MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Merkel có thể giải cứu châu Âu?

25-09-2015 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Đức hành động như một nhà lãnh đạo thực sự của châu Âu trước Tổng thống Putin nhưng vẫn do dự về việc hỗ trợ hết mình cho Ukraine.

Hồi tháng 6, nhà đầu tư nổi tiếng George Soros đã đưa ra bài viết “bày mưu chiến thắng cho Ukraine”, trong đó ông cho rằng các biện pháp trừng phạt, mặc dù cần thiết, nhưng lại có hại không chỉ đối với Nga mà còn đối với nền kinh tế châu Âu. 3 tháng trôi qua, châu Âu đã trải qua nhiều biến động và có vẻ như đúng là những biện pháp trừng phạt không hiệu nghiệm như phương Tây mong đợi.

Mới đây Soros lại có bài viết bình luận về tình hình hiện tại cũng như đưa ra chiến lược mới cho châu Âu.

Khủng hoảng Hy Lạp càng làm trầm trọng các vấn đề của Ukraine bằng cách làm giảm sự chú ý của các nhà chức trách châu Âu vào Ukraine và củng cố xu hướng xem Ukraine như một Hy Lạp khác. Tác động lên Thủ tướng Merkel rất bất lợi. Bà hành động như một nhà lãnh đạo thực sự của châu Âu trước Tổng thống Putin nhưng vẫn do dự về việc hỗ trợ hết mình cho Ukraine.

Đối với Hy Lạp, bà đã bỏ đi tính thận trọng đặc trưng để ngăn Hy Lạp rời khỏi đồng euro. Điều này đã đưa bà vào cuộc xung đột với đảng của mình và bộ trưởng tài chính, Wolfgang Schäuble, người đã ủng hộ đảng của bà. Giữ Hy Lạp trong eurozone, ít nhất cho đến khi có các dàn xếp khác, bà đã sử dụng rất nhiều vốn chính trị của mình trong quá trình này. Ukraine mới sẽ cảm nhận sự mất mát trong khi nó đang cần tất cả các hỗ trợ có thể có được khi tuân thủ thỏa thuận Minsk.

Sự mơ hồ của thỏa thuận Minsk đã đẩy hai bên vào trò chơi đố chữ mà nhiệm vụ là phải vượt qua nghĩa vụ để thực hiện bước tiếp theo cho phía bên kia. Kiev đã nhanh chóng tiếp thu một bài học. Dưới sự hối thúc của các đồng minh, Kiev đã thiết lập trạng thái đặc biệt của vùng Donbas bằng cách thông qua một đạo luật có trích dẫn nguyên văn văn bản không rõ ràng của thỏa thuận Minsk. Điều này đã tạo ra vấn đề tài chính cho Tổng thống Putin bằng cách làm vùng Donbas không nhận đủ nguồn quỹ cho đến khi họ sẵn sàng tổ chức bầu cử theo quy định của pháp luật Ukraine.

Nhưng sẽ rủi ro cho các đồng minh của Ukraine khi đẩy Tổng thống Poroshenko quá xa trong việc đưa ra các nhượng bộ đơn phương đối với lực ly khai. Như cuộc đổ máu gần đây trước Quốc hội Ukraine đã chứng minh, yếu tố dân tộc cực đoan đang trên bờ vực dẫn đến cuộc nổi loạn. Trong ngắn hạn, tình trạng về chính trị và kinh tế của Ukraine mới vô cùng bấp bênh.

Cuộc kiểm tra quan trọng các cuộc đàm phán Hy Lạp gần đây cho thấy chúng sai ở đâu. Đáng lẽ không nên ưu tiên Hy Lạp hơn Ukraine và cũng không nên xem Ukraine như một Hy Lạp khác. Cuộc kiểm tra tương tự thỏa thuận Minsk dẫn đến một kết luận nước đôi. Tuy đồng minh châu Âu của Ukraine rơi vào bẫy, nhưng bế tắc hiện nay đã mang lại lợi ích quan trọng: khiến Nga chấm dứt việc vi phạm lệnh ngừng bắn. Thật đáng tiếc nếu để mất lợi thế này.

Phân tích này dẫn một cách hợp lý đến chiến lược chiến thắng mới cho Ukraine. Ukraine vẫn nên được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu của Liên minh châu Âu vì Ukraine mới là một trong những tài sản lớn của Liên minh châu Âu. Mọi nỗ lực được thực hiện không chỉ để bảo vệ Ukraine mới mà còn đảm bảo sự thành công của nó. Nếu bằng cách giúp Ukraine, Liên minh châu Âu có thể đẩy lùi hiệu quả sự đe dọa của Nga, thì sau đó, hầu hết các ưu tiên khác của Liên minh châu Âu sẽ vào đúng vị trí; nếu thất bại, các mục tiêu khác sẽ bị đẩy xa hơn ngoài tầm với.

Làm thế nào có thể chắn chắc cho sự thành công của Ukraine mới? Phân tích về vấn đề này trong chiến lược chiến thắng được viết trước kia vẫn có giá trị. Đã và đang rõ ràng rằng Tổng thống Putin luôn có thể chứng minh Nga mạnh hơn Ukraine và các đồng minh bằng cách leo thang quân sự. Ukraine không thể chiến thắng Nga về mặt quân sự. Điều này có nghĩa là Ukraine không thể giành lại toàn vẹn lãnh thổ, ít nhất là trong ngắn hạn, nhưng nó có thể duy trì tính toàn vẹn về đạo đức và chính trị.

Nếu lựa chọn thì lựa chọn sau (duy trì tính toàn vẹn về đạo đức và chính trị) quan trọng hơn nhiều. Ukraine mới mong muốn thực hiện cải cách kinh tế và chính trị triệt để. Ukraine có đông dân số và đội quân chiến đấu sẵn sàng bảo vệ Liên minh châu Âu bằng cách tự bảo vệ bản thân. Hơn nữa, tinh thần tự nguyện và tự hy sinh mà Ukraine mới đang dựa vào là thứ hàng rất dễ dàng hư hỏng: nếu bị cạn kiệt, sẽ mất một thế hệ để thay thế.

Thủ tướng Merkel đã đặt tính toàn vẹn chính trị và đạo đức của Ukraine mới dưới áp lực to lớn bằng cách buộc Tổng thống Poroshenko phải tuân thủ chính xác theo thỏa thuận Minsk ngay cả khi Tổng thống Putin không tuân thủ. Tuy nhiên, điều này mang lại lợi ích là giữ xung đột quân sự trong giới hạn, một thành tích mà cần phải được bảo vệ. Đạt được mức độ ổn định chính trị và quân sự nào đó là một trong những mục tiêu của chiến lược chiến thắng.

Đây là phần thứ hai còn đang thiếu của chiến lược chiến thắng. Đồng minh của Ukraine phải quyết định và tuyên bố rằng họ sẽ làm “bất cứ điều gì” để giúp Ukraine không chỉ tồn tại mà còn thực hiện những cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng, và phát triển mạnh bất chấp sự chống đối của Tổng thống Putin. Cách tiếp cận này đòi hỏi nhiều kinh phí hơn đáng kể hơn so với khoản kinh phí có sẵn trong ngân sách hiện hành của Liên minh châu Âu. Hai khía cạnh của bản cập nhật chiến thắng chiến lược này – giữ xung đột quân sự trong giới hạn và hỗ trợ tài chính đầy đủ để Ukraine thực hiện cải cách triệt để – phải được phối hợp một cách cẩn thận vì chúng có khả năng gây trở ngại cho nhau.

Chiến lược ban đầu kêu gọi các đồng minh của Ukraine tuyên bố cam kết rằng họ sẽ làm “bất cứ điều gì” vào cuối tháng Sáu trùng với việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga. Liên minh châu Âu đã bỏ lỡ thời hạn đó. Cơ hội tiếp theo sẽ xuất hiện vào cuối năm nay và nên được kết hợp với lời hứa giảm các biện pháp trừng phạt Nga nếu Nga đáp ứng các nghĩa vụ theo thỏa thuận Minsk. Điều này sẽ tăng cường cơ hội thành công bằng cách trao phần thưởng vật chất đáng kể cho Nga vì đã tuân thủ thỏa thuận Minsk cũng như một cách rời khỏi cuộc chiến với Ukraine mà không mất mặt.

Triển vọng của việc tuân thủ thỏa thuận Minsk đã cải thiện rất nhiều trong vài tháng qua. Sự suy yếu của giá dầu cùng với trượt giảm hơn nữa của đồng ruble đã gây áp lực mới lên kinh tế Nga. Nhưng yếu tố quyết định là sự sụt giảm trong sản xuất dầu mỏ của Nga. Sản lượng đã giảm so với năm trước, và lần đầu tiên, sản lượng dầu mỏ cả về số lượng và chất lượng đã giảm trong năm nay vào giữa tháng Sáu và tháng Bảy. Điều này có nghĩa rằng các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng và thiếu phụ tùng thay thế đang đẩy nhanh sự suy giảm của các mỏ dầu hiện có.

Putin có thể bù đắp tổn thất tài chính cho các đồng minh của mình bằng cách cho phép họ mua tài sản của các nhà tài phiệt chính trị ít tin cậy; nhưng cách duy nhất ông có thể ngăn chặn sự suy giảm chung của ngành công nghiệp dầu là một số hình thức xử phạt của phương Tây được dỡ bỏ. Điều này bây giờ được cân nhắc cao hơn so với mối đe dọa là sự thịnh vượng của Ukraine mới. Thực tế là giai đoạn nguy hiểm nhất đã trôi qua mà không có một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nào cho thấy Putin đã chọn cách dựa trên các phương tiện tinh tế hơn để gây bất ổn cho Ukraine mới.

Điều quan trọng hơn là các đồng minh của Ukraine nên nắm lấy chiến lược chiến thắng đã điều chỉnh nêu ra ở đây. Sự thay đổi trong thái độ của Putin mang lại cho họ nhiều không gian hơn để thực hiện. Họ có thể cung cấp một số hỗ trợ tài chính tức thì cho Ukraine nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính và chính trị mà không khêu khích các biện pháp đối phó từ Nga. Và họ phải chuẩn bị cơ sở cho một tuyên bố vào cuối năm hứa hẹn sẽ làm “bất cứ điều gì” để giúp Ukraine mới thành công. Điều đó có nghĩa rằng họ phải bắt đầu thiết lập thỏa thuận khung MFA ngay từ bây giờ bởi vì quá trình này sẽ mất vài tháng để hoàn thành. Không thể bắt đầu mà không có sự chấp thuận trước của Bộ Tài chính Đức.

Có một số dấu hiệu đáng mừng rằng Thủ tướng Merkel đang đi đúng hướng. Bà đi trước cộng đồng doanh nghiệp và người dân Đức khi dùng vị trí lãnh đạo của mình để tạo nên sự thống nhất trong châu Âu về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Chỉ sau khi vụ máy bay của Malaysia rơi ở Ukraine mà công chúng Đức gây rắc rối với bà. Bà chấp nhận rủi ro chính trị nhằm giữ Hy Lạp trong eurozone. Bà phải đối mặt với sự phản đối dữ dội nội bộ, nhưng điều đó không ngăn cản bà thực hiện một bước đi táo bạo bằng cách thông báo rằng Đức sẽ giải quyết cho 800.000 người tị nạn vào năm 2015.

Bằng cách đó Đức đã tạo ra một ví dụ tích cực cho các nước thành viên khác noi theo; nó cũng đã ngầm bỏ Quy chế Dublin, đòi hỏi người xin tị nạn đăng ký và ở trong nước đến và do đó, là lý do gây xích mích giữa quốc gia “đến” và “điểm đến”. Điều này đã mang lại sự thay đổi lớn trong thái độ của công chúng đối với những người tị nạn. Hiện đã xuất hiện làn sóng cảm thông bắt đầu từ Đức và lan sang phần còn lại của châu Âu. Nếu xu hướng này tiếp diễn, có thể dẫn đến một giải pháp tích cực cho vấn đề khủng hoảng di dân.

Thủ tướng Merkel thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng di dân có thể hủy diệt Liên minh châu Âu, đầu tiên là gây ra sự tan vỡ Hiệp ước Schengen, cho phép di chuyển tự do trong phạm vi châu Âu, và cuối cùng là phá hoại thị trường chung. Sẽ là sự tiếp nối thích hợp của chuỗi hành động mạo hiểm mới đây của bà nếu bây giờ bà kết hợp sự cương quyết đối với Nga cùng với sự tin tưởng và hỗ trợ lớn hơn cho Ukraine.

Mỹ đã cam kết một cách cương quyết cho Ukraine mới nhiều hơn so với hầu hết các chính phủ ở châu Âu; do đó, Tổng thống Obama có thể đóng vai trò xây dựng trong việc thuyết phục Thủ tướng Merkel đi theo hướng này. Với sự hỗ trợ của họ, chiến lược chiến thắng mới cho Ukraine có cơ hội thành công trong thực tế. Và sự thành công tại Ukraine cung cấp cho Liên minh châu Âu đủ động lực để tìm giải pháp tích cực cho các vấn đề khác mà nó phải đối mặt.

Sáng kiến táo bạo của Thủ tướng Merkel đối với người tị nạn có thể có những ảnh hưởng sâu rộng. Bà đã thách thức đảng phản đối đồng euro ở Đức, nhưng đảng đó đã bị chia rẽ về vấn đề người nhập cư và có khả năng sụp đổ dưới làn sóng cảm thông của cộng chúng dành cho người tị nạn. Điều này có thể khuyến khích Tổng thống Hollande cạnh tranh với Đảng Mặt trận Quốc gia (National Front) ở Pháp, bị chia rẽ bởi tình trạng thù địch giữa người sáng lập và con gái của ông; và có thể khuyến khích Thủ tướng Cameron thách thức thành công sự kích động chống người nhập cư của Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP). Điều này có thể chuyển đổi tình hình chính trị của Liên minh châu Âu.

Có nguy cơ là mối bận tâm của châu Âu với cuộc khủng hoảng di cư một lần nữa có thể hướng sự chú ý khỏi vấn đề thậm chí nền tảng hơn, theo ý kiến của tôi, đó là số phận của Ukraine mới. Đây sẽ là một sai sót mang tính bi kịch. Như tôi đã tranh luận ở đây, Ukraine mới là tài sản quý giá nhất mà châu Âu có được. Mất nó sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục: có thể tạo ra một quốc gia thất bại với hơn 40 triệu người và họ sẽ trở thành những người tị nạn khác. Nhưng bằng cách giúp Ukraine mới, Liên minh châu Âu có thể tự cứu mình.

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên