MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple sẽ vẫn tốt ngay cả nếu không có Steve Jobs

23-01-2011 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Không có Steve Jobs, Apple vẫn “sống khỏe”. Bạn không tin ư? Cứ nhìn vào Pixar mà xem.

Tác giả Leander Kahney chủ trì trang blog Cult of Mac của Apple. Anh cũng là tác giả cuốn tiểu sử về Steve Jobs có tên Inside Steve's Brain (Trong đầu Steve có gì).

Trong suốt hơn chục năm qua, Pixar, công ty thứ hai của Steve Jobs, vẫn đều đặn cho ra lò những bộ phim thuộc hàng bom tấn mà khởi đầu là bộ phim Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) phát hành năm 1995. Đến hẹn lại lên, gần như năm nào hãng phim này cũng "trình làng" một bộ phim mang đậm tính sáng tạo và độc đáo - và thường nhận được những ý kiến phản hồi tuyệt vời cùng con số doanh thu khủng.

Nhìn lại sự phát triển của Apple cũng trong khoảng thời gian trên, chúng ta thấy một điểm tương đồng. Hầu như năm nào Apple cũng tung ra một sản phẩm lớn với khởi đầu là chiếc iMac trang nhã - dòng máy tính bán chạy nhất mọi thời đại. Gần đây, những siêu phẩm của họ ngày một lớn hơn với nào là iPod, iPhone, hay iPad.

Cái thú vị là ở chỗ trong khi quản lý tới chân tơ kẽ tóc mọi việc ở Apple, Jobs hầu như lại để mặc Pixar tự biên tự diễn. Đó là bởi vì sau khi giúp kích hoạt các quá trình sáng tạo của công ty này, ông giao Pixar vào tay những cấp dưới tin cậy của mình - đây là những người đã chứng tỏ được rằng năng lực của họ không dừng lại ở việc có thể điều hành công ty khi ông vắng mặt.

Cả Apple và Pixar đều có mô hình hoạt động tương tự nhau. Cả hai đều được cấu thành từ các đội sáng tạo nhỏ và họ phát triển từng sản phẩm một cách hệ thống. Các thành viên trong đội không phân biệt vị trí, cấp bậc của nhau. Tại Pixar, các giám đốc có thể hỗ trợ viết kịch bản. Tại Apple, nhóm marketing có thể gợi ý về các tính năng cho sản phẩm.

Họ cùng chung sức giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh, và khi gặp trở ngại lớn, họ có thể hủy dự án để bắt đầu lại từ đầu. Tại Pixar, bộ phim Toy Story mấy lần suýt bị quẳng vào sọt rác. Còn tại Apple, tiền thân của iMac là một mạng máy tính - một ý tưởng chết - và nó cũng suýt bị xếp xó trước khi trở thành một cỗ máy toàn năng.

Nhưng điều quan trọng nhất là cả hai công ty đều "phát minh" ra sản phẩm mới thông qua quá trình lặp lại liên tục. Tại Pixar, song song với quá trình sản xuất phim, kịch bản được viết đi viết lại nhiều lần, nên các nhân vật và diễn biến nội dung đều nằm trong một dòng chảy không ngừng.

Tại Apple, các nhà thiết kế thực hiện hàng loạt các sản phẩm mẫu. Sản phẩm mới liên tục được điều chỉnh và cải tiến. Jonathan Ive, nhà thiết kế trưởng của Apple, nổi tiếng vì đã tạo ra cả trăm mô hình sản phẩm mới. Ngay cả hệ thống cửa hàng bán lẻ thành công vang dội của Apple cũng từng được đưa vào hoạt động thử nghiệm trong một nhà kho bí mật.

Đây chính là bí quyết cho sự sáng tạo của Apple dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs. Các sản phẩm mới không hiện lên hoàn chỉnh trong đầu ông. Chúng được "phát hiện" dần thông qua quá trình thí nghiệm nhiều lần tại các phòng thí nghiệm của Apple. Các nhà thiết kế tạo ra chúng rồi tiến hành chỉnh sửa, và nếu cần, họ có thể bắt đầu lại từ con số không. Chẳng hạn, ban đầu chiếc iPhone có hình dạng máy tính bảng (tablet), nhưng sau đó được thiết kế lại vì Jobs nhận thấy rằng điện thoại có giao diện cảm ứng đa điểm sẽ tốt hơn nhiều.

Động lực của quá trình này chính là khao khát của Jobs về sự hoàn hảo và xuất sắc. Ông là một người cầu toàn và không bao giờ thỏa hiệp với tâm lý "vừa đủ". Mọi thứ đều phải được làm đi làm lại vô số lần cho tới khi chúng trở nên "cực kỳ tuyệt vời" mới thôi.

Trong thập kỷ qua, Jobs đã tái tạo Apple theo hình ảnh của mình. Các đặc điểm tính cách của ông như được "mã hóa" vào cung cách hoạt động của công ty. Sự cầu toàn, tính tỉ mỉ, và ngay cả con mắt thẩm mỹ của ông cũng đã trở thành một phần không thể tách rời trong các quá trình khác nhau của Apple, từ phát triển sản phẩm cho tới quảng cáo.

Đó gọi là sự "máy móc hóa nhân cách" - tức là biến các đặc điểm tính cách riêng của người lãnh đạo công ty thành các quá trình hoạt động của công ty đó. Ông chính là Apple, và Apple chính là Steve Jobs.

Và theo tôi, đó là điều sẽ xảy ra tại Apple sau khi Steve Jobs rời đi. Có lẽ Apple sở hữu đội ngũ lãnh đạo xuất sắc nhất trong nền kinh doanh của nước Mỹ. Giờ họ chỉ việc tiếp tục vận dụng các phương pháp kinh doanh sáng tạo mà Jobs đã dạy họ, và như thế, Apple sẽ còn tiếp tục phát triển.

Dĩ nhiên, vắng Jobs, Apple sẽ không còn như trước nữa. Họ sẽ không còn giữ được ngọn lửa đó, phép kỳ diệu đó nữa. Nhưng có lẽ họ vẫn phát triển dù thiếu bàn tay dẫn dắt của ông.

Theo Thủy Nguyệt

VEF


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên