công nhân cấp thấp, họ còn phát hiện ra nhiều người phải nộp phí tuyển dụng khá cao – Apple coi như lao động cưỡng ép. Đến năm 2011, các nhà máy đã phải hoàn lại hơn 6,7 triệu USD chi phí loại này.

Ông Dionne Harrison, chuyên gia tại Impactt, công ty được Apple trả tiền để ngăn chặn và can thiệp vào các vụ lạm dụng lao động trẻ em tại các nhà cung cấp cho biết: “Apple luôn đi đầu trong giảm thiểu lạm dụng lao động chưa đủ tuổi. Họ đang làm tất cả những gì có thể.”

Nhiều người không đồng ý với những gì ông này nói.

Một tư vấn viên tại BSR, tổ chức được Apple mời tư vấn về các vấn đề lao động, nói: “Chúng tôi đã nói Apple rất nhiều lần trong nhiều năm rằng thực tế đang có nhiều vấn đề cực nghiêm trọng và thực sự cần phải thay đổi. Họ không muốn ngăn chặn vấn đề, họ chỉ không muốn xấu mặt thôi.”

Ngọc Diệp

ngocdiep

Nytimes, Economist

Trở lên trên